TTO – Vòng chung kết cuộc thi Olympia năm thứ 11 vừa kết thúc, chiến thắng đã thuộc về Phạm Thị Ngọc Oanh (Trường THPT Tiên Lãng, TP Hải Phòng), với 230 điểm.
Phạm Thị Ngọc Oanh đoạt vòng nguyệt quế Olympia
Cuộc thi bắt đầu vào lúc 9g sáng nay 19-6 tại trường quay S9 và được tường thuật trực tiếp tại 4 điểm cầu là nơi học tập của 4 “nhà leo núi”: trường THPT Tiên Lãng, TP Hải Phòng; THPT Quốc học Huế, TP Huế; THPT chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Ninh Thuận và THPT Đông Thành, tỉnh Quảng Ninh.
Bốn thí sinh tham gia chặng leo núi quan trọng này gồm: Phạm Thị Ngọc Oanh (Trường THPT Tiên Lãng, TP Hải Phòng), Lê Bảo Lộc, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Ninh Thuận, Thái Ngọc Huy, Trường THPT Quốc học Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế, Vũ Bạch Nhật, Trường THPT Đông Thành, tỉnh Quảng Ninh.
Phạm Thị Ngọc Oanh (thứ ba từ trái sang), trường THPT Tiên Lãng, TP Hải Phòng đã đoạt vòng nguyệt quế Olympia năm thứ 11với 230 điểm |
Bốn nhà “leo núi” cùng nắm tay nhau bước lên bục vinh quang – Ảnh: Tiến Thành |
Ngọc Oanh trả lời báo chí sau khi đạt vòng nguyệt quế. Em chia sẻ “Sẽ mang phần thưởng giành được về chung vui với nhà trường. Em muốn gửi đến lời cảm ơn chân thành đến gia đình, bạn bè và người thân đã đến cổ vũ cho em” – Ảnh: Tiến Thành |
Bốn nhà “leo núi” cùng nắm tay nhau bước lên bục vinh quang – Ảnh: Tiến Thành |
Phạm Thị Ngọc Oanh – Trường THPT Tiên Lãng, TP Hải Phòng – đạt vòng nguyệt quế Olympia năm thứ 11 – Ảnh: Trung Uyên |
Thái Ngọc Huy, Trường THPT Quốc học Huế đạt giải nhì với 215 điểm – Ảnh: Trung Uyên |
Cổ động viên ở Huế đã bật khóc khi thí sinh Ngọc Huy thua cuộc. Ảnh Hà Linh |
Hai thí sinh Vũ Bạch Nhật (trái) – Trường THPT Đông Thành, tỉnh Quảng Ninh và Lê Bảo Lộc, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Ninh Thuận – nhận giải ba của cuộc thi – Ảnh: Trung Uyên |
Tính đến 9g hôm nay 19-6, khảo sát “Thí sinh nào sẽ vô địch cuộc thi Olympia năm thứ 11” của Tuổi Trẻ Online nhận được 901 phiếu, trong đó, có 405 phiếu cho rằng Thái Ngọc Huy – học sinh Trường THPT Quốc học Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế – sẽ đoạt vòng nguyệt quế.
Từ trái qua: Phạm Thị Ngọc Oanh, Lê Bảo Lộc, Thái Ngọc Huy, Vũ Bạch Nhật – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
11 lần tổ chức Đường lên đỉnh Olympia đến nay Ninh Thuận mới có một thí sinh vào được trận chung kết, vì vậy có thể nói Lê Bảo Lộc học sinh trường THPT Lê quý Đôn – TP Phan Rang Tháp Chàm đang là niềm tự hào của người Ninh thuận.
Sân trường Lê Quý Đôn – Ninh Thuận với rất nhiều băng-rôn ủng hộ Lê Bảo Lộc |
Về phản ứng của khán giả vể việc Ban cố vấn hóa học của cuộc thi đã công nhận đáp án “Muối ăn” của Phạm Thị Ngọc Oanh trong phần thi Tăng Tốc, theo một số khán giả là không hợp lý và gây mất công bằng, TTO đã trao đổi và nhận được phản hồi từ Biên tập viên Tùng Chi – MC chương trình, chị cho biết “vào ngày mai BTC sẽ có cuộc họp, hiện tại BTC không đưa ra bất cứ ý kiến nào về vấn đề này” |
Từ nhiều ngày qua khắp các ngả đường tại thành phố Phan Rang Tháp Chàm đã treo băng rôn về sự kiện cầu truyền hình trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia để người dân theo dõi. Có mặt tại sân trường Lê quý Đôn sáng nay không chỉ có học sinh của trường mà học sinh của cả 4 trường THPT trong thành phố Phan Rang Tháp Chàm, Sở GD ĐT Ninh Thuận xem đây là niềm tự hào của cả ngành giáo dục tỉnh và đã mời học sinh các trường khác tham dự.
