Giám khảo và khán giả: Ai hơn ai?
Có thể nói Sao Mai điểm hẹn mùa thứ nhất năm 2004 là dạng game show tìm kiếm tài năng ca hát đầu tiên áp dụng hai hệ thống đánh giá, một của giám khảo và một của khán giả. Cuộc thi đem người tham gia ra trước sân chơi để chịu sự bình xét về khả năng trình diễn âm nhạc trước một tập thể hữu hạn có quyền lực và chuyên môn (ít nhiều liên quan) là ban giám khảo, và một đám đông vô hình và vô hạn là công chúng.
Giám khảo Mỹ Tâm bị chê giọng nói…ồm ồm và trang phục thỉnh thoảng xấu! |
Công thức trên được nhiều cuộc thi sau đó như Bước nhảy hoàn vũ, Việt Nam Idol, Việt Nam Next Top Model… nối gót học tập. Giới chuyên môn xem đây là kết quả của việc xã hội hóa các chương trình game show giải trí trên đài truyền hình, xuất hiện các công ty truyền thông quảng cáo và các nhà tài trợ chung tay với nhà đài tổ chức chương trình theo định dạng (format) sao chép từ các chương trình tương tự ở các nước có công nghệ truyền hình phát triển và cải biên cho phù hợp bối cảnh văn hóa Việt Nam.
Đặc điểm khiến các cuộc thi có xu hướng đưa khán giả trở thành người quyết định ai sẽ chiến thắng cuộc thi. Bởi, nó không chỉ giúp cuộc thi tương tác, tạo hấp dẫn cho người xem, thu được nhiều quảng cáo, mà còn mang lại nguồn lợi lớn từ phí tin nhắn bình chọn qua tổng đài. Vai trò của ban giám khảo ngày càng kém quan trọng trong việc chọn người chiến thắng, hoặc nếu có, chỉ có quyền quyết định 1 giải phụ dành cho ban giám khảo.
Điều không thể phủ nhận là dù ngày càng ít quyền “sinh sát” nhưng ban giám khảo vẫn có nhiều quyền năng ảnh hưởng đến quan điểm của khán giả về màn trình diễn của thí sinh bằng những lời nhận xét khi bộc trực, gây sốc, khi hài hước, vỗ về động viên. Chưa kể, không khí hào hứng được tạo bởi công nghệ game show còn khiến những nhìn nhận, phán xét của họ đối với thí sinh có phần thổi phồng một cách quá mức trong tương tác với khán giả.
Nếu như trong suốt thập niên 90, công việc của ban giám khảo các cuộc thi trên truyền hình chỉ là ngồi cho điểm, thì nay khán giả đang được xem các game show thử thách cả thí sinh lẫn… tài nhận xét của các vị giám khảo. Không chỉ các thí sinh, giám khảo còn đứng trước áp lực bị khán giả và truyền phán xét cách mà họ đã… phán xét thí sinh.
Chẳng hạn như ở Sao Mai điểm hẹn mùa thứ tư vừa kết thúc, ca sĩ Mỹ Tâm bị chê chỉ bởi giọng nói…ồm ồm (kết quả từ quá trình luyện thanh dài) và trang phục thỉnh thoảng xấu, nhưng những nhận xét của cô không hề chung chung như các đồng nghiệp mà rất cụ thể và có ích cho các thí sinh trong việc rèn luyện kỹ thuật trình diễn.
“Ngu” nhất đi là làm giám khảo
Giám khảo Trần Mạnh Tuấn, nghệ sĩ kèn saxophone tiên phong đi chấm… thi hát. |
Nếu như Sao Mai điểm hẹn khá cẩn thận khi chọn lọc một hội đồng giám khảo gồm những người nổi tiếng và có uy tín về chuyên môn, thì các cuộc thi sau này như Bước nhảy hoàn vũ, Việt Nam Idol chỉ cần một giám khảo có chuyên môn trực tiếp, còn lại là các chuyên môn xa, và thậm chí… chẳng liên quan. Thế nên, khán giả đã nhiều phen ngạc nhiên khi thấy nhạc sĩ Trần Tiến hay đạo diễn Lê Hoàng và Quang Dũng lại đi tham gia bình xét tài năng khiêu vũ, nghệ sĩ kèn saxophone Trần Mạnh Tuấn làm giám khảo cuộc thi ca hát.
Sự có mặt của dàn giám khảo nổi tiếng có mức độ chuyên môn ở mức thấp hoặc vừa phải, dù khiến cuộc thi bị giới chuyên môn đích thực đánh giá là trò vui giải trí trên truyền hình, nhưng bù lại, giúp không khí cuộc thi hào hứng hơn, khiến khán giả nghĩ rằng mình có quyền có ý kiến và ý kiến của mình là… xác đáng.
Ngoài sự nổi tiếng và tài ăn nói trước đám đông, cá tính của giám khảo là yếu tố then chốt trong cân nhắc lựa chọn của những người tổ chức chương trình. Bởi một game show có đội hình giám khảo lý tưởng là phải đảm bảo được sự hài hòa giữa các tính cách, đem lại chương trình nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Xét ở góc độ này, giám khảo và thí sinh gặp nhau ở một điểm chung là… phải biết “diễn”. Qua nhiều chương trình, khán giả hiện có thể nhớ đến nhạc sĩ Quốc Trung như “ông khó tính”, ca sĩ Siu Black là “người vui nhộn”, đạo diễn Quang Dũng “dĩ hòa vi quý”, đạo diễn Lê Hoàng “chua ngoa, đanh đá”…
Với Simon Cowell, cuộc thi American Idol ở Mỹ đã nâng khâu đánh giá thí sinh lên một cấp độ hoàn toàn mới. Giám khảo trở nên cay nghiệt hơn, thậm chí gây tổn thương cho một số người (từng bị cho là nguyên nhân khiến một thí sinh tự tử vào năm 2006). Do khác biệt văn hóa nên đến nay, các vị giám khảo ở Việt Nam thường chọn cách nói có khen có chê, động viên cái dở và biểu dương cái hay.
Những giám khảo có cách nói gây sốc đã giúp cuộc thi ồn ào trên truyền thông nhưng lại dẫn đến “hậu vận” không tốt khi chính họ phải… rời cuộc thi (dĩ nhiên với một lý do khác), chứ không phải thí sinh. Thế nên, có thể hiểu vì sao nhạc sĩ Trần Tiến lại phát biểu: “Ngu” nhất là làm giám khảo.
Theo VietNamNet
Source: Báo Thể Thao Văn Hóa