(Dân trí) – Trong thời kỳ hội nhập quốc tế – toàn cầu hoá, quá trình tiếp biến văn hoá diễn ra với tốc độ rất nhanh. Giới trẻ vốn nhạy bén với cái mới, dễ dàng tiếp thu những giá trị văn hoá, cách ứng xử mới.
Trào lưu, cách ứng xử mới
Tuy nhiên, quá trình này có mặt trái là giới trẻ tiếp thu nhanh nhưng thiếu chọn lọc, nên không tránh khỏi có những cách ứng xử cực đoan, tiêu cực. Vậy người lớn, nhà trường cần phải làm gì để giúp lớp trẻ thích ứng tốt với quá trình tiếp biến văn hoá?
Khoảng chục năm trở lại đây, nhiều sinh hoạt, ứng xử văn hoá có nguồn gốc từ phương Tây đã trở nên quen thuộc trong đời sống người Việt. Lễ Noel, vốn là của người Thiên chúa giáo, cũng là ngày lễ trọng của các nước phương Tây, nhưng hiện nay đã trở thành một ngày hội lớn của giới trẻ Việt Nam.
Kỉ niệm ngày sinh, vốn là phong tục của người phương Tây (người Việt trước đây chỉ cúng giỗ, hoặc mừng thọ), nay đã trở nên rất phổ biến trong giới trẻ. Ngày Lễ Tình nhân (14/2), Ngày Cá tháng Tư (1/4)…cũng được lớp trẻ tiếp nhận một cách tự nhiên, hồn nhiên. Việc tôn thờ “thần tượng” (ngôi sao bóng đá, ca nhạc, điện ảnh…), thành lập các CLB người hâm mộ (fan) của các “thần tượng”, bắt chước trang phục, đầu tóc của “thần tượng”… cũng đã rất phổ biến.
Rất nhiều bạn trẻ hướng theo phong cách thời trang, đầu tóc của thần tượng (Ảnh minh họa – nguồn internet)
Giới trẻ ngày nay đã quen thuộc với những loại hình nghệ thuật – giải trí mới như nhạc hiphop, rock – rap, truyện tranh Nhật Bản, trò chơi điện tử (game), tham gia các diễn đàn trên mạng, “phượt” (du lịch, dã ngoại phiêu lưu)…
Việc tiếp nhận những trào lưu, cách ứng xử mới có ý nghĩa làm phong phú thêm đời sống của con người trong xã hội, nhất là giới trẻ. Tiếp nhận, thực hành những cách ứng xử văn hoá mới kích thích sự năng động, thông minh, sáng tạo của con người.