Họ là những nhân vật nổi tiếng không chỉ trong lĩnh vực chuyên môn mà còn nổi tiếng vì lòng yêu trẻ và sự tâm huyết với trẻ em.
Đó là Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh, Nhạc sĩ – Họa sĩ Nguyễn Lê Tâm, Nhà báo Phạm Thanh Việt, Tiến sỹ hóa học Phạm Anh Tuấn, Họa sĩ thiết kế – Th.S Đặng Thu Trang.
Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh hoạt động trong nhiều lĩnh vực như tư vấn giáo dục, làm báo tự do, sáng tác thơ, truyện ngắn, dịch thuật văn học. Chị có nhiều kinh nghiêm trong lĩnh vực tâm lý giáo dục trẻ em, có nhiều bài viết nghiên cứu về tâm sinh lý lứa tuổi, tư vấn cho các bậc phụ huynh… Hiện tại chị là Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và Giáo dục trẻ em
Nhạc sĩ, Họa sĩ Nguyễn Lê Tâm là người sáng tác nhiều bài hát hấp dẫn cho giới trẻ như “Nhắn tuổi 20”, Chiếc đồng hồ đáng ghét… và những ca khúc dành cho nhi đồng như “Phép lạ hàng ngày”, “Cái đuôi vẫy như bông hoa”… Anh còn là một họa sĩ vẽ cho các em nhỏ từ sách giáo khoa cấp 1, báo Nhi Đồng, Họa Mi, Thiếu Niên Tiền Phong… được trẻ em yêu thích. Công việc hàng ngày của anh là phụ trách phần mỹ thuật cho tổ hợp báo Công An Nhân Dân với rất nhiều đầu báo ngày, tuần và tháng.
Nhà báo Phạm Thanh Việt có biệt danh Anh Kính Lúp – báo Thiếu Niên Tiền Phong, anh vốn là sinh viên ĐH Kỹ thuật điện Lênin Grat, Liên Xô cũ, đã từng công tác tại Viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Quốc phòng, Nhà máy tàu biển Sài Gòn, Qua nhiều bước rẽ cuộc đời, về báo TNTP với vai trò là kỹ thuật viên phòng vi tính. Sau đó, anh trở thành phóng viên mảng khoa học kỹ thuật, tiếp nối “truyền thống” nhân vật Kính Lúp trên báo TNTP. Điều khiến anh Kính Lúp gắn bó với các độc giả yêu sáng tạo là sự tò mò, luôn muốn tự mình khám phá, tự tay mình làm những đồ vật, máy móc mình yêu thích.
Tiến sỹ hóa học Phạm Anh Tuấn nổi trong giới truyền thông với danh hiệu 10 blogger nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng nhất năm 2009. Bên cạnh những thành công trong sự nghiệp khoa học, với hàng chục bài nghiên cứu đắt giá, là những dự án hoàn toàn mới lạ và độc đáo dành cho trẻ em. Đó là 2 dự án Eboi – để trẻ em không còn bị chết đuối và Thám tử cò trắng và dấu vết carbon: dự án về Hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu, Truy tìm dấu vết carbon và bảo vệ môi trường. Dự án đã được đông đảo các trường mầm non ủng hộ và đưa chương trình vào làm giờ giáo dục thể chất thường xuyên. Dự án in đĩa, phát sách và truyện tranh dạy bơi miễn phí cho trẻ em vùng lũ đã và đang được Unicef và các tổ chức quốc tế tài trợ phát hành.
Chúng tôi vừa có cuộc trao đổi với 5 chuyên gia tham gia cộng tác thực hiện Trại hè Thành phố những người lớn tí hon.
Thành phố những người lớn tí hon – chương trình nghe thật thú vị. Cảm giác trong một thành phố nhỏ, thì những người nhỏ lại là lớn. Có điều gì thu hút để anh/chị đồng ý cộng tác với ban tổ chức?
