Trong giới trẻ, mà đặc biệt là ở thanh thiếu niên nông thôn không chỉ gia tăng mà tiềm ẩn nguy cơ, biến đổi khó lường. Nhiều ý kiến cho rằng tính bạo lực trong giới trẻ một phần do ảnh hưởng game bạo lực, sự thiếu quan tâm của gia đình và các tổ chức xã hội. >> Nữ sinh bị đánh dã man vì tội “cướp chồng”
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực trong giới trẻ, đặc biệt là thanh thiếu niên ở nông thôn. Trong đó một nguyên nhân gián tiếp không thể không nói đến đó chính là việc có quá ít hoặc gần như không có các sân chơi lành mạnh có sự quản lý của các ngành chức năng ở nông thôn.
Trong khi vui chơi giải trí lại là nhu cầu tất yếu của mọi người, mọi lứa tuổi, nhất là thanh thiếu niên, thì thực trạng này càng tạo đà cho thanh thiếu niên tìm đến những chỗ chơi “phức tạp” để rồi gây gổ đánh nhau.
Hiện nay, những sân chơi có tổ chức hầu hết chỉ tập trung ở khu vực thành thị. Vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa lại càng thiếu sự đầu tư xây dựng các công trình an sinh, xã hội, thiếu sự quan tâm đúng mức của các ngành, các cấp. Dù hệ thống các thiết chế văn hóa gần như phủ kín đến cơ sở xã, phường, thị trấn, nhưng thực chất hoạt động không mấy hiệu quả.
Ngay cả các trung tâm văn hóa cấp huyện, nơi được đầu tư tương đối hoàn chỉnh về cơ sở vật chất, biên chế tổ chức, kinh phí, vậy mà hoạt động cũng chỉ cầm chừng. Mà ở vùng nông thôn, các hoạt động vui chơi mang tính quần chúng chủ yếu chỉ dựa vào sức sống của các thiết chế văn hóa này.
Đồng chí Vũ Thanh Liêm, GĐ Trung tâm thanh thiếu niên miền Bắc cho biết: “Đứng trước thực trạng thiếu sân chơi lành mạnh cho thanh thiếu niên ở nông thôn, hiện nay Trung ương Đoàn đã báo cáo thủ tướng xây dựng 10 trung tâm vui chơi giải trí và tổ chức các hoạt động cho thanh thiếu niên trong 10 tỉnh.
Phải có thiết chế hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất, có bộ máy hoạt động, và nội dung hoạt động để tập hợp các em.” Đồng chí Vũ Thanh Liêm cũng cho rằng đứng trước những cơn “bão đen” của trò chơi trực tuyến độc hại, quán xá đèn mờ, quán rượu triền miên và cả những vụ hỗn chiến liên tục xảy ra ở các vùng nông thôn, thì cần lắm những sân chơi lành mạnh mang tính vừa vui chơi vừa định hướng quan niệm sống tích cực cho giới trẻ.
Những game bạo lực góp phần khiến giới trẻ thêm kích động.
Bị kích động từ game bạo lực
Theo Th.S tâm lý Tạ Thị Hằng Hằng, chuyên viên Tư vấn tâm lý thì: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi xô xát, đánh nhau của các trai làng nói riêng và các thanh thiếu niên nói chung là sự kích động từ game bạo lực.
Ở lứa tuổi thanh thiếu niên thường hay bồng bột, sự kiềm chế của bản thân cũng kém hơn, thường dễ bị kích động nên khi bị xúc phạm hay có những hành vi không hài lòng sẽ dẫn đến những vụ đánh nhau”.
Dưới sự tác động của mặt trái của kinh tế thị trường, sự thiếu quan tâm giáo dục nhà trường và các tổ chức xã hội, một phần do sự thiếu ý thức của một bộ phận thanh thiếu niên dẫn đến việc game bạo lực đã ảnh hưởng không nhỏ đến tính cách giới trẻ. Trò chơi vi tính bạo lực có thể làm cho người ta dễ gây hấn.
Đồng chí Vũ Thanh Liêm cho biết game online đã tràn vào vào nông thôn rất nhiều vì game online mang lại lợi nhuận rất lớn cho những người kinh doanh. Trong đó công tác quản lý của chúng ta rất hạn chế thậm chí đã làm méo mó, sai lệch mục đích của game online.
Gần đây nhà nước có chủ chương quản lý giờ chơi game online tuy nhiên đấy cũng chỉ là một hình thức về mặt hành chính đơn thuần. Quan trọng là làm cho các em nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi và làm sao để các em nhận thức được tác hại của game.
Thiếu hiểu biết về pháp luật
Trung tá Trương Đình Trường, đội trưởng Đội CSĐT, công an huyện Chương Mỹ cho biết: “Hầu hết các bị cáo trong vụ trai làng “hỗn chiến” trong vùng không thuộc nhóm du côn, du đãng. Sự việc xảy ra ngoài sự bồng bột, không kiềm chế được bản thân còn có một nguyên nhân nữa đó là sự thiếu hiểu biết về pháp luật nên hầu hết các bị cáo đều “choáng” trước mức án của mình”.
Sự hiểu biết về pháp luật sẽ là một chiếc “barie” hữu hiệu để ngăn chặn các tác động xấu của xã hội đến thanh thiếu niên. Nhưng do thiếu những nhận thức cơ bản nhất về pháp luật nên có một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên trong xã hội đã không biết tự bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Họ dễ bị kích động, không tự giác chấp hành luật pháp, thậm chí vi phạm pháp luật. Hay nói cách khác, họ vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân của sự vi phạm pháp luật.
Đứng trước thực tại này, Trung ương Đoàn cũng đã tích cực phối hợp với các bộ ngành, đặc biệt là các tổ chức quốc tế. Với mong muốn là tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa công tác phổ biến giáo dục pháp luật đối với nhóm đối tượng thanh thiếu niên, đặc biệt là ở nông thôn, nơi còn rất hạn chế về nhận thức.
Đồng chí Vũ Thanh Liêm cho biết muốn làm được vậy trước hết cầnđội ngũ cán bộ đoàn ở các cơ sở hiểu biết, năng động, nhiệt tình để phổ biến đồng thời định hướng cho thanh thiếu niên nâng cao nhận thức tiến tới chuyển đổi hành vi, góp phần hạn chế bạo lực trong xã hội.
Theo Vũ Thị Huyền Trang
Mực Tím
Source: Báo Dân Trí