Nhiều bà mẹ trẻ thường lo sốt vó khi con mình trong giai đoạn này nhìn cứ “ròm ròm thế nào ấy”. Nhưng nếu phải tham vấn ý kiến của bà, hoặc những bà mẹ đã có kinh nghiệm nuôi con, lời khuyên nhận được hẳn sẽ là: Đừng nôn nóng!
Mỗi giai đoạn, một cột mốc phát triển khác nhau
Thực ra, trong những năm tháng đầu đời, cột mốc phát triển chuẩn của trẻ cũng được ưu tiên theo từng giai đoạn khác nhau. Chẳng hạn, thị giác và thính giác của bé được ưu tiên phát triển từ 0 đến 6 tháng tuổi.
Nhưng quan trọng hơn hết thảy, sự phát triển về nhận thức của trẻ lại diễn ra mạnh mẽ ở độ tuổi từ 1-3, và đạt mức tột đỉnh ở tháng thứ 18. Nói vậy, không có nghĩa là nhận thức của bé chỉ thăng hoa ở giai đoạn này đâu nhé. Các bà mẹ cứ hình dung đây như là giai đoạn khởi động vậy. Và việc khởi động tốt thì bé sẽ có điểm xuất phát tốt hơn.
Ở giai đoạn này, bé khám phá và học hỏi rất nhanh. Đây cũng là lúc bé hoàn thiện về trí nhớ, khả năng tập trung, cũng như óc sáng tạo.
Trong cuốn Giúp trẻ phát triển toàn diện (sách do BS Lê Tấn Đạt dịch), Tiến sĩ Carol Cooper, cũng khẳng định từ 1 đến 3 tuổi là giai đoạn bé phát triển nhận thức đầu tiên mang tính chất quyết định đến trí thông minh của bé trong tương lai, vì thế các bà mẹ cần chú trọng đến việc bổ sung dinh dưỡng sao cho con mình có thể phát triển toàn diện cả về mặt thể chất lẫn trí não.
Yếu tố di truyền
Dĩ nhiên, sự phát triển nhận thức của các bé ở giai đoạn này không giống nhau, và cũng chẳng hề được lập trình trước. Có 2 yếu tố quan trọng tác động đến quá trình phát triển này: Yếu tố di truyền và tác động ngoại cảnh.
Và dù có đọc 100 cuốn sách hướng dẫn, các bà mẹ vẫn sẽ lo lắng liệu bé nhà mình có kịp phổng phao, tròn trĩnh… để cao to hơn hẳn bố mẹ trong tương lai không? Phản ứng tự nhiên là các bà mẹ cứ cuống cả lên mà mua hết loại sữa này đến chất bổ kia. Nhưng liệu tròn trĩnh có nhỉnh hơn thông minh trong giai đoạn này?
Giai đoạn từ 1 đến 3 tuổi là cột mốc phát triển một cách toàn diện về thể chất và trí não của trẻ. Một đứa trẻ trong độ tuổi từ 1 đến 3 có các chỉ số hình thể vừa phải với khả năng phản ứng linh hoạt với môi trường sẽ được xem là phát triển toàn diện hơn một đứa trẻ bụ bẫm nhưng không hoạt bát hoặc chậm nói. Chính vì vậy, các bà mẹ cần lựa chọn dinh dưỡng và phương pháp nuôi dạy khoa học, hợp lý, giúp trẻ khỏe mạnh, cao lớn, phát huy tối ưu trí thông minh.
Chăm và chơi đúng cách
Chăm trẻ trong giai đoạn này, ngoài việc cung cấp đầy đủ các thành tố dinh dưỡng cho sự phát triển thế chất như đạm, béo, vitamin và khoáng chất, các bà mẹ cần đặc biệt lưu ý đến những dinh dưỡng và hoạt chất cần thiết cho sự phát triển của não bộ. Khoa học gần đây chứng minh được rằng, hoạt chất Phospholipid đóng vai trò đặc biệt đến sự phát triển trí não của bé. Đừng ngại vì một cái tên khoa học dài ngoẵng và khó đọc, các bà mẹ hãy yên tâm rằng hoạt chất này vốn hiện diện tự nhiên trong sữa mẹ. Vì vậy, sữa mẹ vẫn phải là ưu tiên hàng đầu cho những tháng đầu đời của trẻ sơ sinh.
Cứ thế, bé sẽ dần cao lớn và thông minh theo sự tìm hiểu và “đầu tư” đúng cách của mẹ theo từng cột mốc phát triển.
Nguyễn Hoài Yên Minh
Source: Báo Dân Trí