Có thể nói Lê Bảo Lộc đến với trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia rất đặc biệt. Sau khi thắng trong cuộc thi tuyển chọn ở trường Lê Quý Đôn, Lộc đã được một thầy giáo ở trường Chu Văn An là thầy Nguyễn Đức Thạch, một giáo viên dạy Văn đào tạo tại nhà. Hai thầy trò đã tự thử sức bằng chính các cuộc thi phát sóng hàng tuần trên tivi. Trước Lộc, thầy Nguyễn Đức Thạch đã đào tạo rất nhiều học sinh Ninh Thuận thi Đường lên đỉnh Olympia, trong đó có 3 học sinh vào đến cuộc thi quý và Lộc xuất sắc vào đến tận trận chung kết.
Lê Bảo Lộc có điểm số rất cao, 270 điểm tại cuộc thi chung kết quý 3. Ở trận thi tháng, trước vòng về đích Lộc thua người dẫn đầu đến 100 điểm nhưng bằng cú nước rút thần tốc Lộc đã qua mặt thí sinh dẫn đầu và giành thắng lợi. Còn tại cuộc thi tuần Lộc đã đóan đúng ô chữ Chướng ngại vật khi mới chỉ có đáp án 1 từ hàng ngang.
Hiện tại thì sân trường Lê Quý Đôn có khoảng 3.000 học sinh, giáo viên và đại biểu trực tiếp cổ vũ cho Lộc. Điều thú vị là Lê Bảo Lộc cho biết sẽ dành một phần tiền thưởng để ủng hộ chương trình “Góp đá xây Trường Sa”c của báo tuổi Trẻ. Lộc cho biết sẽ kêu gọi các thí sinh và khán giả truyền hình ủng hộ chương trình này.
Ngay từ những phút đầu tiên, bốn đầu cầu của vòng chung kết cuộc thi Olympia năm thứ 11 tại trường THPT Tiên Lãng, TP Hải Phòng; THPT Quốc học Huế, TP Huế; THPT chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Ninh Thuận và THPT Đông Thành, tỉnh Quảng Ninh đã cực kỳ “nóng” với những tiết mục văn nghệ, hoạt cảnh… sinh động.
Tại trường quay S9, bốn nhà leo núi đã vào vị trí theo thứ tự: Thái Ngọc Huy, Lê Bảo Lộc, Phạm Thị Ngọc Oanh và Vũ Bạch Nhật.
Các clip ngắn thể hiện cuộc sống tại gia đình, sinh hoạt tại trường học, hoạt động ngoại khóa… của bốn nhà leo núi đã thật sự tạo nên không khí thoải mái ở đầu chương trình.
Không khí sôi nổi tại đầu cầu trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Ninh Thuận – Ảnh: Trung Uyên |
Phạm Thị Ngọc Oanh – học sinh Trường THPT Tiên Lãng, TP Hải Phòng – thí sinh nữ duy nhất trong vòng chung kết – Ảnh: Trung Uyên |
Sân trường Lê Quý Đôn, Ninh Thuận như nổ tung vì tiếng cổ vũ cho Lộc khi VTV3 vừa nối sóng – Ảnh: VIỄN SỰ |
Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận và sở GD ĐT Ninh Thuận cùng rất nhiều các ban ngành đến trường Lê quý Đôn để theo dõi niềm tự hào Ninh Thuận – Ảnh: VIỄN SỰ |
Tường thuật vòng thi Khởi động
Ngay từ vòng thi khởi động, các thí sinh đã thể hiện bản lĩnh, tự tin, “thần tốc” nên khoảng cách điểm số giữa các thí sinh rất ngắn. Điểm mới trong vòng thi khởi động trong vòng chung kết là ban tổ chức không giới hạn số câu hỏi cho thí sinh. Đang tạm ở vị trí dẫn đầu là cô gái duy nhất trong các thí sinh – Phạm Thị Ngọc Oanh – với 80 điểm – sau 10 câu hỏi.
