Tôi bỏ chơi điện tử để trở thành kỹ sư công nghệ thông tin

Lúc tôi lên nhận huy chương vàng trong giải đấu DOTA ở trường CNTT cũng là lúc tôi mới nhận thấy những cảnh trớ trêu. Người ta ai cũng lên nhận học bổng, bằng khen, không thì giải bóng đá, bóng chuyền, có mỗi nhóm tôi là lên nhận huy chương vì chơi game giỏi.>Thi viết ‘Ước mơ của tôi’ trên VnExpress và iOne

Lúc nhỏ khi mẹ hỏi: “Sau này con ước mơ được làm gì?”, tôi luôn láu lỉnh trả lời một cách máy móc như lời thầy cô dạy: “Một là con sẽ làm bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người, hai là con sẽ học thật giỏi để nghiên cứu khoa học tìm ra thuốc chữa bệnh AIDS cho mọi người, hoặc là con sẽ tìm ra cái gì đó thật lớn lao để giúp ích cho nhân loại”. Mẹ và tôi híp mắt cười, rồi tôi lại phóng như bay qua quán điện tử kế bên để lại cho mẹ nụ cười xòa và bao suy nghĩ ngổn ngang.

Tôi là con út trong một gia đình lao động có năm anh em. Ba mẹ cưới nhau từ thời chiến tranh cộng với sự thiếu kiến thức về kế hoạch hóa gia đình, ba mẹ đã sinh ra năm anh em kháu khỉnh chúng tôi. Vì thế cuộc sống nhọc nhằn vẫn luôn đeo bám gia đình.

Ba mẹ đã làm rất nhiều việc để kiếm sống nuôi cả đám anh em tôi. Vốn là một thợ may nhưng số tiền kiếm được quá ít ỏi khiến ba phải suy nghĩ nhiều. Ba bắt đầu lăn xả vào sửa máy may thêm, tìm mối mua lại đồ second-hand rồi. Rảnh lúc nào ba lại đem đồ đó ra chợ bán, không rảnh thì ba lại gọi anh hai, chị ba đi bán.

Mẹ một tay nuôi con, một tay lo việc gia đình nhà chồng. Lúc chị ba học lớp ba thì anh tư học mẫu giáo, còn anh năm thì hơn một tuổi nhưng vì mẹ rất thương chúng tôi, công việc quần quật suốt cả ngày, mẹ luôn vắt óc suy nghĩ để kiếm thêm tiền. Và rồi mẹ mở thêm quán bi-da, công việc vừa nhẹ nhàng vừa đủ thời gian để mẹ chăm sóc anh em chúng tôi.

Tôi quyết tâm bỏ điện tử để theo ngành công nghệ thông tin. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.
Tôi quyết tâm bỏ điện tử để theo ngành công nghệ thông tin. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Những người đàng hoàng đến đánh bi-da ngày càng ít, số nhiều là bọn anh chị ăn chơi lêu lỏng. Chúng cá cược tiền giờ và tiền thuốc ngay cả khi không có tiền. Cả tin, mẹ đã ghi nợ đầy sổ, làm ăn thua lỗ buộc mẹ đóng quán, nhưng ba mẹ đã không bao giờ bỏ cuộc.

Bỏ nghiệp bán đồ sô, ba bắt đầu làm thêm nghề sửa máy nổ cho thuyền đánh cá ở xóm biển. Với sự tìm tòi không ngừng nghỉ, ba bắt đầu vay vốn mở một xưởng nhỏ làm kem, ba thì chở kem trên chiếc xe đạp cà tàng để bỏ mối cho mấy ông bán “cà rem”, mẹ chăm em và bán lẻ ở nhà.

Nhiều năm sau, khi tủ kem bắt đầu phổ biến ở quê cũng là lúc nghề bán “cà rem” đến số, những loại kem đủ màu, đủ kiểu, giá rẻ của những công ty lớn bắt đầu thu hút trẻ con hơn. Những cây kem ống trắng phủ sữa và hạt đậu phộng bị cạnh tranh dữ dội và dần dần trở thành dĩ vãng. Mối sỉ mất, nghiệp làm kem ở nhà tôi bắt đầu lâm vào bờ phá sản.

