“Thị hiếu trọc phú đang phát triển”

TTCT – Văn minh vật chất của người Việt (NXB Tri Thức) là cuốn sách được tác giả Phan Cẩm Thượng hình thành ý tưởng từ năm 1992, nhưng đầu tháng 6-2011 mới đến tay độc giả. Sách dày 664 trang với 959 ảnh và 505 hình vẽ minh họa, được xem là một công trình tổng thể lần đầu tiên viết về văn minh vật chất người Việt.

Họa sĩ – nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng với Văn minh vật chất của người Việt:

“Thị hiếu trọc phú đang phát triển”

TTCT giới thiệu một trích đoạn của quyển sách và cuộc trò chuyện với tác giả.

>> Một thế giới Việt trong một cuốn sách

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng – Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

* Thưa ông, cuốn sách bắt đầu từ một ngày của người Việt (một ngày của ông vua, ông đồ Nho, anh nông dân, anh thợ thủ công, anh lái buôn (sĩ nông công thương), anh công chức hiện tại…). Vì sao ông nảy sinh cách khảo sát người Việt trên “lát cắt” một ngày?

– Nên hiểu một ngày ở đây là tượng trưng cho thói quen sinh hoạt của con người. Đi ngủ, thức dậy, ăn uống, đi làm… ai cũng vậy. Khảo sát một ngày tức là khảo sát đời sống của một lớp người.

Sinh hoạt ngày thường của con người thường không được để ý trong các nghiên cứu. Khi nghiên cứu đời sống vật chất, thông qua các đồ dùng và công cụ lao động, một vấn đề nảy sinh là người ta đã sử dụng nó như thế nào. Do đó tôi bắt đầu cuốn sách từ một ngày của những con người cụ thể, một ông vua, ông quan, anh nông dân, lái buôn, thợ thủ công… xem họ ăn ở, làm việc, sử dụng vật chất như thế nào.

“Sự phát triển của cái bát là điều đầu tiên và rất cụ thể mà tôi chú ý đến. Từ chỗ con người ăn bốc, chụm hai bàn tay vào hụm nước, bổ đôi hoa quả, cái bát hình thành như một đồ đựng quan trọng và biến thiên lúc thì như cái thuyền (bát thuyền) lúc thì như bông hoa sen, hoa súng (bát Lý Trần), rồi lại như thân hình thắt eo của người phụ nữ (bát chiết yêu). Rồi từ đây tất cả đồ vật bỗng trở thành quan trọng để nhìn nhận đời sống trong quá khứ”… Đi từ những chi tiết nhỏ, đồ vật cụ thể để soi rọi và đọc lên được văn minh vật chất của người Việt từ thượng cổ đến xã hội tiền công nghiệp là cái cách rất riêng của Phan Cẩm Thượng (mà có lẽ chỉ có những nhà nghiên cứu, đồng thời là một nghệ sĩ mới làm được).

Cũng chính vì những điều đặc biệt thú vị từ cuốn sách này mà nhà văn Nguyên Ngọc đã viết: “Hình như trong các nghệ sĩ thuộc các ngành văn học và nghệ thuật ở ta, chính các họa sĩ, dù họ thường rất hiện đại, đi đầu trong hiện đại, lại cũng thường Việt hơn cả. Họ gần với Đất và với Việt hơn chúng ta. Và theo tôi, Phan Cẩm Thượng là một trong những người đứng ở hàng đầu trong số đó”.

* Trong quá trình khảo sát đó ông nhận thấy “một ngày của người Việt”, chẳng hạn đối với một nông dân, hiện nay có điểm gì khác biệt, đáng nói so với ngày xưa?

– Đây là vấn đề mấu chốt. Từ khoảng những năm 1970, cơ cấu sản xuất nông nghiệp bắt đầu thay đổi trông thấy. Nhiều đồ nghề nhà nông được thay thế bằng các dụng cụ mới và cơ giới hóa. Cái này phát triển mạnh hơn khi kinh tế thị trường bắt đầu và nhanh chóng mọi công cụ cổ truyền bị vứt bỏ, nhiều làng không còn một con trâu nào. Tôi viết cuốn sách này cũng nhằm giới thiệu lại cho lớp trẻ một đời sống cổ từng tồn tại hàng ngàn năm cho đến cuối thế kỷ 20.

