Khi đã không còn hi vọng

TTCT – Tôi sinh ra trong một gia đình khá giả, được học hành đàng hoàng. Ba mẹ tôi là người có học, có việc làm tốt với một cuộc sống hiện đại nhưng rất trọng nam khinh nữ.

LTS: Loạt bài “Con tôi đi bụi” kỳ này là câu chuyện về sự trở về của một nữ sinh 16 tuổi từng đi bụi. Em trở về nhưng tình cảm gia đình đã không còn nguyên vẹn, cái giá phải trả cho sự bất công, thiếu quan tâm của người lớn và sự xốc nổi, thiếu suy nghĩ của tuổi trẻ.

Khi đã không còn hi vọng

>> Con tôi đi bụi
>> Tôi đi bụi vì nghẹt thở
>> Em không được tin yêu, tôn trọng

Minh họa: Vũ Đình Giang

Chuyện bắt đầu từ 16 năm về trước, mẹ tôi có thai song sinh – một trai, một gái…Cả dòng họ tôi vui mừng vì đã có người nối dõi tông đường. Ngày mẹ sinh, người vô thăm chật cả phòng bệnh. Nhưng không may em trai tôi rất yếu, phải nằm phòng đặc biệt. Mấy tuần sau em mất. Còn tôi, đứa bé được hưởng ké sự mong đợi của mọi người, lại rất khỏe mạnh, vui vẻ. Mẹ đi coi bói nghe bảo em tôi chết là do “chị sinh đôi với nó số lớn, lấn lướt nó, làm nó yếu mà bệnh chết”. Từ đó chẳng ai ẵm bồng, nựng nịu tôi nữa. Những chuyện đó sau này tôi được nghe mấy dì kể lại.

Khi tôi 1 tuổi, ba mẹ tôi bắt đầu đi chùa cầu tự con trai. Họ vất vả, mệt nhọc nhưng thành tâm và cuối cùng toại nguyện. Em trai ra đời kém tôi ba tuổi. Từ đó mọi sự quan tâm, tình thương, chiều chuộng đều dành cho em. Tôi vẫn nhớ hình ảnh tôi ngồi trong một góc im lặng nhìn ba mẹ nâng niu đứa em mới sinh trong hạnh phúc. Tôi cứ lớn lên như vậy và dần dà cảm thấy được sự bất công.

Tôi, 16 tuổi, nếu bị đẩy ra đường vào thời điểm này thì khó mà sống được. Không có bằng cấp, chắc chỉ làm được những công việc tay chân. Có thể lay lắt sống được đấy nhưng còn sau này thì sao? Tương lai tôi sẽ đi về đâu? Bao nhiêu cạm bẫy, nguy hiểm, tôi có đủ sức chống chọi?

Suy nghĩ thật kỹ, tôi biết mình chẳng còn con đường nào nữa, phải trở về thôi.

Em tôi luôn có bất cứ gì em muốn. Từ bộ lego cả triệu đồng đến máy bay điều khiển từ xa, từ xe chạy được trên tường đến máy chơi game. Ba mẹ tôi yêu em vô bờ bến, không lý trí, khác hẳn với tôi bị rầy la dù chỉ xin mua mấy cuốn sách tham khảo, mấy chú gấu bông để tặng bạn ngày sinh nhật. Sinh nhật em, ba mẹ tôi tổ chức linh đình, mời tất cả bạn bè em. Sinh nhật tôi, ba mẹ hình như chẳng nhớ. Mẹ cho tôi mấy tờ tiền khi nghe tôi nhắc kèm câu nói: “Muốn mua gì thì mua, rách việc!”.

Là chị gái, tôi phải làm hết công việc nhà. Còn em trai học lớp 7, lớp 8 suốt ngày chỉ chơi game và xem tivi. Ngay cả quần áo em thay ra cũng vứt lung tung. Không chỉ thế, em còn hỗn láo với chị, có khi xưng mày tao cả với tôi mà ba mẹ chẳng phản ứng gì. Tôi thấy sự bất công, lạnh lùng nhưng không hiểu tại sao. Tôi quay cuồng với câu hỏi: “Mình đã làm gì sai?”.

