Thời gian dài sau những ồn ào của quảng cáo Kangaroo, người ta vẫn nhắc đến clip quảng cáo này như một ví dụ phân tích điển hình trong làng quảng cáo hoặc ngay cả trong những câu chuyện bạn bè vui vẻ. >> Quảng cáo “chơi dao”: Phúc họa khó lường
Tự tin để khác biệt
Khác biệt là yếu tố thiết yếu trong mọi hoạt động, đặc biệt là trong kinh doanh. Khi vị đại diện tập đoàn này chia sẻ, : “Nếu không vấp phải một trở ngại nào nữa, tức là bạn đã đi chệch đường rồi” (trích lời của M. Ghenin- PV). Nói như vậy không có nghĩa là chọc tức khán giả là đúng đường, mà nhận được những sự khen chê từ phía khán giả là một tín hiệu đáng mừng” thì có thể thấy, Kangaroo hoàn toàn tự tin trước những phản hồi của dư luận.
Được hỏi về tình hình kinh doanh 2 tháng sau khi dư luận đã lắng xuống, vị này cũng cho hay, doanh số bán hàng tăng rõ rệt, riêng sản phẩm máy lọc nước tăng khoảng 30% và các sản phẩm khác đều tăng từ 5 – 15%. Đặc biệt là việc nhận biết thương hiệu, ngay cả một đứa trẻ cũng đã biết Kangaroo là gì.
Hiệu quả của quảng cáo chỉ dừng ở việc khiến người tiêu dùng tò mò và tìm hiểu về sản phẩm, còn yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua lại nằm ở chất lượng thực tế của sản phẩm. Vậy, điều gì tạo nên sự tăng trưởng này? Có lẽ, đây chính là thời điểm “lửa thử vàng”, chính qua đây, Kangaroo cũng đo được độ tín nhiệm của khách hàng đối với thương hiệu, sản phẩm.
Mạo hiểm để chiến thắng
Quảng cáo kiểu chơi dao là một trò chơi mạo hiểm mà không khéo thì “đứt tay”. Kangaroo đã đem cả gia tài của một tập đoàn với gần 10 năm gây dựng để mạo hiểm trước công chúng, đó là việc mà không phải ai cũng dám làm.
Trao đổi về vấn đề này, vị đại diện Kangaroo nói: “Chúng tôi đã từng vượt qua những khó khăn bằng một thái độ tích cực, sự tự tin và một sức mạnh bền bỉ vì vậy chúng tôi chấp nhận mạo hiểm và tin rằng chúng tôi sẽ tạo nên những kỳ tích. Chúng tôi mạo hiểm nhưng không liều lĩnh.” Đến nay, làn sóng Kangaroo đã lan đến mọi ngóc ngách cùng hiệu ứng “hàng đầu Việt Nam”, có thể nói, Kangaroo đã tạo nên “kỳ tích một đêm” bằng chính sự mạo hiểm của mình.
Không thể phủ nhận rằng, Kangaroo đã thành công với chiến lược “đóng dấu” trong tâm trí số đông người tiêu dùng. Nếu theo giáo sư David A. Aaker, giá trị thương hiệu gồm có bốn yếu tố cấu thành thì trong chiến dịch quảng cáo này, Kangaroo đã đạt được hai: Sự nhận ra thương hiệu một cách mau chóng (brand awareness), và những liên tưởng của khách hàng khi nghe hoặc nhìn thấy thương hiệu (brand associations).
Trong thế giới quảng cáo với hàng vạn thông điệp được phát đi mỗi ngày như hiện nay, việc ghi dấu ấn với khách hàng là một thách thức. Tuy nhiên, để có được sự khác biệt thành công, doanh nghiệp đã phải tự ý thức và xây dựng cho mình những nền tảng cơ bản và vững chắc nhất ngay từ bước đầu, đó là chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ và lời hứa của thương hiệu, Kangaroo đã làm được điều đó.
PV
Source: Báo Dân Trí