Ở vị trí số hai là bạn Lê Bảo Lộc với 70 điểm. Hai vị trí tiếp theo thuộc về Vũ Bạch Nhật – 60 điểm và Thái Ngọc Huy – 40 điểm.
“Tốc độ” nhất trong vòng thi khởi động là bạn Vũ Bạch Nhật khi bạn trải qua 11 câu hỏi trong khi ba thí sinh khác chỉ trải qua 9 hoặc 10 câu hỏi.
Các cổ động viên tại trường Lê Quý Đôn Ninh Thuận đang reo hò vì sự xuất sắc của Lộc – Ảnh: Viễn Sự |
Tại trường Lê quý Đôn Ninh Thuận sân trường như vỡ tung khi Lê bảo Lộc đã rất tự tin trả lời đúng 7/9 câu hỏi của vòng thi.
Nụ cười của nữ sinh Trường Quốc Học Huế, cổ vũ cho thí sinh Ngọc Huy- Ảnh: Hà Linh |
Hàng ngàn khán giả theo dõi qua nhiều màn hình lớn được đặt tại sân trường Quốc Học Huế – Ảnh: Hà Linh |
Cổ động viên Huế hô vang “Ngọc Huy tự tin chiến thắng” – Ảnh: Hà Linh |
Vượt chướng ngại vật
Vòng thi Vượt chướng ngại vật luôn là vòng thi hứa hẹn nhiều yếu tố thú vị, đặc biệt là ở bức tranh bí mật.
Ô chữ vòng chung kết gồm 8 ô chữ hàng ngang, tương ứng với 8 mảnh ghép của bức tranh.
Thí sinh Ngọc Oanh thay vì trả lời đáp án cho ô chữ hàng ngang số 3 thì quyết định bấm chuông trả lời chướng ngại vật. Đáp án của bạn là Quốc ca và bức ảnh chính là các cầu thủ Việt Nam hát quốc ca trước một trận đấu. Chỉ bấm chuông sau 1 giây, bạn Lê Bảo Lộc thể hiện sự nuối tiếc rất rõ khi không thể giành quyền trả lời chướng ngại vật. Đáp án của Lê Bảo Lộc cũng là Quốc ca.
Tại đầu cầu Trường THPT Tiên Lãng, TP Hải Phòng, các cổ động viên của Ngọc Oanh vỡ òa hạnh phúc dù ban tổ chức chưa công bố đáp án đúng hay sai. Một cổ động viên nói: “Em tin tưởng đáp án ấy là đúng!”.
Và cô gái duy nhất của chặng leo núi – Phạm Thị Ngọc Oanh – đã thành công khi vượt chướng ngại vật – tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu với 140 điểm.
Lê Bảo Lộc và Vũ Bạch Nhật đang cùng ở vị trí số 2 với 80 điểm và Thái Ngọc Huy đang ở vị trí cuối cùng với 65 điểm.
Vòng thi Tăng tốc
Trong vòng thi Tăng tốc, với 4 câu hỏi, hầu hết bốn thí sinh gặp nhau ở các đáp án và thay nhau giành vị trí đưa ra câu trả lời nhanh nhất để giành điểm số cao nhất. Đáng chú ý, Thái Ngọc Huy đã nhiều lần đưa ra câu trả lời đúng rất nhanh và không ngừng cộng thêm điểm số của mình.
Trong câu hỏi thứ 4 – câu hỏi cuối cùng của phần thi Tăng tốc về muối ăn, MC Tùng Chi đã công bố đáp án được chấp nhận là “muối”. Vào thời điểm đó, Thái Ngọc Huy vượt lên dẫn đầu với 205 điểm.
Nhưng ngay sau đó, một thành viên ban cố vấn cuộc thi cho biết đáp án “muối ăn” mà thí sinh Phạm Thị Ngọc Oanh đưa ra cũng được chấp nhận. Và MC cũng cho biết quyết định của ban cố vấn là quyết định cuối cùng. Vì vậy, từ điểm số 190 điểm (khi MC Tùng Chi công bố đáp án là “muối”), Ngọc Oanh được cộng thêm điểm, dẫn đến có tổng số điễm 220 điểm, tiếp tục bảo vệ vị trí tạm dẫn đầu.
