Viết cho con sau ngày 1-6

(Dân trí) – Sau rất nhiều lo lắng, băn khoăn, sốc nhẹ rồi đến sốc nặng, giờ mẹ đã bình thản hơn khi chấp nhận sự thật, con trai mẹ có dấu hiệu của chứng ADD (Attention Deficit Disorder – Rối loạn, thiếu khả năng chú ý).

 

Mẹ chưa biết mức độ nặng nhẹ của bệnh này với con, nhưng sau một tời gian dài tự dối lòng mình vì quá thương con, mẹ đã nghĩ, mẹ phải làm tất cả để vì tương lai của con ngay từ bây giờ.

 

Từ khi con bắt đầu biết chạy, nhảy, vui chơi, mẹ  đã thấy con luôn hiếu động một cách thái quá. Nhưng lúc ấy, ai cũng bảo mẹ, con trai thì phải nghịch, ngồi một chỗ mới đáng sợ. Mẹ cũng đã nghĩ là như vậy. Nhưng hóa ra không phải thế.

 

Đến tuổi học mẫu giáo, con gần như chẳng thuộc một bài hát nào, chỉ nhớ được đôi ba câu gì đó đầu bài hát để ê a. Con không thể nói tròn vành rõ chữ ở một số âm khó, mặc dù con biết nói chẳng muộn màng gì. Con hay gây gổ với bè bạn, có thể chỉ vì những lý do rất không đâu. Tệ hơn, mặc dù con rất xinh xắn và bạo dạn, nhưng chưa bao giờ con được tham gia một hoạt động tập thể cùng các bạn trước đám đông bởi vì con quá bắng nhắng, chẳng khác nào một anh hề suốt ngày làm náo loạn mọi người. Và nữa, con rất hay quên, mẹ dạy điều gì hôm trước, tới hôm sau nhắc lại thì con đã chẳng còn nhớ mình đã được học gì…

 

Tất cả những triệu chứng đó của con làm mẹ giật mình. Mẹ biết, bệnh ADD có yếu tố di truyền. Nhưng di truyền từ mẹ, từ bố, hay từ ai đó trong gia đình của hai bố, mẹ thì mẹ không biết. Và thực ra, điều đó cũng đâu có gì quan trọng. Bởi bây giờ, điều khiến mẹ trăn trở hơn cả là phải bắt đầu một chiến dịch cùng con giải quyết những khó khăn không đơn giản đó.

 

Mẹ biết, nếu không làm gì, chứng ADD thường cũng sẽ biến mất khi con bước vào độ tuổi trưởng thành. Nhưng dù có vậy thì hậu quả để lại cho tương lai của con là điều khủng khiếp nhất mà mẹ có thể hình dung ra. Con không thể học tập, không thể ghi nhận bất cứ tri thức nào từ cuộc sống do sự hạn chế về bộ nhớ tạm thời. Con không thể thao tác một cách khéo léo bất cứ một hoạt động hay vận động nào, con không thể diễn đạt được những điều muốn nói bằng ngôn ngữ theo cách của con… Vậy con sẽ làm gì khi chỉ trở thành một đứa trẻ lớn như một điều tất yếu theo thời gian?

 

Mẹ đã từng trách mình rất nhiều vì sự thiếu quan tâm thực sự tới con. Không phải mẹ không yêu con, mà chỉ bởi, mẹ đã từng cho rằng, sự bươn chải, lo toan với cuộc mưu sinh cũng là một cách để mẹ thể hiện tình yêu ấy. Mẹ đã có nhiều tháng, nhiều ngày ngồi miệt mài làm việc bên máy tính, để thi thoảng con lại chạy lại ôm chầm lấy mẹ vì chỉ muốn nói rằng, “mẹ ơi, con buồn quá vì chỉ chơi có một mình”. Những lúc đó, lòng mẹ xót xa vô hạn. Nhưng rồi chỉ sau một thời gian, mẹ lại quên mất nỗi buồn của con, lại lao vào cuộc sống với trăm công ngàn việc. Mẹ thực lòng không phải là người ham công tiếc việc, nhưng mẹ không thể không nghĩ tới những gì thuộc về tương lai cho con. Một mái nhà yên ấm, một môi trường học tập tốt nhất, một khả năng tài chính không quá eo hẹp trước những ước mơ rộng lớn của con sau này. Nhưng giờ thì mẹ đã hiểu ra tất cả. Và mẹ biết, mẹ phải làm gì cho con từ bây giờ và ngay lúc này.

 

Quốc tế thiếu nhi, mẹ con mình đã chơi đùa với nhau suốt trong buổi tối. Mẹ dạy con chơi tất cả những trò chơi để khắc phục khiếm khuyết ở trẻ ADD. Và mẹ mừng là những gì con nhận thức được cũng không tồi tệ quá mức. Con đã biết nhắm mắt để đoán ra vật mẹ đưa, đã biết làm theo những hiệu lệnh chỉ dẫn của mẹ trong các trò chơi lắng nghe, con đã biết nói một câu dài hơn và có nghĩa nhiều hơn, dù còn ngọng nghịu. Tiếng cười trong trẻo của con làm mẹ vợi đi nhiều lo âu và dằn vặt. Mẹ biết, mẹ sẽ còn phải cố gắng và tiếp tục cố gắng. Sự trưởng thành của con ngày mai sẽ phải bắt đầu từ những nỗ lực hôm nay của mẹ.

 

Mẹ đã luôn thấy thời gian là rất quan trọng, rất quý báu, và giờ, mẹ càng thấy hơn cái giá của việc ta biết dành thời gian cho những gì thật sự trọng yếu với mình.

 

Ngày 1-6 qua đi, lòng mẹ nhẹ nhàng và thanh thản hơn khi thấy giấc ngủ của con đã thật bình yên. Có thể chưa hẳn con đã bị mắc chứng ADD (mẹ thầm mong như thế), nhưng dẫu sao, sự yêu thương và quan tâm tới con sẽ chẳng bao giờ là thừa cả. Bởi rốt cuộc, con có cần gì hơn thế nữa đâu. Điều con luôn muốn ở mẹ chính là sự ôm ấp, vỗ về, những động viên kịp thời và những chia sẻ gần gũi trong cuộc sống. Mẹ đã hiểu sâu sắc hơn những điều ấy, mặc dù có lẽ cũng đã hơi muộn phải không con?

 

Đỗ Dương

Source: Báo Dân Trí

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.