Làng game thiếu địa điểm chơi chuyên nghiệp

Sau 2 năm trò chơi trực tuyến có mặt tại Việt Nam, các nhà phát hành đã tích lũy được một số kinh nghiệm. Game thủ đã trở nên chọn lọc và “khó tính” hơn. Tuy nhiên, quán chơi game với vai trò “kênh phân phối”, cầu nối khách hàng – doanh nghiệp, lại chưa có sự đổi thay đột phá nào đáng kể.

Theo thống kê của một công ty nghiên cứu thị trường, tại Hà Nội hiện có khoảng 1.600 điểm truy cập Internet với khoảng 32.000 máy tính dành cho chơi game. Đa phần các điểm này đều theo mô hình Internet café, được trang bị PC có cấu hình mạnh hơn để chơi được một vài game online. Việc phân định “quán game” hay “quán chat” chỉ là tương đối. Lác đác đã có một vài trung tâm giải trí chỉ chuyên về game như Hoàn Long (TPHCM), VIP, Game Đạt, NetChùa (Hà Nội)…, nhưng vẫn chưa thực sự tạo được môi trường thưởng thức đặc thù hoàn chỉnh.

Đoàn Lê Minh (A_Ngoc), cao thủ Starcraft đại diện game thủ Việt Nam thi đấu tại World Cyber Game 2006, cho biết việc chọn lựa một nơi chơi game phù hợp khá khó khăn đối với anh. “Thường thì mình chỉ luyện tập ở nhà. Chỉ khi nào thi đấu giao lưu hoặc bạn bè trao đổi mới ra ngoài hàng game, nhưng cũng chỉ một vài quán quen”, Minh nói.

Nguyên nhân đầu tiên là những quán game hiện nay có chỗ ngồi chật chội, nóng bức, dịch vụ không đầy đủ. Máy tính có thể khoẻ, nhưng không phải bất cứ chỗ nào cũng cho gã game thủ chuyên nghiệp này cắm những “đồ nghề” riêng của mình như bàn phím, chuột… Thậm chí, Starcraft cũng khó kiếm khi game online phổ biến như hiện nay.

Không “khó tính” như giới chuyên nghiệp, anh Vũ Minh Tiến, chủ một clan nổi tiếng trong game PTV trước đây, lại gặp khó khăn mỗi khi dẫn anh em đi công thành chiến. “Mỗi lần tụ họp công thành chiến cũng phải hơn 10 người. Nếu vào quán nhỏ thì không đủ máy. Vào chỗ nhiều máy thì đường truyền không ổn định, download phim nhạc lung tung cả. Nói chung ở đâu cũng có cái khó của nó”, anh Tiến chia sẻ.

 Một “phân khu” tại quán game Trung Quốc. (Ảnh: Vĩnh Cường)

“Tại các nước game online phát triển như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan…, mỗi game center (trung tâm trò chơi điện tử, còn gọi là lò game) là một thế giới giải trí”, ông Nguyễn Vĩnh Cường, Trưởng phòng game online công ty Quang Minh DEC, nói. Trong chuyến công tác tại Bắc Kinh (Trung Quốc) mới đây, ông Cường cho biết thành phố rộng lớn này có rất nhiều điểm truy cập Internet, nhưng muốn chơi game thì phải đến một trong số 20 game center. Tại đây được trang bị máy tính đặc biệt chỉ dành cho chơi game chứ không duyệt web, tối thiểu cũng trang bị trên 600 PC. Các trò chơi phổ biến được phân khu xác định để game thủ dễ dàng tìm được bạn hữu cùng sở thích. Để phục vụ cho những cuộc phiêu lưu dài, các quán game đều sử dụng màn hình LCD chống mỏi mắt, ghế tựa bọc da,… Khu vực dành cho “khách VIP” còn được trang bị tốt hơn nữa với những dịch vụ được phục vụ tại chỗ.

Ở Đài Loan, game center được đặt tại cao ốc còn lớn hơn cả tháp truyền hình bên cạnh, có tuyến xe buýt riêng đưa đón game thủ. Khách hàng còn được thưởng thức không khí từ trò chơi mình yêu thích bởi nhiều dịch vụ kèm theo như mua bán game item, quần áo, đồ kỷ niệm…, được phục vụ bởi các nhân viên cũng mặc giáp trụ, đeo vũ khí như trong thế giới ảo.

“Với mức tăng trưởng như hiện nay, 500.000 game thủ sẵn sàng trả phí tại Hà Nội sẽ tăng gấp đôi trong vòng 2 năm nữa, doanh số dịch vụ nội dung sẽ đạt khoảng 70 triệu USD. Đến nay, game thủ Việt Nam chưa được tận hưởng không khí game thực sự. Điểm giải trí trực tuyến là thị trường chưa được khai thác đúng với tiềm năng”, ông Nguyễn Duy Cường, Giám đốc công ty Giải trí NetViet, nói.

Lăn lộn với game gần 10 năm, ông Cường cũng chính là người khởi xướng mô hình điểm chơi game chuyên nghiệp NetChùa trước đây. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên mô hình này không phát huy được hiệu quả như mong muốn nên ông đang bắt tay xây dựng một thương hiệu khác mang tên Cybergame NetViet. Cơ sở mới này dự kiến sẽ khai trương vào đầu tháng 12 với mức đầu tư trên 4 tỉ đồng, trung bình mỗi chỗ ngồi trị giá tới 20 triệu. Ngay trong trung tâm có cả quầy bar để “giải lao”, khu riêng để trao đổi đồ vật, thi đấu biểu diễn,… NetViet cũng đã “đàm phán” với các nhà cung cấp game để xây dựng chương trình sinh hoạt riêng cho game thủ tại đây, mở đầu sẽ là giải chương trình thi đấu clan mạnh nhất game Audition tại đây trong ngày khai trương.

Nhiều công ty máy tính tỏ ra sẵn sàng hợp tác để thiết kế những phòng máy lớn. Ông Trương Tuấn Vinh, trưởng phòng kinh doanh một công ty máy tính, nói: “Không thứ gì có thể trình diễn công nghệ trong PC tốt hơn game. Nếu có dự án hiệu quả, chúng tôi sẵn sàng tham gia”.

Ông Vinh cho rằng dần dần “kênh phân phối” của làng game sẽ tiến tới chuyên nghiệp hoá theo xu thế chung. Cùng với sự phát triển của các nhà cung cấp, những game mới ra đời hướng tới nhiều đối tượng hơn.

Theo Hưng Hải

VnExpress

Source: Báo Dân Trí

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.