Tôi cố gắng học thật giỏi, luôn đứng hạng nhất, ganh đua với bạn từng điểm một chỉ mong một sự quan tâm, một sự tự hào, một lời khen ngợi của ba mẹ. Nhưng rồi một lần tôi nghe mẹ nói chuyện với cô hàng xóm: “Bây giờ người ta chỉ quan trọng chỉ số EQ thôi. Con trai tôi học không giỏi nhưng thông minh, lanh lợi. Ai như con chị nó học cũng được mà lại khù khờ, mai mốt chả làm được việc gì lớn”. Nghe vậy tôi quay đi giấu những giọt nước mắt.

Tôi chán nản, buông xuôi. Tôi không muốn về nhà sau khi tan học nữa. Lặng lẽ lê bước trên các nẻo đường đến khi trời sập tối. Một lần nọ, không chịu nổi sự láo xược của em, tôi đã tát nó. Em trả đũa và chúng tôi đánh nhau đến nỗi ba mẹ phải lôi chúng tôi ra. Tôi bị hai cái tát tóe lửa của ba, còn em được mẹ ôm vào lòng xuýt xoa. Tai tôi ù lên, chẳng còn nghe thấy gì nữa, toàn thân tôi nóng rực như sốt.

Tôi chồm dậy la hét như thú hoang, như nham thạch đã nén nhịn quá lâu trong lòng đất nay phải phun trào. Ba mẹ nhìn tôi ngỡ ngàng. Tôi chạy vào phòng, khóa cửa, khóc như mưa. Tôi khóc vì giận, vì hận, vì thương cho mình sao quá đơn độc trong cuộc đời này. Không được chào đón trong ngôi nhà này, vậy tôi ở đây làm gì? Tôi khóc cạn nước mắt và lén bỏ nhà đi. Tôi lang thang trong công viên, ngồi hàng giờ ở ghế đá và tự hỏi mình phải làm gì tiếp theo. Trời chập choạng tối, mấy gã thanh niên bắt đầu lảng vảng và buông lời khiếm nhã. Tôi thấy sợ và quyết định đến nhà mấy nhỏ bạn.

Tôi bắt đầu sống nhờ nhà người khác, ba ngày ở nhà nhỏ này, ba ngày ở nhà nhỏ kia. Tuy ở nhà người lạ nhưng tôi thấy rất thoải mái, hơn hẳn ở nhà mình. Nhưng cũng đến lúc tôi nhận ra rằng không thể kéo dài kiểu ăn nhờ ở đậu này mãi được. Gia đình bạn tôi không thể nuôi tôi hoài, việc học của tôi bị gián đoạn quá lâu. Tôi, 16 tuổi, nếu bị đẩy ra đường vào thời điểm này thì khó mà sống được. Không có bằng cấp, chắc chỉ làm được những công việc tay chân. Có thể lay lắt sống được đấy nhưng còn sau này thì sao? Tương lai tôi sẽ đi về đâu? Bao nhiêu cạm bẫy, nguy hiểm, tôi có đủ sức chống chọi?

Suy nghĩ thật kỹ, tôi biết mình chẳng còn con đường nào nữa, phải trở về thôi.

Ngày tôi về, mẹ nhìn tôi cười đắc thắng: “Về rồi à, sung sướng quen thân nên đổ đốn ra, đi bụi cho biết mùi đời. Không tiền tất phải dẫn xác về”. Tôi im lặng, thấy lòng sao trống rỗng, không tức giận, không buồn tủi… Dường như, tôi đã thôi mong chờ, thôi hi vọng một sự quan tâm, một chút tình cảm gia đình nào đó từ ba mẹ và tôi nghĩ rằng : đó mới chính là sự ra đi thật sự của tôi.