TS. Giáo dục Nguyễn Thụy Anh: Ở Nga, hình thức trại hè thiếu nhi được duy trì đều đặn nhiều năm – mỗi vùng, mỗi tỉnh đều có những khu trại cố định, cơ sở vật chất đầy đủ phục vụ cho riêng đối tượng là trẻ em, lành mạnh, an toàn… và việc gửi con đi trại hè thường niên cũng đã là thói quen của các phụ huynh ở Nga. Tôi từng được tham gia trại hè Quốc tế Artek thời Liên xô cũ trong một tháng năm tôi bước sang 14 tuổi. Có thể nói, một tháng ấy kéo dài như cả tuổi thơ. Ấn tượng của tháng hoạt động sôi nổi, thú vị, lãng mạn… ấy đã cho tôi rất nhiều: bạn bè, tình cảm hữu nghị quốc tế, cảm xúc thẩm mỹ, nhận thức về môi trường và trách nhiệm công dân (những điều này tương đối mới mẻ đối với chúng tôi thời đó) và thậm chí đã ảnh hưởng không nhỏ đến những quyết định riêng của tôi về con đường đi tương lai. Tôi mơ ước ở Việt
Nhạc sĩ Lê Tâm: Tôi thích ý tưởng của ban tổ chức vì nó hữu ích. Tôi tin rằng cách làm này tạo cảm hứng tích cực đối với các em và cả cha mẹ các em. Thứ nhất: Mô hình tổ chức mới mẻ. Thành viên của ban tổ chức cũng là những người làm cha làm mẹ trẻ tuổi, nên họ vừa có trình độ, năng động, lại đầy ắp tươi mới tình yêu trẻ em. Thứ hai: Những người tham gia trực tiếp với các em có những chuyên gia như tiến sĩ về giáo dục và rất nhiều người giàu kinh nghiệm khác. Hai yếu tố đó kết hợp chắc chắn làm nên thành công của trại hè của hàng trăm chú rồng tý hon..
Anh Kính Lúp: Mỗi năm đến hè, các bậc phụ huynh thường tìm cho con các khóa học để vừa học và chơi bổ ích. Và đây cũng mở ra một cuộc cạnh tranh cho các đơn vị, công ty tổ chức các khóa học. Là người tiếp xúc nhiều với trẻ em, tôi cho rằng các phụ huynh không nên quá kỳ vọng vào việc thay đổi tính cách, thói quen của một đứa trẻ chỉ thông qua một khóa học. ĐIều khó nhất trên đời là sự thay đổi tính cách. Mà theo tôi, chỉ có tìm ra những khóa học phù hợp nhất với khả năng của con mình để cháu có thể học tập, vui chơi lành mạnh và an toàn.
TS Phạm Anh Tuấn: Tôi cũng là người viết nhiều dự án liên quan đến trẻ em như Eboi hay Dự án Thám tử Cò trắng và Dấu vết Carbon nên tôi rất hiểu khi làm với trẻ em và làm về trẻ em chúng ta sẽ gặp phải những khó khăn gì. Tôi thật sự đồng cảm với BTC chương trình này vì các bạn đều là người rất yêu trẻ và sẵn sàng đương đầu với những khó khăn để biến ý tưởng thành hiện thực.
Anh/chị có thể nói cụ thể hơn về các chủ đề mà anh/chị là chuyên gia cố vấn?
TS. Giáo dục Nguyễn Thụy Anh: Tôi nhấn mạnh vào hai cụm từ kỹ năng sống và giá trị sống để xây dựng các hoạt động, các bài học, các bài tập, trò chơi xoay xung quanh nội dung những khái niệm đó chứ tôi sẽ không nói là dạy kỹ năng sống cho trẻ vì tôi không tin những “kỹ năng” lại có thể có được trong vòng một, hai tuần. Nhưng chắc chắn, chúng tôi sẽ và kỳ vọng sẽ đem lại được cho trẻ những cảm xúc tích cực và những khám phá nhất định thông qua việc học, chơi, phục vụ các bạn và làm việc nhóm. Tôi mong trại hè là nơi các em sẽ thể hiện được cái tôi của riêng mình, khả năng của riêng mình nhưng lại biết cách nhường nhịn, hỗ trợ, hợp tác… hài hòa với những cá thể khác trong cộng đồng nhỏ là đội của các em. Sẽ có những nhiệm vụ chung được đặt ra để giải quyết. Nhiệm vụ ấy thậm chí kéo dài xuyên suốt quá trình tham gia trại hè. Tôi nhớ một nhà văn Nga nói câu này: “Những viên đá chỉ trở nên cao quý khi là đá của một ngôi đền” – tức là các em sẽ hiểu được giá trị của bản thân mình, đồng thời giá trị của việc cùng nhau góp sức cùng làm một công việc và có kết quả tốt.
