Dạy con ở đâu cũng khó

TT – Là một phụ huynh nên tôi quan tâm đến câu chuyện người cha bắt hai con phải bò từ chỗ chơi game về nhà ở Đắk Nông. Tuy vậy, khi nghe bạn bè giải thích đầy đủ nội dung câu chuyện, tôi lại thấy xót xa, lo lắng hơn là bức xúc. Xót xa đến từ sự đồng cảm giữa những người cha, còn lo lắng vì sợ mình cũng sẽ bất lực như người đàn ông đáng thương trên nếu không may rơi vào trường hợp này.

Dạy con ở đâu cũng khó

Hai người con nghiện game bị bố phạt bò trên đường – Ảnh: Dã Quỳ

>> Con nghiện game bị bố bắt bò ngoài phố

Tôi biết một câu chuyện tương tự. Hàng xóm của tôi (là người Việt) khi nghi ngờ con mình dùng tiền học thêm để đi mua sắm, chơi điện tử ở những khu mua sắm sang trọng… đã cất công theo dõi và tát thẳng vào mặt đứa con gái đang học cấp III ở chốn đông người, trước mặt nhóm bạn của con.

Cô bé sau đó không biết có cải thiện được thành tích học tập hay không, chỉ biết cô không còn nói chuyện với cha mẹ của mình nữa. Hai vị phụ huynh này sau đó giải thích cho mọi người biết rằng họ rất thương con, chỉ muốn điều tốt cho con nên mới chọn giải pháp mạnh như vậy.

Nói thương con là vậy nhưng khi tôi thử hỏi sở thích, điểm yếu của con là gì, họ có biết những người bạn thân của con là ai, cô bé có bạn trai chưa…, họ đều lắc đầu. Ngạc nhiên thay, đồng nghiệp hay bạn bè người Việt của tôi phần lớn đều cho phản hồi tương tự.

Tôi cũng chứng kiến nhiều nghịch lý khác trong cách dạy con ở người Việt. Họ thường giận dữ và luôn muốn nhà trường xử lý giáo viên thật nghiêm khi con mình lỡ bị giáo viên cho roi vọt hay la mắng. Một số người còn nhắn nhủ con theo kiểu “nếu giáo viên đụng tới con thì nói liền với cha/mẹ để xử lý nhé”…, trong khi bản thân lại luôn động tay động chân và những lời lẽ chua cay để trừng phạt con.

Nghịch lý ở chỗ họ giao quyền giáo dục con cái cho giáo viên nhưng lại không cho giáo viên bất cứ quyền hành gì. Khi mọi chuyện đi theo chiều hướng xấu thì giáo viên và đứa trẻ là người lãnh tất cả tội lỗi. Họ quên mất vai trò của mình trong việc giáo dục nhân cách trẻ cũng như mặc nhiên cho rằng chỉ bản thân mới có quyền làm tất cả những gì họ muốn.

Tôi nghe nhiều người Việt nói: “Ở phương Tây làm gì có mấy chuyện này, con cái có quyền kiện bỏ tù cha mẹ khi chúng bị roi vọt, sỉ nhục. Như thế mới là xã hội tiên tiến”. Điều này khiến tôi băn khoăn lắm. Thực chất thì luật lệ ở Mỹ có một số yếu tố tích cực nhất định, tuy nhiên chính vì luật pháp quá coi trọng quyền công dân của mỗi người nên chúng tôi cũng rất đau đầu khi dạy con. Nếu bạn thử hỏi mười vị phụ huynh ở Mỹ, tôi nghĩ sẽ có hơn phân nửa cho rằng họ cũng nhiều lần phải gồng mình kiềm chế, còn bộ phận khác thì tuyên bố thẳng “bỏ cuộc”.

Chúng tôi có chăng là dễ nói chuyện với con cái hơn vì tư tưởng phụ huynh phương Tây nói chung khá thoáng, không quá câu nệ như các bậc phụ huynh Việt. Nhưng nói không buồn thì không đúng, đôi khi chúng tôi cũng chạnh lòng khi thấy trẻ “lờn thuốc” và coi nhẹ lời nói của mình. Chúng sẵn sàng đóng sập cửa phòng khi thấy chúng tôi dò hỏi một điều gì đó. Tôi tin nhiều phụ huynh phương Tây ước mình có cái quyền nhất định như các bậc cha mẹ ở Việt Nam. Nói như vậy để thấy việc giáo dục con trẻ chưa hề là việc dễ dàng với phụ huynh ở bất kỳ đâu và nền văn hóa nào cũng có những ưu – khuyết điểm nhất định.

Làm phụ huynh bây giờ rất khó, khó hơn nhiều so với trước bởi mọi thứ thay đổi quá nhanh. Chúng ta vừa phải bươn chải với cuộc sống, vừa phải sắp xếp thời gian để trò chuyện và cập nhật nhiều kiến thức về khoa học, xã hội lẫn tâm lý… để hiểu và đồng cảm được với trẻ. Mỗi cá nhân một tính tình nhất định, không thể suốt ngày chỉ nói những lời rao giảng suông như: hãy lắng nghe, hãy mềm mỏng với con thì mọi chuyện sẽ thành công… Điều đó không phải lúc nào cũng chính xác. Tôi nghĩ điều chúng ta cần bây giờ là làm thật nhiều khảo sát khoa học dựa trên hành vi giới trẻ, mở nhiều lớp hướng dẫn hoặc chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con…

Tôi tin bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng thương và yêu con. Điều họ cần là sự chỉ dẫn, gợi ý hướng đi đúng đắn. Không chỉ hươu non cần được vẽ đường để chạy mà hươu già đôi khi cũng cần có người cho lời khuyên.

JACOB MILLER  (người Mỹ, kỹ sư)
CÔNG NHẬT ghi

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.