TTO – Đông đảo người dân ở nhiều lứa tuổi, ngành nghề đã tham dự ngày hội tái chế chất thải TP.HCM khai mạc sáng nay 17-4 tại Cung văn hóa Lao động (55B Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM).
Đi hội đổi rác thải lấy quà
Ngày hội vào cửa tự do, kéo dài đến 17g cùng ngày.
>> Đổi chất thải nguy hại lấy quà
Các loại túi vải sử dụng nhiều lần được giới thiệu và bày bán tại ngày hội – Ảnh: Minh Đức |
Những loại rác thải nguy hại được thu gom tại ngày hội – Ảnh: Minh Đức |
Trong lần thứ 4 được Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM tổ chức, ngày hội có chủ đề “3T và người lao động”. “3T” tức tiết giảm, tái sử dụng, tái chế. Mỗi cá nhân, tập thể áp dụng “3T” trong công việc, đời sống hằng ngày cũng là thông điệp ban tổ chức mong muốn truyền tải từ sự kiện này.
Ngày hội gồm nhiều hoạt động: triển lãm và hướng dẫn cách thức phân loại chất thải rắn tại hộ gia đình và các quy trình tái chế các loại chất thải thông thường; triển lãm sản phẩm túi thân thiện với môi trường, các công nghệ, sản phẩm tái chế; các trò chơi, xếp và trang trí túi giấy…
Các hoạt động thu hút nhiều sự chú ý nhất là đổi chất thải nguy hại (pin, ắc quy cũ, bóng đèn hỏng, chai lọ đựng hóa chất…) lấy các phần quà tặng (bánh, nước ngọt, túi môi trường, sữa tắm, nước rửa chén…); trao đổi đồ dùng vật dụng cũ (báo, quần áo, thú bông, túi xách…); đổi vỏ chai nước ngọt, vỏ hộp sữa lấy bánh…
Bạn Châu Thanh Tân – SV ĐH KHXH&NV TP.HCM – hào hứng cho biết đã gom gần 50 viên pin qua sử dụng mang đến ngày hội và đổi được thảm chùi chân, xẻng dùng chiên xào và 10 cuộn giấy.
Thanh Tân cho biết: “Là một tình nguyện viên môi trường, tôi có thói quen thu gom các chất thải nguy hại, đồng thời chia sẻ những lợi ích của việc làm này đến bạn bè, người thân. Đây là lần thứ hai tôi tham gia ngày hội tái chế chất thải và rất thích hoạt động đổi chất thải nguy hại lấy quà”.
Người dân mang những bộ quần áo cũ, vật dụng cũ đến trao đổi tại ngày hội – Ảnh: Minh Đức |
Người dân mang rác thải đến để đổi quà – Ảnh: Minh Đức |
Các sản phẩm, mô hình được làm từ các loại phế thải trưng bày tại ngày hội – Ảnh: Minh Đức |
Chị Phạm Thị Kim Loan – công nhân một công ty tại Q.1, TP.HCM – sáng nay khi đi ngang Cung văn hóa Lao động, đọc băng rôn chương trình thì lập tức quay về nhà mang những bóng điện hỏng đến đổi quà. Chị đề xuất: “Tôi có thói quen gom bóng đèn hỏng vì cũng biết đó là chất thải độc hại. Tôi mong ngày hội tái chế chất thải được tổ chức 6 tháng một lần để người dân có thể gom chất thải đến đổi, vì những chất thải này để trong nhà lâu cũng nguy hiểm, nhất là với gia đình có con nhỏ như tôi”.
Gian hàng trả lời các câu hỏi trắc nghiệm về môi trường có quà tặng dành cho các gia đình, gian hàng làm các sản phẩm nhỏ xinh từ những vật liệu tái chế, vẽ tranh nhận túi môi trường… cũng hoạt động khá rôm rả.
Từ nhiều tháng trước ngày hội này, nhiều hoạt động đã diễn ra như cuộc thi “Túi xanh từ phế thải”, thu gom chất thải nguy hại trên địa bàn thành phố, cuộc thi “Sức sống mới từ phế thải” dành cho học sinh, cuộc thi “Thời trang từ vật liệu phế thải” và “Sáng tác tranh cổ động 3T” dành cho sinh viên…
Sau ngày hội, ban tổ chức sẽ khảo sát ý kiến cộng đồng về ngày hội, thống kê và phối hợp với đơn vị khác để xử lý lượng chất thải nguy hại thu gom được. Được biết, năm 2009, lượng chất thải nguy hại thu gom từ các điểm của các quận đoàn tổ chức và tại ngày hội là gần 2 tấn và năm 2010 là hơn 2 tấn.
TRUNG UYÊN
Source: Báo Tuổi Trẻ