TT – Bài báo “Tôi thà mang tiếng ác với con!” thu hút đông đảo bạn đọc phản hồi. Bạn đọc phần lớn chia sẻ với cách xử lý của người cha nhưng cũng có nhiều bạn đọc khác không đồng ý cách dạy con như vậy.
Bối rối cách dạy con nghiện game
Nhiều phụ huynh thường đưa con đến công viên Tao Đàn, TP.HCM chơi trò chơi vận động – Ảnh: T.T.D. |
Người cha nào cũng muốn dạy con nên người
Đọc bài báo, tôi hoàn toàn cảm thông với người cha của hai đứa trẻ tội nghiệp. Suy cho cùng mục đích anh muốn nuôi dạy chúng nên người, giáo dục chúng trở thành người có ích cho xã hội. Tôi mong anh hãy luôn luôn bình tĩnh và sáng suốt trong mọi hoàn cảnh và có những biện pháp giáo dục, uốn nắn con khoa học, tích cực hơn. Vì tình thương của anh, tôi tin hai cháu sẽ nên người.
MINH VŨ
Tôi cũng thành công nhờ đánh đòn
Tôi đọc bài báo này mà chạnh nghĩ đến hai con tôi. Ngày đó cháu cũng từng bỏ học thêm đi chơi game, tôi lo lắng vô cùng. Tôi đã từng đứng bên cạnh bàn game của cháu khoảng 30 phút mà cháu không hề biết và khi cháu ngước nhìn lên thì rất sợ hãi. Nhưng… lần sau vẫn vậy. Từ khi cháu còn bé cũng nhiều lần hư nhưng chưa bao giờ tôi đánh cả, thế mà vào một buổi chiều bắt gặp cháu đi chơi game ham quá và tiêu một số tiền lớn, tôi đã tức giận và đánh một trận đòn rất đau, gãy hai roi tre và thêm mấy thanh roi bằng cây xơri trồng bên nhà nữa.
Đêm hôm đó vết roi chảy máu và có rất nhiều vết bầm ở chân, tay, lưng và cả ở má nữa. Tôi lo lắng nhưng cũng nhất quyết không vào hỏi thăm cháu một câu. Mọi người biết không, qua trận đòn đó con tôi hầu như thay đổi hẳn, có lẽ quá sợ nên cháu phải suy nghĩ khi cơn thèm chơi game đến và có lẽ cháu đã ít nhất 2-3 lần đi qua tiệm game mà không vào. Kết quả học tập ngày càng khá hơn và cả hai con trai tôi đều thi đỗ ĐH Bách khoa TP.HCM và ĐH Công nghiệp TP.HCM. Bây giờ các cháu đều đang rất cố gắng.
CÔNG HÒA (conghoa_64@…)
Các em còn biết vâng lời
Tôi rất cảm thông với anh N.. Các con anh chấp nhận hình phạt bò từ quán net về nhà có nghĩa là ít nhiều chúng còn biết vâng lời anh. Anh đã không bỏ mặc chúng nó là quá tốt rồi.
TRẦN VĂN THỌ
Con trẻ tổn thương rất khó hàn gắn
Tôi cũng có đứa con cỡ tuổi con anh N., hầu như tuổi này các cháu chỉ thể hiện mình, muốn chứng tỏ mình là người lớn, nên bao nhiêu lời dạy dỗ của cha mẹ chúng chỉ để ngoài tai. Làm cha làm mẹ cũng rất đau lòng khi phải phạt con như thế. Anh bảo là hình phạt cuối cùng, nếu chúng phạm lỗi thêm lần nữa thì tính sao đây.
Tôi cho rằng bất kể con hư cỡ nào cũng không thể dùng biện pháp cuối cùng, hết cách thì tìm đến chuyên gia tâm lý. Tôi thông cảm với anh về chuyện anh đã làm nhưng làm tổn thương đến con trẻ là khó có thể hàn gắn tình cảm các cháu với gia đình nếu chúng vẫn không chịu hiểu cho ra lẽ. Tôi nhìn hình ảnh các cháu bò trên đường mà rất đau lòng.
