TT – Tại quận 5 (TP.HCM), những nội dung hoạt động Đội đã được chuyển tải trong tiết sinh hoạt Đội hằng tuần từ nhiều năm qua.
Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh (15-5-1941 – 15-5-2011)
Sinh hoạt Đội là tiết học kỹ năng
Những trò chơi dân gian được đưa vào tiết sinh hoạt Đội của cô trò Trường tiểu học Minh Đạo (Q.5) – Ảnh: K.Anh |
Bà Võ Ngọc Thu – Ảnh: Q.Linh |
Tiết sinh hoạt ấy có gì lý thú, làm cách nào để thực hiện điều đó? Trao đổi cùng Tuổi Trẻ, trưởng Phòng Giáo dục – đào tạo quận 5 VÕ NGỌC THU cho biết:
– Từ ba năm qua, 45 phút sinh hoạt Đội đã trở thành một trong những tiết học được các trường xếp chính thức trong lịch giảng dạy hằng tuần. Hiện nay 100% trường tiểu học và THCS của quận 5 đều thực hiện.
* Còn ý kiến cho rằng việc tham gia sinh hoạt Đội sẽ chiếm thời gian, ảnh hưởng việc học của học sinh, thưa bà?
– Đúng là khi bắt đầu thực hiện, chúng tôi cũng vấp phải một vài trở ngại. Còn một số hiệu trưởng, phụ huynh chưa đồng thuận, giáo viên không ủng hộ vì sợ mất thời gian học của học sinh, tổng phụ trách Đội cực hơn và hình thức sinh hoạt Đội còn nghèo nàn. Tuy nhiên, chúng tôi quyết tâm thực hiện vì khi làm hiệu trưởng, tôi áp dụng điều này tại trường của mình và nhận thấy tiết sinh hoạt Đội trở thành một tiết học rất bổ ích cho học sinh, các em cũng rất thích thú vì được chơi mà học, không bị áp lực điểm số.
* Thưa bà, như thế giờ sinh hoạt Đội cũng sẽ “đóng khung” như những tiết học bình thường khác?
– Phần lớn tiết học này các em sẽ được ra sân chơi chứ không sinh hoạt trong lớp, gò bó trong bốn bức tường. Chúng tôi kết hợp tiết học này giữa học sinh các khối khác nhau để học sinh lớp lớn hướng dẫn học sinh lớp nhỏ.
Với 45 phút ấy, các em được nghe kể chuyện về những nhân vật lịch sử của dân tộc, được hướng dẫn những kỹ năng cần thiết, lồng ghép giáo dục về an toàn giao thông… Có khi là những đợt cắm trại dã ngoại xa hay đưa học sinh đến các bảo tàng, di tích lịch sử văn hóa và vui chơi của TP. Từ những chuyến đi này, chúng tôi sẽ rèn luyện cho học sinh tinh thần trách nhiệm, làm việc tập thể, biết hợp tác, chia sẻ với nhau.
Chúng tôi không tham vọng phải làm được điều gì đó lớn lao mà bắt đầu từ những điều bình thường, nho nhỏ của cuộc sống. Chẳng hạn để các em biết nói lời cảm ơn, xin lỗi hay không nói tục chửi thề, ra đường biết đi đúng quy định. Từ những điều nhỏ ấy sẽ góp phần hình thành nhân cách cho học sinh.
* Có vẻ công việc không nhẹ nhàng chút nào, và nếu chỉ có một tổng phụ trách Đội, liệu có kham nổi số lượng học sinh lên đến cả ngàn của mỗi trường?
– Chúng tôi giải bài toán này bằng nguồn phụ trách Đội làm cộng tác viên tại các trường. Các bạn sẽ được lãnh đạo nhà trường kiểm tra khả năng trước khi chính thức được mời cộng tác và trả thù lao cho những tiết đứng lớp.
Ngoài ra, chúng tôi liên kết với ĐH Sư phạm TP.HCM mở các khóa đào tạo cử nhân sư phạm và ngân sách quận hỗ trợ 50% học phí cho những bạn này. Những bạn có hoàn cảnh khó khăn, học khá còn được hội khuyến học tặng học bổng hằng năm.
* Xin cảm ơn bà.
Phụ huynh ủng hộ Theo bà Thu, chuyển biến rõ nhất ghi nhận được chính là những trường có phong trào Đội không mạnh trước đây nay đã đầu tư nhiều hơn cho Đội, trường vốn có truyền thống hoạt động tốt thì phong trào Đội càng mạnh hơn. Cũng theo bà, nhiều phụ huynh đã ủng hộ bằng cách thay vì ngày cuối tuần cho con ở nhà nghỉ ngơi, học ngoại ngữ thì họ đã cho con mình tham gia sinh hoạt dù không phải là tiết sinh hoạt Đội. |
QUỐC LINH thực hiện
Source: Báo Tuổi Trẻ