TTO – Những nghiên cứu y khoa mới nhất cho thấy việc dành nhiều thời gian sử dụng Facebook có thể gây ra chứng rối loạn tâm lý, cùng nhiều bệnh thần kinh đáng ngại khác cho đối tượng trẻ em và trẻ vị thành niên…
Facebook không tốt cho con trẻ
Trẻ em tiếp cận công nghệ là xu hướng không thể cưỡng lại. Trách nhiệm bảo vệ chúng khỏi rủi ro từ thế giới mạng là của các bậc phụ huynh – Ảnh minh họa: Internet |
Trước đây, giới khoa học mới chỉ dừng lại ở giai đoạn khám phá các rủi ro và ích lợi đi kèm với truyền thông xã hội (social media), cũng như những biến đổi mà nó gây ra đối với năng lực ứng xử của người trưởng thành và sự phát triển của trẻ em.
Nhưng phải đợi đến nghiên cứu gần đây nhất của tiến sĩ Larry D.Rosen, giảng viên môn tâm lý học tại Đại học California State (Mỹ), mới hé lộ việc sử dụng Facebook cùng các ứng dụng tương tự có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm lý của trẻ em và trẻ vị thành niên.
Công trình nghiên cứu tựa đề “Poke Me: How social networks can both help and harm our kids” (tạm dịch: Mạng xã hội vừa giúp ích và làm hại con cái chúng ta ra sao), được tiến sĩ Larry D.Rosen trình bày tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ lần 119, có những điểm nhấn đáng lo ngại như sau:
• Thanh thiếu niên và người trẻ sử dụng thường xuyên Facebook có xu hướng biểu lộ sự mất năng lực hành vi tâm lý, như giận dữ, lo lắng, cứng đầu, chống đối xã hội và tìm đến đồ uống có cồn. Đây cũng là đối tượng nhiễm chứng “thần tượng cái tôi” thông qua việc thường xuyên cập nhật thông tin về bản thân lên Facebook.
Bên cạnh đó, nghiên cứu của tiến sĩ Rosen cũng chỉ ra những điểm tích cực của Facebook. Chẳng hạn, đối tượng người trẻ thường xuyên dùng Facebook có khả năng tốt hơn trong việc kêu gọi “lòng trắc ẩn” cho cộng đồng online. Ngoài ra, những thiếu niên này – vốn sống hướng nội – có khả năng học được nhiều kỹ năng xã hội quý giá mà an toàn do đã có màn hình máy tính “che chở”. Cuối cùng, mạng xã hội cung cấp nhiều cách thức mang tính đột phá để giáo viên và học sinh có thể kết nối cùng nhau, tiến sĩ Rosen kết luận. |
• Trẻ em, trẻ vị thành niên và thanh thiếu niên thường tiếp cận và sử dụng Internet, game điện tử cùng các ứng dụng công nghệ cũng dễ bị mắc chứng đau dạ dày, khó ngủ, bồn chồn và trầm cảm. Nhóm này cũng hay trốn học.
• Nhóm học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, vốn thường lén truy cập Facebook trong giờ học, có thành tích học tập tồi hơn. Rosen và nhóm nghiên cứu phát hiện nhiều học sinh và sinh viên chỉ tập trung nghe giảng được 2-3 phút rồi lại “nhoay nhoáy” với đồ chơi công nghệ, chủ yếu là tin nhắn SMS, lướt web và mạng xã hội…
Nghiên cứu của tiến sĩ Rosen cũng cho thấy một thiếu niên gửi đi khoảng 2.000 tin nhắn SMS/tháng. Đây là lượng xử lý thông tin cực lớn có liên quan mật thiết đến những rắc rối trong giấc ngủ, khả năng tập trung cũng như mệt mỏi vật lý.
Về việc có nhiều phụ huynh tìm cách kiểm soát mức độ tiếp cận truyền thông xã hội (social media) của con em bằng các loại phần mềm giám sát, tiến sĩ Rosen cho rằng điều đó là không cần thiết.
“Nếu bạn cảm thấy phải dùng đến một phần mềm vi tính để bí mật theo dõi hành vi của con em trên mạng thì chỉ phí thời gian vì chúng đều sẽ có cách vượt qua được. Thay vào đó, hãy hướng dẫn con trẻ cách sử dụng công nghệ sao cho an toàn và củng cố lòng tin từ hai phía, để khi những tình huống không hay xảy ra, chẳng hạn bị bắt nạt trên mạng hoặc xem phải những nội dung không phù hợp, chúng sẽ tìm đến bạn để xin giải pháp”, tiến sĩ Rosen nói.
THÚY QUỲNH
Source: Báo Tuổi Trẻ