* Trong sách ông viết người ta đang mải mê chạy theo việc kiếm tiền, tiêu tiền và vật chất ta sử dụng không còn có ý nghĩa văn minh nữa. “Vì sao đến nông nỗi này?”, ông tự hỏi. Vậy ông đã tìm được câu trả lời chưa khi hoàn tất quyển sách?

– Trong thời nông nghiệp phong kiến, người nông dân sống gần như toàn tự cung tự cấp, mọi vật dụng, nông cụ về kích thước, hình dáng đều được đúc kết tới mức chuẩn mực để thuận tiện sử dụng vào lao động. Những đồ vật cao cấp hơn như đồ thờ, tranh tượng thờ thì do những thợ thủ công khéo tay làm và cũng được đúc kết lâu đời về mẫu mã.

Tất cả những cái đó rất ít ý nghĩa thương mại mà mang nhiều ý nghĩa thực tiễn và tinh thần sinh ra từ trực tiếp đời sống, thậm chí được nâng lên mức triết lý. Đồ vật được lưu giữ trong gia đình như là vật kỷ niệm, và trên thực tế chúng có một hình dáng thẩm mỹ nhất định. Đó chính là đồ vật của một xã hội chuộng văn hóa, tìm đến những chuẩn mực sống.

Ví dụ bàn ghế xưa luôn ngay ngắn cứng nhắc, khiến người ngồi phải nghiêm trang, đúng mực; quần áo xưa luôn chú ý che kín cơ thể sao cho nói lên đức hạnh của con người. Cái nồi đất nung tuy không đẹp nhưng có hình dáng, thể tích rất phù hợp với việc gánh nước, đựng nước, ủ rá…, thể tích của nó tương đương với bụng bà bầu – đó chính là thể tích một người có thể bê, gánh.

Xã hội công nghiệp, đồ vật được sản xuất hàng loạt, mất đi tính chất chế tác thủ công, đương nhiên giá trị kỷ niệm lưu giữ không còn. Dùng hỏng vứt đi mua cái khác. Và phần lớn đồ dùng ngày nay chúng ta nhập từ nước ngoài, tiện lợi, giá rẻ, nhưng không có đặc tính dân tộc nào. Quá trình này là chung nhất cho cả thế giới khi bước vào thời đại công nghiệp. Các thiết kế đẹp chỉ được lưu giữ vài mẫu mã, tiêu bản.

Ý nghĩa của đồ dùng ngày nay để trở thành một thứ văn minh vật chất khác hẳn với thời đại tiền công nghiệp. Điều này phụ thuộc vào sự lựa chọn của chúng ta – người tiêu dùng – có một thái độ văn hóa thế nào đối với nhà cửa và đồ đạc của gia đình mình. Ở nước ta hiện nay thị hiếu trọc phú đang phát triển, đồ ta dùng xa xỉ, tốn kém và ít ý nghĩa văn minh nhất đối với túi tiền chân chính của chúng ta.

* Vậy với nền văn minh vật chất nông thôn đang thụ hưởng hiện nay, ông nói gì về văn minh tinh thần của chúng ta?

– Đồ vật do con người làm ra và sử dụng đương nhiên nói lên ý nghĩa tinh thần của chúng và chủ nhân chúng. Người nông dân đan cái rá, cái rổ, đẽo cái cày… không chỉ để sử dụng mà còn để biểu cảm tài khéo của mình vào đó. Những đồ vật đó được truyền thừa về hình dáng, được tiêu chuẩn hóa từ tổ tiên, và khi làm ra chúng, người nông dân lặp lại hành vi, coi như giao tiếp với tổ tiên.

Ngày nay, người ta dùng con dao Thái, mua cái rổ sắt, cái rá nhựa, cày bằng máy, gặt đập cũng bằng máy… đương nhiên năng suất và đỡ vất vả hơn, nhưng đồng thời họ tiếp xúc ít hơn với đất đai, cây cỏ và đồ vật, họ không còn hiểu đất đai, cây cỏ, động vật, đồ vật như người xưa nữa. Đồ vật công nghiệp thì rất ít ý nghĩa tinh thần, ngay đắt như một cái tivi, máy tính dùng hỏng cũng phải vứt đi, chứ không có đoạn rổ rá cạp lại như trước.

