Sau 3 năm từ chối, N.T.H vẫn phải dọn về ở cùng với “chồng” bởi suốt ngày “chồng” cứ vặn vẹo: “Chẳng lẽ em không yêu anh sao? Trước sau gì mình cũng đến với nhau em còn tính toán chi li thế?”. Vậy là H. bắt đầu cuộc sống osin đích thực.
Osin phòng trọ
Cùng lớp, lại cùng quê nên chỉ sau một thời gian ngắn yêu nhau, T.N.H và T.T.N.C quyết định chung sống tại đường Nguyễn Huy Tưởng (Q. Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) để tiết kiệm chi phí. Cũng từ đó, H. không cho C. tham gia hoạt động của lớp. Đang làm bánh với nhóm bạn, nghe Hải gọi, Châu đành lóc cóc chạy về nấu cơm, dọn dẹp, giặt giũ… cho “chồng”. Hễ rời chiếc điện thoại, C. liền bị mắng nhiếc thậm tệ.
Cả lớp đã quá quen với những thước phim “chuyện gia đình” mà cả hai “đóng” trước lớp. H. tuyên bố: “Em C.là của tao, cấm đứa nào đụng vào!” khiến bạn bè thường chọc C. là “con rùa nuôi trong xó cửa” khi ngoài giờ lên lớp, C. chỉ quanh quẩn ở dãy nhà trọ.
Sau 3 năm từ chối, N.T.H (trường CĐ Lương thực Thực phẩm) vẫn phải dọn về ở cùng với “chồng” bởi suốt ngày “chồng” cứ vặn vẹo: “Chẳng lẽ em không yêu anh sao? Trước sau gì mình cũng đến với nhau em còn tính toán chi li thế?”. Vậy là H. bắt đầu cuộc sống osin đích thực.
“Chồng” H. không chỉ ỷ lại chuyện ăn, chuyện mặc mà toàn bộ chuyện nhà, chi tiêu đều mình H. xoay xở. Tiền gia đình gửi, H. chi phí cá nhân đã chật vật, nay gánh thêm “chồng” lại càng khổ sở hơn. Hôm nào “chồng” ăn vừa miệng thì “cơm lành canh ngọt”. Còn nếu phật ý “chồng”, cậu ta lại bỏ nhà ra đi.
Nhìn H.đi gõ cửa từng phòng trong xóm trọ nói: “Mày nói chuyện nhỏ xíu thôi cho chồng tao ngủ” khiến cả xóm trọ ngao ngán. Suốt ngày chăm lo cho anh chồng lười biếng, H. tiều tụy hẳn, việc học vì thế mà sa sút.
Những “ông chồng” họ Sở
C.T.P và T.T.L từ khi về ở chung lại mâu thuẫn chuyện tiền bạc. Tin tưởng giao L. toàn bộ tiền nhà, tiền học phí đến hạn cuối nộp P. bàng hoàng khi biết L. lấy tiền học phí đi sắm đồ. P. đành cầm cố chiếc xe máy. Thiếu tiền nhà, tiền điện nước, rồi ăn uống thiếu thốn, P. đâm ra cáu gắt với L.
Mâu thuẫn chưa được giải quyết thì bố mẹ L. đến thăm con gái. P. đành chuyển đồ đi để L. bày vẽ hiện trường che mắt bố mẹ. Chỉ khổ thân cô nàng không biết giải thích sao khi thỉnh thoảng bố mẹ phát hiện đồ dùng của nam giới như dao cạo râu, sữa tắm, và cả áo quần lót nam trong phòng. Vừa chăm bố mẹ, L. phải vừa lén lút chăm sóc anh chồng đang tá túc phòng bạn bè.
Sau 4 năm sống chung, T.L (trường ĐH Ngoại ngữ) già hơn hẳn so với bạn bè cùng lứa. Bạn trai tên Quảng đang theo học tại trường ĐH Bách khoa nên cả hai thuê trọ cuối con đường hẻo lánh tại P. Hòa Khánh Nam, hằng ngày, L. phải đạp xe hơn 10 cây số để đến lớp học.
Tự nhủ “có chồng rồi làm đẹp để làm gì”, thế nên L. không quan tâm đến bản thân. Từ một cô gái đẹp nhất nhì lớp, nay bạn bè gọi L. là “bà vợ lắm con”. Đến một ngày cô ngã ngửa khi hay tin “chồng” có “bồ nhí”. L. chỉ biết ngồi khóc lóc kể công, trách móc chửi mắng “chồng”. Anh chồng cũng chẳng vừa, đóng kín cửa phòng đánh L. vì tội “vạch áo cho người xem lưng”.
Chiến tranh lạnh kết thúc khi L. đến gặp “bồ nhí” của chồng van xin rồi đe dọa. Cuộc sống “vợ chồng” L. ngày càng căng thẳng nhưng không ai chịu chia tay để đi theo con đường riêng của mình.
Nô lệ
Bạn Phạm Trần Thanh Thảo (sinh viên năm cuối, trường ĐH Sư phạm) cho hay: “Có cặp sống thử hạnh phúc được thời gian đầu, về sau cãi cọ xô xát. Có cặp nữ sinh viên lỡ có bầu, nam sinh viên chạy trốn biệt tăm. Bốn năm học đại học, mình chưa thấy cặp đôi nào hạnh phúc trọn vẹn hay cưới nhau sau khi ra trường”.
Hiện xóm trọ của Thảo cũng có 2 phòng “gia đình sinh viên”, suốt ngày Thảo chứng kiến cảnh chị kia nấu nướng, giặt giũ, chăm sóc còn hơn cả mẹ chăm con cho anh chồng chơi game online. Nửa đêm học bài ôn thi, bạn giật mình bởi âm thanh lạ phát ra từ phòng bên cạnh, rồi tiếng thì thầm thủ thỉ to nhỏ. Có đêm thì tiếng bát chén, đồ đạc rơi vỡ. Cảnh tượng đó cứ ám ảnh Thảo khiến bạn không sao tập trung học được.
Ông Trương Quang Thanh, một chủ trọ cho biết: “Bọn nó có xảy ra chuyện gì chủ trọ sao can thiệp được, mình chỉ là người cho thuê phòng trọ chứ đâu phải ba mẹ nó mà quản”.
Thực tế, với nhiều nam sinh viên, sống thử không xuất phát từ tình yêu, có khi nó như trào lưu “thử cho biết” nhằm giải tỏa tâm sinh lý và tiết kiệm sinh hoạt phí. Nhiều nữ sinh viên buộc phải cam chịu để duy trì tình cảm, còn phản kháng liền bị bạo hành thậm tệ.
Chưa sẵn sàng về tâm, sinh lý, đại đa số nữ sinh viên sau khi đã sống thử đều suy nghĩ “không còn gì để mất” nên cố bám trụ đến cùng để níu kéo một tương lai hôn nhân đầy may rủi.
Theo Nhật Phương – Vân Anh
Sinh viên Việt Nam
Source: Báo Dân Trí