TTO – Người hướng cho tôi ước mơ được đứng trên bục giảng là cha… Tôi nhìn cha, cha đang say giấc ngủ cạnh chiếc giường cũ bên cửa sổ.
Người ươm mầm cho tôi ước mơ nhà giáo
Cha tôi là một nhà giáo. Cha bảo tôi gọi cha thức giấc lúc 11g, nhưng cha nào biết với tôi, đó là một nhiệm vụ nặng nhọc vô cùng. Bởi khi nhìn cha ngon giấc ngủ vì cả đêm qua đã phải thức suốt đêm để canh rẫy cau non dưới cái lạnh cắt da cắt thịt, cùng những trận mưa rào ngày đêm không ngớt thì lòng tôi nhói đau vô cùng. Thời gian để cha nghỉ trưa chỉ vẻn vẹn trong 15 phút.
Chỉ 15 phút – cái khoảng thời gian mà với một người bình thường (như tôi) thì chả làm nên việc gì có ích. Vậy mà với cha lại là một giấc ngủ quan trọng để chiều nay minh mẫn đến lớp giảng bài cho những đứa trẻ vùng cao. Một giấc ngủ vô tri, vô giác mà lại góp phần quan trọng khi bản thân nó níu kéo lấy tiềm thức của một nhà giáo tận tâm, vất vả vì công việc đến thế này sao? Có lẽ chỉ có ai hiểu được việc cha làm mới hiểu được hết sức mãnh liệt ẩn trong tiềm thức đó…
Nhìn cha ngủ sao tôi bỗng nhớ lại cái năm tôi lên 11 tuổi…
Năm tôi lên 11, tôi nằng nặc đòi cha chở tôi lên trường mà cha dạy học, để tận mắt xem cái ngôi trường huyền bí đã có một sức kết dính mãnh liệt, kết chặt tâm hồn của một người thầy giáo khiến dù mưa, dù gió đến thế nào, ông vẫn không quản ngại đường xa mà đến lớp, không chấp nhận bỏ lỡ một buổi dạy nào.
Tôi háo hức lắm, háo hức vô cùng… Trên đường đi, tôi liên tưởng đến nào hoa, nào cỏ đẹp, nào bướm bay dập dờn như cảnh tiên quanh một ngôi trường khang trang màu hồng sạch sẽ. Ngôi trường đó chắc hẳn sẽ chứa bao điều kỳ lạ cần con người khám phá tìm tòi. Đó sẽ là một ngôi trường huyền bí nhất, kỳ lạ nhất (những ý nghĩ ngây ngô của thời con nít đó làm tôi mỗi khi nhớ lại cũng tự cảm thấy buồn cười vô cùng).
Vì sao ư? Vì nó đã gắn bó với cả cuộc đời trai trẻ của cha, và cho đến hôm nay, khi con người đã phần nào bị thời gian tàn phá, thì nó vẫn đủ mạnh để kết chặy lấy tuổi trung niên mà khiến ông không lúc nào là không nghĩ đến…
Rồi tôi vỡ mộng, trường mà cha công tác đây sao? Trường đây sao? Trước mắt tôi là một căn phòng hai lớp đã bị thời gian bào mòn bằng mưa gió. Mái tôn cũ có che thêm vài tàu lá chuối để khi mưa trút xuống đỡ dột. Bàn ghế thì cũ kỹ, nấm mốc. Rêu phong bám ở khắp nơi. Cửa sổ là vài ba tấm ván (đã gần như mục nát)… Tôi thật sự thất vọng tràn trề…
Nhìn đám trẻ nô đùa ngoài sân với bộ quần áo lem luốc vì bụi bẩn, tôi ái ngại đứng ra xa. Có một vài đứa mến thì chạy lại níu kéo tôi chơi cùng. Nhưng trời! Làm sao mà tôi có thể nhập bọn chơi cùng với lũ con nít lấm lem như vậy chứ? Làm sao mà tôi có thể chơi những trò chơi mà dụng cụ chơi chỉ toàn là đất với đá chứ?…
Mới đầu, tôi từ chối phắt những lời nói ngây thơ mời tôi chơi cùng của đám trẻ, nhưng chỉ lúc sau, nhìn đám trẻ chơi vui đến nỗi như chưa bao giờ được chơi, tôi không còn nghĩ ngợi gì đến mọi thứ xung quanh và chạy ùa ra chơi cùng bọn trẻ.
