TTCT – Sống ở đô thị với chi phí ngày càng đắt đỏ, nhiều bạn trẻ Trung Quốc theo đuổi cuộc sống… thuê vì “ít tốn tiền mà vẫn sống vui vẻ”. Từ thuê nhà, băng đĩa đến thuê đồ trang sức, đồ dùng dã ngoại, thẻ ưu đãi, áo choàng, thú cưng, cây cảnh…
Thế giới không phẳng
Trung Quốc: Thế hệ… thuê
Hai bạn trẻ làm dịch vụ cho thuê túi xách – Ảnh: chinabag.com.cn |
Với quan niệm “thực dụng trên hết, tiết kiệm là chính”, thế hệ thuê đang thay đổi quan niệm quản lý tài chính của người dân Trung Quốc.
Sở hữu không quan trọng
“Tôi rất thích cuộc sống hiện nay, đúng như lời đồng nghiệp nói tôi thuê không chỉ là nhà, mà là phong cách, tôi thuê không chỉ là xe, mà là sự tao nhã” Một bạn trẻ chia sẻ trên mạng |
Bảo Lâm, 28 tuổi, ông chủ một công ty quảng cáo nhỏ, rất mê du lịch. Năm 2007, lần đầu tiên anh biết đến dịch vụ cho thuê xe. Anh nhẩm tính nếu mua một chiếc xe khoảng 200.000 NDT phải trả dần trong vòng ba năm, chưa kể tiền thuế, bảo hiểm, phí bảo dưỡng, tiền đăng ký xe ở Thượng Hải mấy chục ngàn NDT. Cuối cùng anh chọn cách thuê với giá 88 NDT/ngày. Đến nay, anh trở thành khách hàng thân thiết của các công ty cho thuê xe với “thành tích” hơn 20 lần thuê.
“Xe hơi là một phần cuộc sống của tôi, còn chiếc xe đó có phải của tôi hay không không quan trọng” – Bảo Lâm giải thích. Dù thuộc tầng lớp trung lưu nhưng anh không muốn chi nhiều cho trang phục hay xe cộ, trong khi sẵn sàng bỏ ra hơn 5.000 NDT để mua dàn loa trong nhà.
Cô Vương, sinh viên tốt nghiệp ở Bắc Kinh được bốn năm, khi thuê nhà đã thuê luôn tivi, đi du lịch thuê máy ảnh, đi công tác thuê trang phục, nuôi chó thuê dụng cụ, thậm chí thuê cả máy khoan điện chỉ để treo bức tranh lên tường. Nay cô bắt đầu từ bỏ tâm lý sở hữu tất cả như hồi mới ra trường. Cần thứ gì, việc đầu tiên cô làm là lên mạng tìm xem có chỗ cho thuê không.
Trước đây Vương thuê vì không đủ tiền, còn giờ sau khi thuê, cô thấy cuộc sống của mình ngày càng giống với những người được gọi là thế hệ thuê, tức có tiền nhưng không thích mua đồ, trong cuộc sống hằng ngày luôn có một hoặc nhiều món đồ không thuộc sở hữu của họ.
Họ thuê thú cưng vì ngày thường không có thời gian chăm sóc, thuê cây cảnh vì không biết trồng tỉa, thuê túi xách vì quần áo mới không có túi đi cùng, thuê xe hơi đắt tiền để được thỏa mãn cảm giác đi xe sang trọng, thuê đầu bếp để có một bữa ngon như ở nhà hàng 5 sao, thuê trang phục để thay đổi phong cách ăn mặc ít mạo hiểm, thuê thẻ hội viên, thẻ VIP để được hưởng ưu đãi…
Bùng nổ dịch vụ cho thuê
Theo điều tra của Inewsweel và QQ.com, trong số 14.000 người tham gia điều tra có đến 80% từng đi thuê, 40% không từ chối thuê. Cùng với sự bùng nổ của thế hệ thuê, ngành dịch vụ cho thuê ngày càng ăn nên làm ra. Nhiều doanh nghiệp mua bán chuyển sang cho thuê. Công ty hoa Khánh Hương mở dịch vụ cho thuê hoa, cây cảnh từ năm 2010, thời gian đầu chỉ 2-3 khách mỗi ngày, giờ mỗi ngày ít nhất năm khách.
Giới sinh viên thích thuê trang phục để đi phỏng vấn xin việc, thuê trang phục dạ hội để đi dự liên hoan cơ quan. Thậm chí nhiều bậc phụ huynh có thể thuê đàn piano cho con học, hay thuê túp lều trò chơi dựng trong phòng trẻ. Đúng như khẩu hiệu mạng cho thuê 91chuzu.com là “91 cho thuê tất cả, kể cả ước mơ!”.
Ông Đoạn Chấn Hưng, người sáng lập Liên hiệp trao đổi hàng hóa Đại Khánh, đánh giá: “Thuê để tránh lãng phí, tăng tỉ lệ sử dụng của sản phẩm, là một cách sống tích cực. Nó có thể giúp con người bớt đi nhiều gánh nặng, không cần đầu tư lớn cũng có thể hưởng thụ những món đồ mình thích. Tuy nhiên, quan trọng ở chỗ khi trả lại món hàng vẫn còn nguyên vẹn, vì thực tế có người không dám đi thuê hay không nỡ đem đồ mình cho thuê, chủ yếu sợ khách hàng không giữ uy tín”.
GS kinh tế Cường Lực của Đại học Tây Bắc cho rằng trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, với mức đầu tư thấp để đảm bảo chất lượng cuộc sống, thuê thay vì mua là sự thay đổi trong quan niệm sống. Tuy nhiên, ông cảnh báo cần tìm hiểu kỹ trước khi thuê, tránh những rắc rối về sau, vì hiện dịch vụ cho thuê chủ yếu thông qua mạng, quy định pháp luật của dịch vụ vẫn chưa hoàn thiện.
CẢNH CHÁNH (Theo inewsweek, QQ, Dbw)
Source: Báo Tuổi Trẻ