AT – Ơi cái gió Tuy HòaCái gió chuyên cần và phóng túng…
Duyên hải miền Trung
Gió Tuy Hòa
Minh họa: NGUYỄN THANH |
Không biết đã bao lần câu thơ của Trần Mai Ninh cứ khắc khoải trong tôi về cái gió Tuy Hòa: ngọn gió nam thổi trong lòng tôi suốt quãng đời thơ ấu.
Mùa gió nam về vào khoảng tháng sáu, tháng bảy, có khi chuyển sang tháng tám. Đêm ấy nằm bên cạnh mẹ, đang chập chờn trong giấc ngủ tôi chợt nghe tiếng gió trở mình trên vách nứa. Ngọn gió lúc rì rầm, lúc rên rỉ xoay trở trong đêm lay gọi lá cây ngọn cỏ. Mẹ tôi ngồi dậy, nhắc chị hai: “Gió nam về rồi đó con! Con Hai xuống bếp coi chừng củi lửa xem vùi kỹ chưa kẻo lửa bén vào vách nứa thì khốn”.
Gió nam về rồi! Không giống ngọn gió heo may lành lạnh xứ Bắc, không giống gió Lào mang hơi nóng se khô, càng không phải gió nồm căng những cánh buồm đón những mẻ cá đầy khoang. Gió nam thổi suốt hai tháng mùa hè, có khi kèm theo mưa lất phất phả vào mặt mát lạnh, mẹ gọi là “ngoi nam”. Đầu mùa gọi là “nam mái”, tiếp đó là “nam cồ”.
Gió cứ như con ngựa hoang lang bạt trên thảo nguyên không gì ngăn cản nổi, lồng lộng, gầm rú thổi suốt đêm ngày không quên ngày nào, cứ chuyên cần hào phóng tung gió khắp mọi nơi, mọi nhà. Cây cối xác xơ chống chọi với gió. Những tàu lá chuối bị gió xé rách te tua. Gió quét sạch cát bụi rác rưởi, đường làng cứ sạch bóng. Từng đoàn người đi xe đạp ngược gió, cứ gò lưng mà đạp hoặc xuống xe dắt bộ. Gió được thể cứ phả vào mặt, luồn vào tóc, xốc tung mũ nón, lật tà áo bay ngược phía sau.
Đang mơ màng với những cơn gió, tôi xoay nghiêng hỏi mẹ:
– Mẹ ơi, sao lại gọi là gió “nam cồ”, “nam mái” hả mẹ?
– À, là vì gió “nam mái” yếu hơn, còn “nam cồ” gió mạnh lắm, thường về vào cuối đợt gió. Gió có thể đánh bật gốc chuối, bẻ gãy ngọn tre đó con. Thôi ngủ đi, mai còn dậy sớm.
Mùa gió nam Tuy Hòa cũng đi liền với mùa hoa quả của rừng. Từ mờ sáng, thanh niên đã ngược theo hướng gió đi rừng hái hoa quả mang bán ở chợ. Chôm chôm từng chùm đỏ ối tuy có hạt to nhưng cũng ngọt. Những thúng xay vỏ đen như nhung, chùm đỏ sặc, đỏ bộp chua chua ngọt ngọt, những quả mít nài nhỏ như mít tố nữ hương thơm rất đặc trưng… cũng đủ sắc màu hoa quả giống miệt vườn Nam bộ. Dạo đó, trái cây miền Nam chưa về nhiều như bây giờ nên hoa quả rừng là một đặc sản của quê tôi.
Mùa gió nam về đúng dịp nghỉ hè, lũ trẻ chúng tôi vui lắm, được thưởng thức hoa quả thỏa thích lại được bày đủ mọi trò chơi. Có đứa nghĩ ra cách lấy vài lon sữa bò, bên trong bỏ vài viên sỏi, thanh nứa, cột vào những sợi dây treo cao mặc cho gió đánh, vậy là có ngay những chiếc chuông gió khua lắc cắc nghe rất vui tai. Mỗi chiếc chuông mang một âm sắc khác nhau tùy chất liệu mà tụi trẻ bỏ vào lon.
Lũ trẻ chúng tôi cứ lớn dần lên qua những mùa gió nam Tuy Hòa như vậy. Sau này tôi đi nhiều nơi, đến nhiều vùng đất, khi đi xa mới thấy nhớ da diết cái gió Tuy Hòa đến vậy. Đứa bạn cùng phòng thấy tôi cứ thẫn thờ nhớ nhà khuyên mãi chẳng được liền bảo:
– Không biết gió nam có gì hấp dẫn mà cậu không dứt đi được?
Tôi liền kể cho bạn nghe về chiếc chuông gió ngày xưa, kể về mùa hoa quả của rừng cùng mùa gió nam, kể về tiếng gió lồng lộng đêm khuya và tiếng trở mình của mẹ dậy cài lại thanh cửa kẻo gió lật…
Vậy là dù đi đâu, về đâu, cứ khoảng tháng bảy là tôi về lại Tuy Hòa, về với ngọn gió nam thời thơ ấu. Ngồi trên xe tôi cứ phấp phỏng không yên. Khi xe qua đèo Cả, bỗng nghe bên ngoài tiếng gió réo ù ù át cả tiếng xe. Nhìn ra ngoài trời tối mịt, trong bụng tôi trống ngực đập thình thịch. Tôi reo lên “về nhà rồi”. Bên ngoài gió vẫn lồng lộng. Ngọn gió nam không trộn lẫn vào đâu được của mảnh đất Tuy Hòa. Ngọn gió “chuyên cần và phóng túng” mà suốt đời có lẽ không bao giờ tôi quên.
NGÔ THị PHÚNG
(Phú Yên)
Áo Trắng số 8 Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Source: Báo Tuổi Trẻ