Có thể nói nông nghiệp bây giờ dần trở thành một phần của công nghiệp (tất nhiên), nông dân nhiều nước được gọi là công nhân nông nghiệp. Trong quá trình này đời sống tinh thần của người nông dân nghèo nàn hẳn đi, nhất là ở nước ta, khi người nông dân không biết chắc mảnh đất mình đang cày bao giờ bị bán cho một doanh nghiệp.

* Nhà văn Nguyên Ngọc có viết đây là cuốn sách nói lên “ngôn ngữ của đồ vật”, nhưng chắc không chỉ như thế?

– Mỗi đồ vật đều nói lên nền sản xuất ra chúng, con người sử dụng chúng, nhất là các dụng cụ nông nghiệp được hoàn thiện trong hàng ngàn năm, như cái cày chẳng hạn. Tôi tìm thấy hàng trăm loại cày khác nhau trong tiến trình phát triển theo đất đai và cách thức canh tác, theo chế tác của từng dân tộc, cái đó tự nó đã hình thành một cách đọc đồ vật, nên nhà văn Nguyên Ngọc gọi là ngôn ngữ của đồ vật. Cái cày thời Đông Sơn hoàn toàn khác với cái cày thời Lý, và cái cày thế kỷ 19 cũng khác, điều đó cho thấy sự thay đổi rất nhiều về thổ nhưỡng, cư dân, thủy lợi.

* Như thường lệ, những trang viết của ông mô tả đời sống văn hóa với cái nhìn cá nhân nghệ sĩ, nhiều khi gây “khó chịu” cho nhiều người. Chẳng hạn có người bảo ông ở chùa nhưng lại hay “xách mé” nhà chùa, ông nghĩ sao?

– Tôi không coi mình là nhất, nhưng thấy điều gì không phải thì nói ngay, không kiêng nể gì cả. Tôi nghĩ ai hiểu thì sẽ thông cảm thôi, chứ không có tâm địa gì. Ví dụ nhà sư tân trang chùa làm mất vốn cổ thì phải góp ý chứ.

TRẦN NHÃ THỤY thực hiện

“Khi tôi viết những trang cuối cùng của cuốn sách này cũng là lúc người Việt đang sôi lên vì kiếm tiền, kiếm việc làm và mua sắm bất tận. Hằng ngày tôi ngồi ở một quán nước ngoài đường và nhìn những dòng xe lúc chạy rầm rầm đến chóng cả mặt, lúc chen chúc nhau đến mức người và xe lèn đầy đường không thể đi được nữa trong hàng giờ.

Tôi tự hỏi vì sao người ta ra đến nông nỗi này, vì sao vật chất mà ta sử dụng không còn có ý nghĩa văn minh nữa mà chỉ là một đồ vật hữu dụng thuần túy. Xưa kia người theo học thuyết Lão Trang cho rằng cơ giới sẽ sinh ra cơ tâm, càng nhiều phương tiện con người càng xa với bản thể của mình. Những người theo Phật Thích Ca thì mặc áo nột tử trên người chỉ có mỗi cái bát khất thực.

Nhưng ngay cả tôn giáo ngày nay cũng thay đổi, các nhà tu hành đi ôtô, dùng vi tính và ăn mặc rất sang trọng thì chúng sinh tại sao lại phải khổ hạnh. Cái lý tưởng xã hội thời Nghiêu Thuấn, đi ngủ không nhà nào đóng cửa, ra đường không ai nhặt của rơi có lẽ đã quá xa vời như quá khứ của con người vậy”.

PHAN CẨM THƯỢNG

Cuộc tranh đoạt làm lú lẫn tâm hồn…

… Người Việt mất một nghìn năm để tôi luyện những thửa ruộng bờ xôi ruộng mật có thể cấy trồng lúa nước quanh năm. Chúng ta đơn giản đền bù tí chút cho nông dân rồi san lấp làm nhà máy và sân golf. Tất cả những dòng sông chảy trên đất Việt người ta có thể tắm bơi, giặt giũ, đánh cá… từ thượng cổ cho đến những năm 1970 thì chỉ vài chục năm sau đó chết dần và không ai dám lội xuống nước nữa.

