Mục tiêu tối thượng: niềm vui!

TTO – Chếnh choáng sau đêm dài không ngủ đi từ TP.HCM, đặt chân xuống ngã ba Tà In (cách Đà Lạt hơn 40km), không khí lạnh buốt đêm cao nguyên sau trận mưa xộc tới khiến tôi quên mất cái mệt.

Góc của Huyền

Mục tiêu tối thượng: niềm vui!

Đi thi đấu trên những chiếc xe máy cày vẫn cứ là niềm vui của những VĐV không chuyên – Ảnh: THANH HUYỀN

Chiếc xe đêm qua chạy chậm quá, tôi lo muộn. Trời mờ sáng khi tôi mải miết phóng xe ngược về Di Linh, nơi sẽ diễn ra giải leo núi Brăhyàng tỉnh Lâm Đồng. K’Thành, một VĐV, sẽ chờ ở bưu điện để dẫn tôi vào núi.

Một đoàn người đang ngồi đầy ắp trên hai chiếc xe máy cày, loại xe ngoài Bắc gọi là xe công nông. Với tốc độ của tôi, chỉ sau một lúc chạy qua tôi mới kịp nhận ra vài chiếc áo quen thuộc của các VĐV điền kinh Lâm Đồng.

Trình độ tác nghiệp ảnh của tôi thật tệ, may quá mọi người đều vui vẻ khi thấy một bà “từ trên trời rơi xuống” cứ chạy theo chụp ảnh lia lịa. Từ đây tới nơi xuất phát còn 15km nữa, chiếc máy cày cũ kỹ chạy lạch bạch, chắc cũng cỡ hơn tiếng nữa mới tới nơi. Không sao, tôi vui vẻ đi bên trò chuyện. Thầy của các em – Phan Hoàng Điệp, chủ nhân chiếc xe chính là người cầm lái, còn chiếc kia thầy mượn hàng xóm.

Cười hết cỡ, vì lát nữa đây các VĐV nhí này sẽ được thi đấu và đó là niềm vui vô bờ với các em – Ảnh: THANH HUYỀN

Bỗng một tình huống bất ngờ xảy ra, chiếc máy cày bể bánh. Sự cố ấy khiến tôi không nhịn được cười mà lòng phấp phỏng: trời còn sớm thế này, xe lại nặng thế kia làm sao mà đem vá đây!

Các em nhao nhao nhảy xuống, cười đùa vô tư. Thật ngạc nhiên là chỉ vài phút sau, chiếc thùng xe mới từ một nhà bên đường đã được nối vào chiếc đầu kéo. Cả đội lại từ tốn tiếp tục hành trình. Lần này để phòng xe “cõng” nặng quá, tôi may mắn được chở một em.

Hai bên đường, những đồi chè xanh mướt xen giữa  những rẫy cà phê trắng bông thơm ngát, nhấp nhô như làn sóng biển. Xe rẽ vào con đường cong cong nằm vắt ngang quả đồi, dưới kia là thung lũng, một dòng suối đang róc rách, làn nước trong vắt, vài ông Tây đang tranh thủ bấm máy ghi lại những khoảnh khắc đẹp. Trên xe tiếng cười đùa không ngớt, các em tranh nhau chỉ xem những cảnh đẹp mà có lẽ chỉ lúc này các em mới nhận ra, không khí vui vẻ làm tôi cũng vui lây.

Tôi tranh thủ hỏi chuyện cậu bé ngồi sau. Trong mắt VĐV chuyên nghiệp mười mấy năm, tôi thật sự ngạc nhiên về câu chuyện tập luyện của các em học sinh huyện miền núi này. Tiền hay chế độ chẳng phải là vấn đề đáng quan tâm, ngày hai lần, 5g sáng và 5g chiều, các buổi tập của các em diễn ra là những trò chơi say sưa thuở nhỏ…

Núi Brăhyàng đây rồi, từ xa đã nhìn thấy không khí nô nức của hội trại được tổ chức dưới chân núi. Sự hào hứng của những người miền núi ấy có điều gì đó cứ hút tôi đi theo “chộp cảnh” và “nhiều chuyện”. Đã đến lúc phải leo lên núi đón các VĐV, tôi muốn ghi lại những khoảnh khắc mệt mỏi nhất của VĐV vào ống kính.

Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến một bữa ăn của các VĐV thể thao như thế này. Chắc chắn không ai đong đếm xem bữa ăn này có bao nhiêu calori hay trong thức ăn sẽ có doping hay không… Giản dị chỉ là một cuộc liên hoan trước giờ thi đấu – Ảnh: THANH HUYỀN

Tự nhiên một cơn đói cồn cào xuất hiện làm tôi chợt nhớ ra mình còn chưa ăn sáng sau một đêm trằn trọc trên xe. Không khí sao mà lạnh  quá, gió núi ào ào, trời bắt đầu lất phất mưa.

Nhìn ngọn núi sừng sững, tôi không dám tự tin vào mức đường huyết của mình. Ngó quanh nơi này làm gì có bán đồ ăn sáng, tôi cảm thấy thật ân hận vì lúc nãy lỡ từ chối tô bún măng nóng hổi của các bạn trẻ tham gia hội trại. Làm sao đây khi mà tôi lại không muốn bỏ lỡ phút nào của cuộc leo núi?

Lúng túng, tôi đành quay sang hỏi thăm thầy Điệp. Chẳng nói câu nào, thầy nhanh nhảu chạy ra chiếc máy cày, trên đó có một thùng xôi nấu từ nhà và mời tôi ăn tạm. Vừa đơm xôi anh vừa giải thích: “Để khi các em chạy về ăn tạm cho đỡ đói”. Thật bất ngờ nhưng chẳng thể khách sáo, tôi vui vẻ cảm ơn rồi vừa đi vừa “nạp năng lượng”.

Trong lòng tôi lúc đó có một cảm giác thật khó tả mà tôi chắc rằng chỉ tôi mới cảm nhận được. Cầm nắm xôi trong tay, trước mắt tôi lại hiện ra những bữa ăn sáng trong bao nhiêu năm đi thi đấu đã qua. Đó là những bữa ăn sáng lịch sự trong khách sạn, rất nhiều dưỡng chất, đủ món đắt tiền: nào trứng, sữa, thịt hun khói… và rất khó ăn, muốn nuốt lại phải uống một ngụm nước như uống thuốc.

Tôi hình dung những nắm xôi ấy lát nữa sẽ được bốc ăn một cách ngon lành. Tôi thấy cảm động, một cảm giác tự nhiên không thể giải thích đơn giản bằng câu nói “một miếng khi đói…”.

Chuyến đi của tôi vất vả nhưng đầy những mẩu chuyện. Đó là những trải nghiệm thú vị trong cuộc đời mà tôi đã tìm thấy trong tư thế người làm báo.

Mới hay một khi thể thao chỉ là trò chơi, là niềm vui, là cái gì đó để thay đổi nhịp sống đơn điệu hằng ngày, thì một chuyến xe cày, một nắm xôi hay thậm chí với bàn chân đất vì không đủ tiền để mua một đôi giày, con người ta vẫn say đắm, phấn khích để được thi đấu…

Hình như đó mới là mục tiêu tối thượng của thể thao.

NGUYỄN THỊ THANH HUYỀN

Một HCV châu Á, bốn HCV xe đạp địa hình ở bốn kỳ SEA Games, Nguyễn Thị Thanh Huyền là một trong những nữ vận động viên “giàu có” thành tích nhất ở Việt Nam. Cô gái Hà Nội này xuôi Nam lập gia đình và tiếp tục học lên đại học. Huyền hiện là huấn luyện viên xe đạp địa hình cho tuyến trẻ tỉnh Bình Dương đồng thời cô cũng đang theo học báo chí. Bà mẹ của hai đứa con nhỏ này với sự am hiểu sâu sắc về thể thao sẽ là người đứng mục “Góc của Huyền” trên Tuồi Trẻ Online.

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.