Vui ơi là vui! Chơi với chúng làm tôi cảm thấy mình như bằng tuổi với tụi nó, như trở về với tuổi thơ – cái thời con nít còn ngu ngơ chẳng nghĩ suy chuyện chi… Chơi với tụi nó làm tôi cảm nhận được sự chân tình, chơi hết mình mà nếu có chơi với bất kỳ đứa trẻ thành thị nào thì tôi cũng không thể nào cảm nhận được… Tôi chơi hết mình, vui hết mình mà chẳng nghĩ suy gì đến sự dơ bẩn xung quanh…
Trên con đường về nhà, cha nhỏ nhẻ hỏi tôi: “Sao? Con gái cha chơi có vui không?”. Tôi cười tít mắt: “Chơi với chúng nó vui lắm cha à!”. Cha nhẹ xoa đầu tôi: “Cha rất vui vì con gái cha đã hòa nhập và chơi cùng với các em”. Ngừng đôi chút, cha tiếp: “Bọn trẻ con ấy, tuy chỉ bé hơn con hai tuổi thôi nhưng đã phải phụ giúp bố mẹ vô số công việc nhà đó! Có hôm, trời mưa to, đường lầy lội nên cha đến lớp trễ hơn thường ngày, nhìn lớp học trống trơn, không một đứa trẻ nào đến lớp, cha lo lắng vô cùng.
Rồi cha đến nhà từng đứa một để xem tại sao chúng không tới lớp”. Ngập ngừng đôi chút, phóng tầm mắt ra phiá xa xăm, giọng cha lắng xuống với vẻ ưu tư: “Đến nhà chúng nó, cha thấy chúng đang dầm mưa hốt từng mẻ lúa còn sót ngoài đường, quần áo từ đầu đến chân ướt như chuột lột…” . Không thể nói tiếp vì nghẹn ngào, cha nắm lấy đôi bàn tay bé nhỏ của tôi thì thào: “Quả thật, những đứa trẻ ấy cần đến tri thức hơn bất cứ ai, con nhỉ?”. Tôi im lặng, không trả lời câu hỏi của cha, vì tôi biết chính bản thân cha cũng đã có câu trả lời…
Kỷ niệm ấy với tôi là mãi mãi không bao giờ quên, bởi chính nó đã giải mã được câu hỏi mà từ lúc mới lớn, biết nghĩ suy cho đến bây giờ, khi đã dần trưởng thành và tự mình suy ngẫm lại, tôi lại tự cảm thấy biết ơn và cảm phục cha vô cùng.
Chính cha – người thầy giáo tậm tâm vì công việc, đã âm thầm từng ngày, từng ngày mang ánh sáng tri thức đến cho từng đứa trẻ vùng cao xa xôi, với ước mong chúng sẽ từng bước đến với cuộc sống văn minh hiện đại, để tự mình hòa nhập vào xã hội đang từng bước đi lên…Và cha – người thầy giáo – người mang đến ánh sáng tri thức ấy sẽ đứng đằng sau những thành công ấy mà mỉm cười mãn nguyện, để lấy động lực đó làm mục tiêu tiếp tục cống hiến vì nghề giáo đến khi bản thân mình… không thể tự bước lên bục giảng. Nhưng cha ơi!
Đừng lo vì điều đó, cha nhé, bởi còn con đây và cả những thế hệ trẻ tương lai nữa, chúng con sẽ tiếp nối theo con đường nhà giáo của cha, hay những người thầy, cô giáo khác, chúng con sẽ tiếp tục mang ánh sáng tri thức đến với những đứa trẻ còn chưa biết đến hai từ “văn minh” dù biết con đường nhà giáo ấy còn nhiều vất vả gian lao. Nhưng con tin thế hệ trẻ chúng con sẽ làm được điều đó. Và cha hãy tin ở con, cha nhé, vì chính cha đã thắp sáng cho con một ước mơ cống hiến cho cuộc sống như cha… Con sẽ sống hết mình, làm việc và học tập hết mình khi mục tiêu là chính ước mơ mà cha đã ươm…
Bây giờ, nhiệm vụ của con là:
– Cha ơi! Cha thức giấc đi ạ! Tới giờ đến lớp rồi…
TRẦN NGỌC BẢO TRÂM (Nguồn netbuttrian.vn)
Source: Báo Tuổi Trẻ