Rất có thể chúng ta tiến đến một xã hội có kinh tế phát đạt nhưng không có văn minh và văn hóa hoặc rất thấp, cái nghịch cảnh này dễ thường đẩy chúng ta xuống toa vét của chuyến tàu nhân loại… Việc phát triển công nghiệp đến từng huyện, khiến cho các khu công nghiệp xen kẽ vào khu dân cư toàn diện, dẫn đến ô nhiễm tất cả và xáo trộn sinh hoạt tất cả… Nếu chủ trương lấy 10-12% đất địa phương làm công nghiệp thì có nghĩa nông thôn mất gần hết ruộng đất, vì đất canh tác cũng chỉ chiếm 1/3 đất thổ canh thổ cư nói chung.

Các làng xã cổ Việt Nam luôn có xu hướng bám theo các dòng sông, khi công nghiệp bám theo làng, thì có nghĩa nước thải công nghiệp cũng tuôn trực tiếp ra sông. Mất ruộng không có nghĩa là người nông dân trở thành công nhân cho các nhà máy, họ chưa bao giờ có kỹ năng và trình độ vào sản xuất ngay, nên một quá trình đô thị hóa bất đắc dĩ bắt đầu với những nông dân thất nghiệp hoàn toàn.

Khi đoạn tuyệt với thổ mộc và phương thức sống tự cung tự cấp, được coi là lạc hậu, nông dân mất hết các kỹ năng sinh tồn truyền thống. Các thầy lang, thầy đồ, thầy cúng, bà mụ… cũng lần lượt ra đi, các trò chơi dân gian cũng tan biến trong thế giới đồ chơi mới.

Người nông dân xưa biết đánh gió, nhặt lá xông giải cảm, tự chữa đau bụng, đầy hơi, ghẻ lở, viêm thận, viêm loét dạ dày, gãy xương… bằng các phương thuốc truyền thống phổ cập. Nhưng hiện tại họ là những người mù tịt về y học dù sơ đẳng… Cố gắng vươn lên thế giới vật chất như người thành phố, ở nông thôn từng gia đình đã có xe máy, tủ lạnh, tivi, quạt máy, thậm chí ôtô, và các máy móc nông cụ…

Có cả một ngành sản xuất hàng tiêu dùng giá rẻ chất lượng thấp cho nông thôn. Nhập ngoại là hàng biên giới Trung Quốc, nội là hàng do chính các tổ hợp sản xuất nông thôn tự phát và trốn thuế. Quần áo hàng chợ, xe công nông tự lắp, bia hơi tự nấu, nước giải khát pha chế bằng hóa chất, bánh kẹo thứ phẩm.

Ngược lại nông thôn cũng tuồn ra thành phố những hàng hóa chết người của mình. Đó là thịt gia súc nuôi bằng thức ăn tăng trọng, rau hoa quả biến đổi gien và tắm tưới với thuốc bảo quản thực vật, đúng hơn là thuốc lưu cữu độc hại. Cái giá phải trả trước tiên từ nông thôn khi bệnh ung thư, viêm gan, viêm phổi cấp, huyết áp… rất phổ biến mà trước kia người nông dân không hề biết đến.

Lê Quý Đôn viết: Lưu cái khôn khéo thừa không dùng hết để trả cho tạo hóa, lưu bổng lộc thừa không tiêu dùng hết để trả cho triều đình, lưu tài hóa còn thừa không dùng hết để trả cho bách tính, lưu phúc trạch còn thừa không hưởng thụ hết để trả cho con cháu (Kiến văn tiểu lục, Châm cảnh).

Xu hướng chung của người Việt hiện tại là làm thật nhiều của cải tiền bạc cho mình và cho con cháu… Nhưng cái phương thức để lại của cải cho con cháu bằng tiền mặt như hiện nay thật là có vấn đề… Một cuộc tranh đoạt và rượt đuổi theo tiền đang diễn ra với tốc độ chóng mặt làm lú lẫn hết mọi tâm hồn. Đó không phải là cách lưu phúc trạch cho con cháu. Vì lao động của chúng ta không tạo ra thu nhập lớn thế, vì rất nhiều tiền của thu được là bất chính và cái giá phải trả của kho trời đất sẽ hết sạch trong tương lai gần.

Trích Văn minh vật chất của người Việt

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.