BẢO NGỌC

Thiếu niên Pháp bỏ nhà đi bụi tăng 10%/năm

Theo Quỹ bảo vệ trẻ em của Pháp, tỉ lệ thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi bỏ nhà đi tăng lên 10% mỗi năm, kể từ năm 1985. Trong đó 2/3 là thiếu nữ và đại đa số nằm trong độ tuổi 15.

Một thiếu niên Pháp đi bụi vì gặp khó khăn trong trao đổi với người xung quanh – Ảnh: lepost.fr

Đó là kết quả điều tra trong năm 2010 của cơ quan này với sự tham gia của các chuyên gia tâm lý học, luật gia, bác sĩ và cơ quan cảnh sát. Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, giám đốc quỹ Arnault Gruselle cho biết: “Thống kê của Bộ Nội vụ đã tổng kết con số 65.125 thanh thiếu niên được báo là “mất tích” trong vòng vài ngày hoặc lâu hơn.

Đó là chưa kể những trường hợp gia đình không thông báo cho chính quyền. Chúng tôi rất lo ngại về sự gia tăng này, vì vậy sau bản báo cáo điều tra, Quỹ bảo vệ trẻ em sẽ kết hợp với Bộ Gia đình để đề nghị giải pháp khẩn cấp. Ví dụ như thành lập các trung tâm để đón và nuôi tạm các thanh thiếu niên bỏ nhà đi bụi, giúp đỡ về mặt tâm lý trong lúc chờ đợi để hiểu lý do và tiếp cận với gia đình của các em”.

Tham gia nhóm điều tra, giáo sư – bác sĩ tâm lý học chuyên về giới trẻ Alain Braconnier nhắc nhở: “Khi một thanh thiếu niên đẩy cửa bỏ nhà đi, trong vòng một giờ hoặc một tuần gia đình và các cơ quan chức năng cần phải quan tâm và tìm hiểu lý do của biến cố đó. Vì bỏ nhà đi là biểu tượng của sự rối loạn chìm sâu và khá quan trọng. Không được coi thường!”.

Tuổi thiếu niên là một khoảng thời gian rất nhạy cảm cả về tâm lý lẫn sinh lý. Trẻ  ác cảm với đời sống, cảm giác phiền muộn, suy nhược tinh thần, khó khăn trong học hành ở trường, quan hệ căng thẳng ở nhà, “cám dỗ” bởi những điều mình chưa biết hoặc có xu hướng phản ứng quyết liệt trước những gì mình cho là quá đáng, không hợp lý.

Đây là một khoảng thời gian mà thanh thiếu niên gặp nhiều khó khăn trong sự trao đổi với những người sống xung quanh mình, trước nhất là gia đình, sau đó với thầy cô và bạn bè. Đa số trẻ đi bụi sống trong những gia đình mà cha mẹ và con cái ít gần gũi và ít trao đổi về những khó khăn trong đời sống, ở trường.  Cả ngày, mỗi người đi một ngả, mỗi người ăn một nơi.

Giáo sư – bác sĩ Alain Braconnier nhấn mạnh về cách xử sự nên áp dụng lúc thanh thiếu niên trở về nhà: “Tránh la mắng trẻ khi chúng trở về. Cha mẹ và gia đình nên giúp trẻ hiểu việc đi bụi làm mọi người lo lắng. Có thể vài tuần sau, gia đình, người thân nhỏ nhẹ tâm sự, tìm hiểu để biết lý do chính của “chuyến đi”. Nắm được lý do sẽ tránh được chuyện xảy ra lần sau. Quan trọng là chữa bệnh tận gốc hơn chữa triệu chứng…”.

VÕ TRUNG DUNG

__________

http://www.fondation-enfance.org
http://sante-medecine.commentcamarche.net/contents/adolescents/ado-que-faire-face-a-la-fugue

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.