Nhạc sĩ, Họa sĩ Lê Tâm: Trại hè của Rồng Vin với một thành phố thu nhỏ hội tụ rât nhiều ngành nghề, với mục địch tạo cảm hứng cho các em yêu lao động và hướng tới công việc yêu thích trong tương lai, nên nhấn mạnh yếu tố hướng nghiệp. Tôi đã viết kịch bản và các ca khúc dành riêng cho vở nhạc kịch như “Bé làm bánh ga tô” (nghề nấu ăn), “Thợ xây tý hon” (nghề thợ xây), “Bé làm thời trang” (nghề thiết kế thời trang), “Cái ống nghe” (nghề bác sĩ)… Mỗi bài là một giai điệu vui nhộn sẽ gợi mở về nghề này một cách cụ thể với các công cụ và niềm vui khi hoàn thành công việc. Những người hướng dẫn cho các cháu rất chuyên nghiệp. Phần phối khí, dạy hát do nhạc sĩ Đỗ Hoàng Linh đảm nhiệm. Anh có nhiều kinh nghiệm nhiều năm dạy nhạc, dựng hát và viết cho các em nhỏ. Các khâu vũ đạo diễn kịch sẽ do các đạo diễn nhiều năm gắn bó với các em. Tôi nghĩ rằng sự bất ngờ chỉ là nó hấp dẫn hơn mức dự kiến (cười).
Anh Kính Lúp: Trong chủ đề Khoa học kỹ thuật, với vai trò là người cố vấn, tôi sẽ cùng các cộng tác viên hướng dẫn các em tạo nên một thành phố mơ ước. Mơ ước ở đây là của các em chứ không phải của người lớn và chính là qua thực nghiệm đơn giản, đúc kết thành lý thuyết để sau này, bắt gặp kiến thức trong sách giáo khoa sẽ hiểu hơn về bài học, và góp phần kích thích trí tò mò, óc khám phá của các em.
Th.s Đặng Thu Trang: Mỗi trẻ em đều có tính cách khác nhau, và không phải em nào cũng tự tin ở khả năng của mình.Tôi coi mình là một người dẫn đường và khơi dậy khả năng tiềm tàng đấy của trẻ. Tôi giải thích hiện tượng, cung cấp kĩ năng, và đơn giản hóa các cách làm để sáng tạo nên một sản phẩm hoàn thiện. Và trên cơ sở các kĩ năng đã được học và các bước đơn giản đó, trẻ có thể sáng tạo ra các sản phẩm phức tạp hơn do trẻ tự nghĩ ra. Trước tiên tôi cho con thấy rằng, không gì là không thể làm được, bé sẽ tự tay làm được những đồ vật hữu ích. Sau đó, tôi sẽ gợi cho bé sử dụng những đồ vật không còn tác dụng nữa, kết hợp với nhau, khéo tay một chút để tạo ra những sản phẩm tiếp tục sử dụng được, bé sẽ học được cách tái chế sản phẩm. Tiếp theo là việc thiết kế sản phẩm, không chỉ sử dụng những đồ vật có sẵn để lắp ghép và chế tác nữa, bé sẽ sáng tạo và thiết kế lên sản phẩm của riêng mình. Đoạn cuối của cuộc hành trình, bé sẽ được “du lịch” tới xưởng sản xuất gốm Bát Tràng, để tìm hiểu về câu chuyện hình thành, về lịch sử và văn hóa, để tận mắt nhìn từng công đoạn chế tác một sản phẩm trong nghề truyền thống.
Trại hè Thành phố Những người lớn tí hon sẽ kéo dài 2 tháng từ 8h00- 22h00 hàng ngày 27/5 – 31/7/2011 tại nhà M3 Trung tâm triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam số 2 Hoa Lư, Hà Nội. Chương trình do Nhãn hàng Cốm bổ mắt Kid Eye của Công ty CP Dược phẩm Việt Đức tài trợ. |
Source: Báo Dân Trí