PHẠM THỊ TUYẾT
Không thể “đày con”
Tại sao lại bắt con trẻ bò lê ngoài đường mà bảo là dạy cháu? Phụ huynh chỉ là người dẫn dắt con trẻ bước vào đời. Không phải lúc nào cũng bắt phạt con cái được dù các cháu sai. Đứa trẻ đâu có lớn lên cùng bố mẹ, các em lớn lên trong thế giới của mình. Phạt như thế này các em sẽ xấu hổ với đám bạn. Nếu lối giáo dục này thành công sẽ sinh những đứa trẻ chỉ biết cúi đầu. Người bố này không cho đứa con nhận thức được rằng mọi việc đều có pháp luật. Bằng việc “đày con” như vậy đã là phạm pháp rồi. Một khi đứa trẻ lớn lên không cảm nhận được pháp luật (dù là việc nhỏ nhất), thử hỏi xã hội sẽ ra sao?
VŨ HUỲNH
* ThS NGUYỄN THỊ MỸ LINH (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng tâm lý và truyền thông cộng đồng TP.HCM): Quan tâm và gần gũi con Tôi rất hiểu tâm trạng của người cha trong trường hợp này, khi mình nói mà con không nghe đã thấy bực. Sự việc này lại diễn ra dài ngày, lặp đi lặp lại càng khiến các bậc phụ huynh dễ nổi nóng hơn. Khá nhiều phụ huynh đã và đang gặp hoàn cảnh tương tự. Một số phụ huynh đã không kiềm chế được, dùng những hình phạt phản giáo dục với con để giải tỏa cơn ức chế, giải tỏa sự bất lực trong việc dạy con của mình. Tôi xin nhấn mạnh là dạy con tuổi dậy thì khó lắm, rất cần sự kiên trì, sáng suốt của phụ huynh. Chưa chắc người trí thức dạy con tốt hơn người không trí thức. Vấn đề cần lưu ý là nếu cha mẹ quan tâm, gần gũi với con cái thì dạy con sẽ hiệu quả hơn. Ví dụ: khi trẻ mới chớm có những biểu hiện lệch lạc về nhận thức, hành vi (mê game hơn mê học chẳng hạn) nếu phát hiện sớm, cha mẹ sẽ giúp đỡ con điều chỉnh kịp thời. Nếu lực bất tòng tâm thì nên tìm sự hỗ trợ của những người xung quanh: bà con họ hàng, người thân, thầy cô, bạn bè của con mình – những người có uy tín mà con mình nể trọng. Còn khi đã để mọi việc trầm trọng thì việc giải quyết sẽ khó khăn hơn nhiều. * TS tâm lý ĐINH PHƯƠNG DUY (phó hiệu trưởng Trường Cán bộ TP.HCM, chủ tịch Hội Khoa học tâm lý – giáo dục TP.HCM): Trách phạt là một phương pháp giáo dục nếu đúng liều lượng Cần phải khẳng định ngay việc trách phạt cũng là một phương pháp giáo dục nếu đúng liều lượng, phù hợp với tâm sinh lý đứa trẻ. Nhưng việc phạt con bò ngoài đường là hình phạt khó chấp nhận, chưa kể khoảng cách giữa cha và con có thể “giãn” ra. Ấn tượng không tốt về một người bố có thể hình thành trong đầu đứa trẻ. Người cha cũng đã nhận ra đó là hình phạt sai lầm. Đã sai thì có thể sửa sai: cha xin lỗi con là chuyện bình thường. Việc xin lỗi có nhiều khả năng làm tăng thêm giá trị của ông bố. Tiếp theo người cha cần trò chuyện thân thiện với các con hoặc nhờ những người thân với trẻ trong gia đình, trong nhà trường chia sẻ và giải thích cho trẻ hiểu đó chỉ là một tai nạn chứ bố rất yêu thương các con. Sau cùng, việc mê game cần một phương pháp trị liệu chứ không chỉ tham vấn. Tức là phụ huynh cần đưa con em mình đến trung tâm trị liệu để bằng sự hỗ trợ của các chuyên gia và người thân, tách dần trẻ ra khỏi game mới có thể hi vọng đạt hiệu quả. H.HƯƠNG ghi |
Source: Báo Tuổi Trẻ