TTO – Sau khi Tuổi Trẻ đăng bài “Tôi thà mang tiếng ác với con!”, đông đảo bạn đọc đã chia sẻ nỗi lòng với anh N. Trong đó, rất nhiều bạn đọc khẳng định câu chuyện gia đình anh chính là hậu quả nhãn tiền của việc quản lý game online thiếu chặt chẽ.
Game online gây ra bi kịch gia đình
>> Tôi thà mang tiếng ác với con!
>> Con nghiện game bị bố bắt bò ngoài phố
Hai người con bị bố phạt bò trên đường – Ảnh: Dã Quỳ |
Tôi xin chia sẻ chuyện gia đình tôi có liên quan đến game. Chồng tôi là 1 người nghiện game đến mức không 1 chút quan tâm đến vợ và khi có con cũng vậy. Kết cuộc là chúng tôi chia tay, tôi nuôi cả 2 con gần 10 năm nay và anh ấy không 1 lần thăm con và chưa từng chu cấp đồng nào để nuôi con.
Thế mới biết game tác hại kinh khủng, người lớn mà còn không giữ được mình, huống gì trẻ em. Tôi chỉ muốn góp 1 ý vào việc ngăn chặn nghiện game là bản thân con người phải có kỷ luật, có bản lĩnh, làm chủ bản thân từ trong mà ra bên cạnh các biện pháp giáo dục, trừng phạt, chương trình ngoại khó… thì coi như từ ngoài vào sẽ không mạnh bằng ý thức làm chủ bản thân mình.
Dương Chương
Tôi cũng là một người cha như anh H, tôi cũng có đứa con có biểu hiện nghiện game như con anh nên hoàn toàn đồng cảm với biện pháp (Dù nhất thời) áp dụng cho các con anh. Thật đau khổ khi bật là cha mẹ phải trừng phạt con như thế. Nhưng ai có trong hoàn cảnh mới thấm thía sự đau khổ này là thế nào.
Việc các cháu trong độ tuổi thanh, thiếu niên nghiện game hiện nay là một hiện tượng gây nhức nhối trong xã hội, nó gây nhiều tai hại trước mắt cũng như lâu dài. Báo Tuổi Trẻ cũng đã có lên tiếng cảnh báo trên công luận từ rất lâu như xem ra căn bệnh này không thuyên giảm mà ngày càng nặng thêm.
Để trị tận gốc căn bệnh nghiện game, theo tôi phải có sự ra tay cương quyết của chính quyền thành phố trong đó có phối hợp chặt chẻ của cả hệ thống chính trị, các ban, ngành, đoàn thể mới mong đẩy lùi được tệ nạn gây bức xúc trong nhân dân hiện nay. Tôi rất thấm thía câu “Hai chục triệu đô la được thu từ nguồn thuế sản xuất, phát hành các chương trình game”… mà báo Tuổi Trẻ đã từng đăng, không mua nổi một thế hệ thanh niên nghiện game hiện nay.
Là một công dân, một phụ huynh tôi rất mong nhà nước dẹp hẳn tất cả các trò chơi trực tuyến gọi là game online như hiện nay mới mong cứu một thế hệ trẻ mà đa số là thành phần các con nghiệm… game.
Lý Minh Hải
Hạn chế người chơi game
Tại sao nhà đầu tư có thể sản xuất được game online (GO) mà không thể lọc được những người chơi, định mức thời gian chơi, độ tuổi chơi Game ?
Tôi có ý kiến đóng góp như thế này: Các nhà cung ứng GO nên có bộ lọc theo dữ liệu đăng ký ví dụ như: Đối với những người chưa có Chứng minh nhân dân (CMND): những người nào có đăng ký tài khoản trên trang GO thì mới được chơi và căn cứ theo tên tài khoản mà quy định thời gian được phép chơi trên trang GO (thời gian quy định ngắn thời gian người chơi có CMND). Đối với những người có CMND: những người nào có độ tuổi theo quy định của trang GO đó tính theo năm sinh mà quy định được phép chơi Game đó hay không và quy định thời gian chơi căn cứ theo tên tài khoản hay có hoặc không có CMND (thời gian dài hơn thời gian người chơi không có CMND).
Nên cấm tuyệt đối
Theo tôi, tác hại của game online thì ai ai cũng đã thấy. Tất nhiên, sẽ có ý kiến cho rằng nó vẫn có lời trong một chừng mực nào đấy. Dẫu sao nó cũng là một thành tựu của khoa học kỹ thuật ngày nay. Tôi không phản đối luồng ý kiến này. Tuy nhiên, việc phổ biến game online tại Việt Nam hiện nay đã vượt qua tầm kiểm soát và hậu quả mặt tiêu cực đã lấn át mặt tích cực (hầu như không có ngoài khoản lợi nhuận cho các nhà cung cấp).
