(Dân trí) – Nói về 2 chàng trai “vàng” ấy, bà Bùi Thị Hồng Nhung – Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Cần Thơ – cho biết 2 bạn đều sinh ra trong nghèo khó, bị tật từ nhỏ nhưng đều cố gắng vượt qua nghịch cảnh để vươn lên khẳng định mình với đời.
2 chàng trai “hái ra vàng” ấy là anh Trần Thanh Hải (29 tuổi) và anh Lê Tiến Đạt (24 tuổi).
Giọng ca “vàng” của người quản lý xưởng thủ công mỹ nghệ
Gặp Trần Thanh Hải ngồi trên chiếc xe lăn ở bục sân khấu, nghe anh hát giống như một nghệ sĩ chuyên nghiệp bởi giọng anh rất hay. Ít ai biết rằng giọng hát của người khuyết tật này từng “làm mưa làm gió” ở một vài hội thi văn nghệ ca cổ sân khấu cải lương toàn quốc.
Anh Trần Thanh Hải (ngồi xe lăn, bên trái) đang trình diễn tại buổi lễ kỷ niệm Người khuyết tật 18/4.
Dù vậy anh vẫn được đến trường như bao bạn bè. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình khó khăn và việc đi lại bất tiện nên học xong lớp 9, Hải nghỉ học. Những tưởng cuộc đời anh sẽ “bất lực” từ đây, phải phụ thuộc vào gia đình suốt đời. Nhưng được sự hỗ trợ của gia đình, anh Hải mua một chiếc ghe và cùng hành nghề buôn bán hàng hóa trên sông với gia đình.
Khoảng năm 2004, Hải tình cờ biết được có một cơ sở chuyên giúp người khuyết tật ở Cần Thơ, đó là cơ sở Nhịp cầu thuộc Hội Người khuyết tật TP Cần Thơ. Hải tìm đến và xin vào học việc. Hải nói: “Với người khuyết tật như chúng tôi thì học nghề gặp rất nhiều khó khăn do phải di chuyển tới lui. Nhưng cũng may tại cơ sở này chủ yếu làm nghề thủ công mỹ nghệ, ngồi một chỗ vì thế chúng tôi cũng nhẹ nhàng hơn”.
Nhưng trước đó, vào năm 2007, một niềm vui đến với anh Hải là được đi tham dự Hội thi ca cổ sân khấu cải lương toàn quốc giành cho người khuyết tật. Tại Hội thi này, giọng ca ngọt ngào của anh Trần Thanh Hải đến từ Cần Thơ đã thuyết phục được Bam giám khảo, Hải xuất sắc đoạt Huy chương Vàng. Cũng trong năm 2007, Hải được Trung ương Đoàn tặng Bằng khen tấm gương nghị lực vượt khó sống đẹp.
Hải chia sẻ: “Khi chưa tham gia vào hội Người khuyết tật, tôi mặc cảm lắm. Cứ nghĩ xã hội đã bỏ mình rồi nên lúc nào cũng trốn tránh người ngoài. Sau khi tham gia vào hội, có công ăn việc làm và lấy được vợ, tôi mới nhận ra rằng ngoài sự hòa đồng với những người cùng cảnh ngộ thì xã hội vẫn luôn quan tâm chia sẻ đến những số phận không may”.
Chàng trai “vàng” dưới đường đua xanh
Một chàng trai trẻ khuyết tật khác cũng đã mang về cho bản thân và cho Hội Người khuyết tật TP Cần Thơ những vinh dự đáng tự hào, trong đó có cả thành tích phá kỷ lục châu Á.
Chúng tôi cũng gặp Lê Tiến Đạt tại buổi kỷ niệm Người khuyết tật, trên gương mặt của Đạt vẫn còn đó niềm tự hào khi giành được những phần thưởng cao quý trong môn thể thao bơi lội.
Đạt sinh ra tại huyện Châu Thành (Đồng Tháp) trong gia đình có 3 anh em. Một cơn sốt bại liệt vào năm 2 tuổi đã khiến cho đôi chân của Đạt không còn nguyên vẹn. Dù vậy, Đạt vẫn đến trường và hiện nay đã tốt nghiệp Đại học ngành Tin học của Trường ĐH Cần Thơ.
Với những thành tích đạt được trong thời gian qua, 2 chàng trai khuyết tật Trần Thanh Hải và Lê Tiến Đạt nhân được nhiều giấy khen, bằng khen của UBND TP Cần Thơ, Sở LĐ-TB&XH và các cơ quan ban ngành. |
Đạt cho biết, khi còn là sinh viên, Đạt có tham gia Câu lạc bộ sinh viên khuyết tật TP Cần Thơ. Việc Đạt đến với môn thể thao bơi lội cũng là một sự tình cờ. Đạt nói: “Em quê ở Đồng Tháp, vùng sông nước nên biết bơi từ nhỏ. Khi hay tin có cuộc thi bơi lội dành cho người khuyết tật nên các cô chú ở Hội bảo em đăng ký tham gia. Thế là em đăng ký, tập luyện rồi thi đấu cho đến hôm nay”.
Năm 2008, tại cuộc thi bơi lội toàn quốc dành cho người khuyết tật ở TPHCM, Đạt đã giành 3 Huy chương Vàng (HCV) cá nhân, 2 Huy chương Bạc (HCB) tiếp sức đồng đội. Vào năm 2009, tại cuộc thi bơi lội toàn quốc tổ chức ở Quảng Trị, Đạt tiếp tục giành 3 HCV cá nhân và 2 HCB tiếp sức. Cũng trong năm 2009, Đạt tham dự Para game tại Malaysia và đã xuất sắc giành 2 HCV cá nhân môn bơi lội, phá kỷ lục châu Á bơi ếch 50m hạng SB6 với thành tích 44 giây 88 so với thành tích cũ 49 giây 81 của một VĐV người Malaysia.
Theo Đạt chia sẻ, với môn bơi lội, người khuyết tật gặp nhiều khó khăn khi thực hiện một số động tác. Tuy nhiên, thuận lợi là di chuyển dưới nước và chủ yếu dùng tay nên cũng có điều kiện tập luyện hơn. “Chủ yếu là tập sức cho 2 cánh tay mạnh để có thể hoạt động tốt khi chân của mình không dùng được”- Đạt nói.
Nói về dự định của mình, Đạt chia sẻ: “Em cũng từng tự ti với mọi người khi bản thân bị khuyết tật. Nhưng nhờ sự động viên của gia đình, bạn bè mà em đã vượt qua khó khăn để sống và đạt nhiều thành tích như ngày hôm nay. Giờ mới ra trường nên em chưa có việc làm vì thế trước mắt em muốn tìm công việc ổn định phù hợp với ngành học. Sau đó cũng sẽ tập trung vào môn thể thao bơi lội để góp phần công sức của mình cho quê hương, đất nước”.
Huỳnh Hải
Source: Báo Dân Trí