TT – Việc em học sinh Võ Văn Huy ở xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa, Phú Yên được gọi vào đội tuyển học sinh giỏi toán quốc gia chuẩn bị dự thi Olympic đối với nhiều bạn trẻ ở các thành phố lớn là một truyện cổ tích. Nhiều bạn trẻ không hiểu được vì sao vừa chăn bò, vừa đi bóc vỏ hạt điều, vừa quán xuyến một núi việc nhà mà Huy vẫn đi học nổi!
Học chữ nơi nghèo nhất nước
Học sinh Trường tiểu học bản Kẽo Cơn, xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An tập thể dục trước khi vào lớp |
Cuối tháng 4-2011, trời vẫn còn rét, cô giáo Trường mầm non Kẽo Cơn phải nổi lửa lên cho các cháu sưởi ấm |
Chiều chủ nhật, các em Cầm, Quyết, Nguyên… ở bản Quyết Thắng cõng trên lưng gạo, sắn, măng… đi bộ năm giờ mới đến Trường THCS Keng Đu để sáng thứ hai bắt đầu một tuần mới |
Các em học sinh lớp 6 Trường THCS bán trú Keng Đu phải đi lấy nước ở rất xa về nấu cơm tại trường |
Thầy cô giáo ở Keng Đu cũng hết sức vất vả trong việc mang chữ đến với học sinh xã nghèo nhất nước. Đoạn đường từ thị trấn Mường Xén đến Keng Đu dài gần 80km, trong đó có trên 40km đường lầy lội như thế này. Và để vượt qua được “con đường đau khổ”, họ phải quấn xích vào bánh xe! |
Trò chơi của học trò xã nghèo |
Vượt qua khó khăn, cô và trò Trường mẫu giáo bản Kẽo Cơn, xã Keng Đu cùng dạy và học |
Các em học sinh Trường THCS dân tộc bán trú Keng Đu ôn bài. Trường được xây dựng xong vào năm 2010, nhưng đến giờ vẫn chưa có kinh phí trang bị bàn ghế cho học sinh nên các em đang phải “vượt khó” như thế này |
Thật ra ở nước Việt Nam, có nhiều nơi còn nghèo hơn xã Hòa Bình 2 của Huy, nhưng trẻ em vẫn vượt qua tất cả để đến trường. Ví dụ ở xã Keng Đu mà tôi đến chẳng hạn. Ông Hoàng Xuân Lương – phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trung ương (từng là bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn, phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Nghệ An) – cho biết: “Huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An là một trong chín huyện nghèo nhất nước. Mà ở huyện Kỳ Sơn, xã Keng Đu nằm gần biên giới Việt – Lào là xã nghèo nhất”.
Xã Keng Đu có 10 bản. Có những bản nằm sát đường biên giới Việt – Lào, phải đi bộ 4-5 giờ mới về trung tâm xã. Có những nơi dù có đường nhưng nắng thì bụi, mưa thì lầy; lầy đến độ các thầy cô giáo đi xe gắn máy đến trường đều phải quấn dây xích vào bánh xe mới đi được.
Tôi đến Keng Đu vào cuối tháng 4-2011. Thời tiết ở đây vẫn còn lạnh. Trẻ con chỉ mới học mầm non hay cấp I khi đến trường phải vác theo vài khúc củi để đốt sưởi ấm vào giờ ra chơi.
HẢI LUẬN thực hiện
Source: Báo Tuổi Trẻ