Vì thế, trước mắt Tôi đề nghị nhà nước, mà cụ thể là Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Bộ Giáo dục và các cơ quan có thẩm quyền khác lấy trưng cầu dân ý qua mạng internet hoặc tại địa phương. Nếu mọi người đồng ý cấm tuyệt đối thì nhà nước ban hành lệnh cấm như ta đã từng cấm đốt pháo, bắt đội mũ bảo hiểm vậy. Cho đến khi đủ điều kiện thì có thể cho mở lại.
Đừng nghe lời ngụy biện của những người cho là game online có lợi (đối với Việt nam hiện nay) và cũng đừng vì lợi ích của vài công ty kinh doanh game online hoặc kinh doanh internet, đừng vì con số ảo về số người sử dụng internet tại Việt Nam cao gần nhất thế giới mà làm băng hoại gần hết một thế hệ trẻ hiện nay của chúng ta, làm cho nhiều người, nhiều gia đình đau khổ, gây gánh nặng không đáng có cho ngành giáo dục,…
Ngọc Thảo
Nghiện game: lỗi của ai?
Câu chuyện về game đã được đưa ra trước QH, và những người có trách nhiệm đều “hứa” sẽ có quy định quản lý chặt chẽ. Nhưng thực tế thì sao? Hoạt động của Game vẫn “vô tư”, các em vẫn lao vào như con “thiêu thân”, và hậu quả nhãn tiền: sức khỏe suy giảm, tinh thần lơ ngơ, việc học sa sút, bỏ học, trộm cắp, thậm chí gây án. Với những PHHS có trách nhiệm thì thật là khổ tâm trong việc dạy dỗ con để đối phó với “ma game”.
Lắng nghe tâm sự của Anh N. chúng ta mới thông cảm và chia sẻ hình phạt mà anh áp dụng với con , sau bao nhiêu lần “vừa phạt vừa xoa” trước đó. May mà các con của anh còn biết nghe và “chấp hành” hình phạt.
Những người có trách nhiệm từ Bộ, đến cơ sở nghĩ sao về việc nầy? Và nếu tình hình trò chơi game vẫn như hiện nay thì cần qui trách nhiệm cho chính những nơi nầy và phải có biện pháp chế tài, kỷ luật vì lỗi thiếu trách nhiệm để gây hậu quả nghiêm trọng!
Bá Kiên
Cần kiểm soát chặt game online
Tôi rất thông cảm với người cha trong bài báo này. Con trai tôi cũng từng trốn đi chơi game nên học hành sa sút, từ 1 đứa trẻ ngoan trở thành trí trá, lấy trộm tiền của bố mẹ đi chơi game. Nhiều người cứ lý luận game làm trẻ thông minh hơn nhưng tôi thấy game online rất nguy hiểm cho trẻ em. Tôi đã từng mắng, đánh, thậm chí đột kích vào phòng game bắt con về, vừa đi vừa đánh cháu mà nước mắt mình cứ lăn dài vì thương con. Lúc đó tôi chỉ nghĩ thầm “sao nhà nước cấm pháo được mà lại không cấm game online để làm khổ phụ huynh thế này”.
Nhờ sự quyết liệt của vợ chồng tôi nên cháu cũng dần xa được game online (không bị nghiện!) và dần dần đam mê chơi bóng rổ với bạn bè nên vợ chồng tôi rất vui.
Nguyễn Thành
Giải pháp nào khi con phạm lỗi nhiều lần? Những lời tâm sự của người cha trên đây thật đáng để chúng ta suy nghĩ, rất nhiều tình huống trong cuộc sống của chúng ta diễn ra như vậy, trừng phạt con quá mức cũng là vì quá yêu thương con và nghĩ rằng mình đã hết cách. TTO tin chắc đông đảo bạn đọc đều hiểu được nỗi lòng sâu sắc của người cha này. Nhưng cũng có vấn đề đặt ra cần chúng ta chia sẻ, nếu con cái lặp đi lặp lại lỗi lầm, với mức độ cao hơn, phụ huynh sẽ có những giải pháp nào để đối xử với con đủ cứng rắn mà không làm chúng “hận” trong lòng? Liệu có cách nào hay hơn không? Và xã hội, đoàn thể, người thân xung quanh sẽ làm gì để những bậc phụ huynh đang rất muốn nuôi dạy con nên người đó không cảm thấy bơ, vơ, bất lực, phải sử dụng những “cách cuối cùng” một cách không mong muốn? Và một lần nữa, chúng ta nói gì khi có bằng chứng game online đã “vươn vòi” đến hạnh phúc của từng gia đình và đe dọa tương lai của con trẻ? Mời bạn đọc chia sẻ ý kiến của mình theo công cụ dưới bài. Xin cám ơn. TTO |
Source: Báo Tuổi Trẻ