“Vương quốc giấy” của Đinh Trường Giang

TTCT – Là một kiến trúc sư nhưng Đinh Trường Giang lại được những người say mê origami khắp thế giới biết đến như bậc thầy về nghệ thuật này. Anh vừa là khách mời danh dự tại cuộc gặp gỡ quốc tế về origami tại Toulouse (Pháp).

Mỹ thuật

“Vương quốc giấy” của Đinh Trường Giang

Kiến trúc sư Đinh Trường Giang – Ảnh nhân vật cung cấp

“Hãy yên lặng và tập trung
   Bạn sẽ thấy
     Một tờ giấy
        Hoàn toàn có thể múa may”

                                 (ĐINH TRƯỜNG GIANG)

Một trong những sự khác biệt của nghệ thuật xếp giấy Đông và Tây là phần lớn các cao thủ phương Đông thường sáng tạo các mẫu đơn giản, trừu tượng, ít nét mà vẫn bắt được cái thần của vật muốn xếp, trong khi các cao thủ phương Tây thường thích xếp chi tiết, phức tạp, thiên về kỹ thuật. Ngày nay nhiều kỹ thuật xếp mới được phát minh và các mẫu origami có thể phức tạp đến mức khó tưởng tượng được. Có thể là một con bọ với đầy đủ râu, chân, cánh đúng tỉ lệ, lại có bộ xương khủng long xếp bằng giấy với tỉ lệ như thật!

Ngoài giấy thông thường, người ta còn xếp origami bằng giấy dán tường, lưới sắt, đồng, tấm kim loại mỏng (có thể bày ngoài trời), giấy – đất sét (“xếp” xong nung như đồ gốm).

Sinh năm 1966 tại Huế, Đinh Trường Giang là sinh viên Đại học Kiến trúc TP.HCM trước khi cùng gia đình sang Mỹ định cư năm 1989. Anh tiếp tục theo đuổi ngành học đã chọn tại VN, tốt nghiệp và mở văn phòng kiến trúc tại bang Virginia.

Từ những cuốn sách tuổi thơ

Sống dưới mái nhà nghệ thuật của thân phụ là họa sĩ Đinh Cường, Trường Giang sớm làm quen với màu và cọ từ bé nhưng cơ duyên đến với nghệ thuật origami là từ những cuốn sách của tuổi thơ, như anh kể:

“Khoảng năm 1973-1974, khi tôi đang học tiểu học, ba mẹ mua cho tôi mấy cuốn sách dạy xếp origami. Năm 1975, sau chiến tranh tôi bị mất hết những sách ấy và chỉ nhớ được vài mẫu origami cổ điển. Rồi gia đình tôi sang Mỹ. Năm 1996, ba năm sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đến một hiệu sách và tìm thấy cuốn sách tương tự như sách được ba mẹ mua cho hơn 20 năm về trước – đó là cuốn Thế giới của origami, tác giả là Isao Honda.

Tôi mua nó ngay và lại bắt đầu xếp origami! Sau đó tôi tham gia OUSA (Origami USA – Hội của những người yêu thích origami tại Mỹ, có trụ sở ở New York), khám phá thêm nhiều sách hướng dẫn về origami, thường xuyên tham dự các hội thảo về nghệ thuật này và được xem rất nhiều tác phẩm đẹp, đầy ngẫu hứng của các origamist đến từ khắp nơi trên thế giới.

Sau hai năm học xếp các mẫu origami trong các cuốn sách, tôi bắt đầu xếp những mẫu riêng của mình.

Đối với tôi, origami đồng nghĩa với nghệ thuật điêu khắc trên giấy. Cảm hứng để xếp origami có thể đến từ nhiều nguồn, từ điêu khắc hiện đại đến hội họa, tranh thiền tông, đồ họa, hoặc từ tác phẩm của các nghệ sĩ origami cũng như từ những gì tôi được đọc, được nghe…”.

Giáng sinh – những tác phẩm “điêu khắc” giấy giản dị mà tao nhã của Đinh Trường Giang

Những tác phẩm xếp giấy quyến rũ nhất

Những tác phẩm origami của Đinh Trường Giang xuất hiện từ năm 1998 và mau chóng được ca ngợi bởi phong cách tạo hình giản dị mà hết sức tao nhã. Anh được công nhận là một bậc thầy của nghệ thuật origami nhờ những tác phẩm điêu khắc bằng giấy độc đáo, đầy sáng tạo. Eric Joisel, bậc thầy origami người Pháp đã qua đời năm ngoái, nói: “Không ai có thể gấp được một mẫu origami giống như Giang”.