Nữ sinh Trường Quốc Học Huế căng thẳng theo dõi các phần thi. Ảnh Hà Linh |
Số điểm của bốn thí sinh sau phần thi tăng tốc – Ảnh: Tiến Thành |
Khán giả và các thầy trong ban cố vấn tại trường quay – Ảnh: Tiến Thành |
Kết thúc vòng thi số 3 – vòng tăng tốc, thứ tự xếp hạng tạm thời của các thí sinh như sau: Phạm Thị Ngọc Oanh tiếp tục tạm dẫn đầu với 220 điểm, Thái Ngọc Huy đang bám khá sát với 205 điểm, hai vị trí còn lại thuộc về Lê Bảo Lộc với 170 điểm và Vũ Bạch Nhật với 150 điểm.
Vào lúc này, 4 thí sinh đang tham gia trò chơi thử sức cùng các cổ động viên với một đoạn clip Mr Bean trong phòng thí nghiệm với câu hỏi: các chất nào tác dụng với nhau để tạo ra khói trắng?
Các cổ động viên cả bốn đầu cầu THPT Tiên Lãng, TP Hải Phòng; THPT Quốc học Huế, TP Huế; THPT chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Ninh Thuận và THPT Đông Thành, tỉnh Quảng Ninh đều đưa ra đáp án là NH3 + HCL = NH4CL (tạo ra khói trắng).
Và 4 thí sinh tại trường quay S9 cũng có cùng đáp án trên. Mỗi thí sinh sẽ nhận được 1 chiếc điện thoại di động của nhà tài trợ.
Các thí sinh hội ý và trả lời câu hỏi trong phần thi dành cho khán giả – Ảnh: Tiến Thành |
Các học sinh Trường Lê Quý Đôn – Ninh Thuận trong phần thi dành cho cổ động viên. Kết quả cả 4 trường của 4 thí sinh đều trả lời đúng đáp án và nhận phần thưởng 4 điện thoại di động cho mỗi trường của nhà tài trợ – Ảnh: VIỄN SỰ |
Các bạn nữ sinh cầu nguyện cho người thí sinh Ngọc Huy trong phần thi Về đích. Ảnh Hà Linh |
Là người thuận lợi nhất trong vòng thi về đích khi tạm dẫn đầu với 220 điểm, Phạm Thị Ngọc Oanh chọn gói câu hỏi 60 điểm. Xuất sắc trả lời đúng câu hỏi 10 điểm và câu hỏi 20 điểm, song Ngọc Oanh đã không vượt qua được câu hỏi 20 điểm có đặt ngôi sao hy vọng và câu hỏi 20 điểm cuối cùng.
Đặc biệt, ở câu hỏi về đàn K’lông Pút, Ngọc Oanh phát âm “K’rông Pút”. Giáo sư sử học Lê Văn Lan khẳng định đáp án là K’lông Pút. Kết thúc phần thi này, Ngọc Oanh có 230 điểm
Là người cuối cùng ở vòng thi về đích, Vũ Bạch Nhật cũng chọn gói câu hỏi 60 điểm và thi đấu không thật thành công, kể cả câu hỏi đặt ngôi sao hy vọng.
Dù rất nỗ lực trả lời các câu hỏi khi các thí sinh khác không trả lời được, song Thái Ngọc Huy vẫn không thể vượt qua Ngọc Oanh.
Kết thúc vòng về đích, vòng nguyệt quế và một suất học bổng 35 ngàn USD đã thuộc về Phạm Thị Ngọc Oanh (Trường THPT Tiên Lãng, TP Hải Phòng.
Vị trí thứ hai thuộc về Thái Ngọc Huy, Trường THPT Quốc học Huế với 215 điểm.
Hai giải ba thuộc về Lê Bảo Lộc, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Ninh Thuận và Vũ Bạch Nhật, Trường THPT Đông Thành, tỉnh Quảng Ninh.
TR.UYÊN – V.SỰ- H.LINH
Source: Báo Tuổi Trẻ