Trên trang web Giladorigami.com, nghệ sĩ origami Gilad Aharoni nhận định: “Tôi luôn bị nghệ thuật origami mê hoặc. Có phải bởi sự khéo léo của đôi tay nghệ sĩ, sự kiên nhẫn hay những vết khắc trên giấy? Những tác phẩm của bậc thầy Đinh Trường Giang đã bay xa hơn cánh hạc giấy để đi vào vương quốc của chính nó…

Đinh Trường Giang là bậc thầy về điêu khắc tạo hình trên giấy”. Trên trang web MVorigami là những dòng sau: “Những gì Đinh Trường Giang xếp giản dị và sinh động đến độ một số là tác phẩm origami quyến rũ nhất từ trước tới nay”.

Đinh Trường Giang nhập môn nghệ thuật origami bằng sách của Isao Honda nhưng chính bậc đại sư người Nhật Akira Yoshizawa mới thật sự khải thị cho anh, hướng anh đến với kỹ thuật xếp giấy ướt (wet folding) và từ đó anh ngày càng hoàn thiện kỹ thuật này. Tất nhiên quá trình đó chẳng dễ dàng chút nào: “Có lúc tôi mất một giờ để xếp và thật hạnh phúc. Có lúc tôi ném hết cái này đến cái khác vào sọt rác”.

Hãy nghe những gì Trường Giang bộc bạch về đam mê của anh: “Có lẽ phần lớn người lớn khi còn là bé con, ngoài việc đùa chơi với châu chấu chuồn chuồn, đôi khi cũng xếp vài cánh máy bay giấy phóng lung tung hay vài con thuyền giấy thả chơi theo dòng nước hối hả sau những cơn mưa trước sân nhà…”.

Gấu

Akira Yoshizawa là người tiên phong của kỹ thuật xếp giấy ướt, theo đó các loại giấy dày được làm ướt cho mềm đi rồi mới xếp. Với kỹ thuật này, có thể “nặn” giấy, “uốn” giấy, coi giấy như đất sét, khi giấy khô, tác phẩm sẽ giữ được lâu và bền hơn. Các tác phẩm xếp giấy gần với điêu khắc đều được xếp bằng kỹ thuật này.

Có thể coi origami như là một nghệ thuật dân gian, một trò chơi, một bài toán đố hay một môn nghệ thuật tạo hình, tất cả đều đúng. Có người chơi một cách ngẫu hứng, có người dùng các chương trình computer, dựa trên các lý thuyết về toán học để tạo hình và vẽ sơ đồ cách xếp. Origami ngày nay còn được ứng dụng trong thiết kế đồ trang sức, trang trí nội thất, thiết kế y phục…

Từ năm 1992 đến nay, tác phẩm của Đinh Trường Giang đã được giới thiệu tại nhiều sự kiện và liên hoan origami quốc tế ở nhiều nước, gần đây nhất là cuộc gặp gỡ quốc tế về origami tại Rangueil (Toulouse, Pháp) vào đầu tháng 6-2011, nơi anh và Manuel Sirgo, một cao thủ origami người Tây Ban Nha, là khách mời danh dự.

Xem tác phẩm của Trường Giang, dễ nhận thấy anh chịu ảnh hưởng của nghệ thuật thiền tông và bản thân anh cũng yêu thích triết học Phật giáo này.

Vũ điệu

Nàng và mèo

Origami – tên gọi được quốc tế hóa hiện nay của nghệ thuật xếp giấy – là một từ Nhật Bản (oru = xếp, kami = giấy, ghép lại thành origami). Không ai biết nghệ thuật này bắt nguồn từ bao giờ và ở đâu. Giấy được phát minh từ Trung Hoa vào khoảng năm 105 sau Công nguyên, sau đó theo các tu sĩ Phật giáo du nhập vào Hàn Quốc và Nhật khoảng cuối thế kỷ thứ 6.

Origami ở Nhật được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, mẹ truyền cho con gái, và các mẫu truyền miệng thường là các mẫu đơn giản. Tác phẩm origami cổ nhất còn lưu lại được là Senbazuru orikata (Xếp ngàn cánh hạc), ra đời năm 1797.

Người được coi là sư tổ của nghệ thuật xếp giấy hiện đại là Akira Yoshizawa (1911-2005). Những sáng tác của ông được thế giới biết đến vào khoảng thập niên 1950 bắt đầu tách rời khỏi các mẫu và nguyên tắc xếp giấy cổ truyền.

Cùng với Samuel Randlett (Mỹ), Yoshizawa đã phát minh hệ thống ký hiệu để vẽ các sơ đồ chỉ dẫn trong sách dạy xếp giấy, trở thành ký hiệu quốc tế trong các sách origami cho đến ngày nay. Vị đại sư phụ của nghệ thuật origami đã có hơn 50.000 tác phẩm và vô số các cuộc triển lãm trên toàn thế giới.

LÊ BẢN

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.