Cuộc sống thật không dễ dàng, và càng không dễ dàng hơn khi ba mẹ lại quyết tâm cho đám anh em tôi đi học đến nơi đến chốn. Nhìn năm anh em, nhìn những ánh mắt ngây thơ, ba mẹ không khỏi quặn thắt. Được một số người chỉ dẫn, ba bắt đầu thế chấp sổ đỏ nhà, vay vốn ngân hàng.

Vịnh Cam Ranh, vùng biển được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu nắng ấm quanh năm, nơi tàu bè đánh cá hoạt động tấp nập, sớm bắt được tình hình, ba phát triển máy kem thành máy làm đá. Chị ba cũng phụ giúp mẹ bán lẻ và trông em.

Lúc này tôi khoảng năm tuổi, là út tôi được cưng chiều hết mực, phần ngon phần nhiều là cả nhà nhường cho tôi hết, tôi vừa học vừa chơi thỏa thuê. Là một đứa trẻ tinh nghịch và háu ăn, tôi cũng có những lần nhõng nhẽo đòi hỏi nhiều thứ.

Một đêm nọ, lúc mẹ đang tính tiền, vừa nghe chú bánh bao dạo rao bánh bao nóng hổi đây, tôi liền chèo chẹo đòi mẹ cho tiền mua, mặc cho mẹ giải thích: “Con mới ăn cơm xong thì không nên ăn vặt, tiền mẹ đang tính là tiền của người ta không phải của mẹ”.

Rốt cuộc mẹ cũng thua tôi, mẹ cười gượng rồi đưa cho tôi hai trăm đồng và bảo: “Ra kêu chú, bán cho con hai trăm bánh bao “ngó”. Tôi hí hửng, chạy vèo ra nói y như lời mẹ, tôi giương mắt ếch tròn xoe nhìn chú, tự hỏi sao chú lại lâu thế.

Ngấu nghiến cái bánh bao nhân dừa thơm phức ngon lành, tôi vui vẻ vô cùng. Sau này lớn lên tôi mới kịp hiểu ra: Mẹ và chú dù không gặp trước mà đã lừa một cách ngoạn mục để tôi hãy còn sự trong trắng, thơ ngây. Hồi đó cái bánh bao không nhân bèo nhất cũng đã là năm trăm đồng rồi.

Nhưng khổ nỗi chiếc máy đá chạy từ máy nổ công suất thấp, tiền dầu chạy, tiền sửa chữa máy móc vượt quá xa tổng tiền bán đá thu hàng tháng khiến ba mẹ phải hứng chịu cảnh nợ nần chồng chất. Càng khó khăn ba mẹ lại càng táo bạo hơn, ba quyết vay nóng để trả hết tiền vay ngân hàng, rồi vay lại tiền ngân hàng với số tiền lớn hơn.

Số tiền vay ba bắt đầu đổ vào thay thế dàn máy làm lạnh mới chạy bằng điện, công suất máy thay đổi rõ rệt, hiệu suất kinh doanh khá hơn, nghề nuôi tôm sú bắt đầu rộ lên. Ba mua đất biển rồi ủi đìa lên từ vốn nóng, ba nghĩ chỉ có trúng tôm mới đủ tiền trả vốn nóng. Trời không phụ lòng ba, đợt đầu ba đã trúng nên trả dứt điểm được cảnh lãi mẹ đẻ lãi con và một ít lãi ngân hàng.

Cuộc sống lại thử thách gia đình chúng tôi lần nữa, hàng trăm hộ gia đình nuôi tôm một cách tự phát, thiếu hoạch định, giám sát của chính quyền dẫn đến môi trường biển bị ô nhiễm nặng. Một hộ bị dịch bệnh thì thải tràn lan, không báo trước làm cả chục hộ cũng đi theo. Thuốc kháng sinh được rải vô tội vạ dẫn đến càng ngày dịch bệnh càng khó trị, không lường trước. Gia đình tôi cũng không ngoại lệ, đến thời kỳ nuôi tôm thật khó khăn, thua lỗ nặng nề, nợ lại càng thêm nợ.

Trong khi ba mẹ đang vùi đầu vào kiếm tiền, tôi lại giữ mãi sự ngây ngô ham chơi, điện tử đã giúp tôi khỏa lấp những thiếu thốn về tinh thần. Trong thế giới game tôi trở thành một siêu anh hùng, được bằng hữu kính nể, tôi tha hồ trổ tài thắng thua bằng những tính toán chi ly. Trí tưởng tượng của tôi được thỏa thuê.

Ba đã sớm phát hiện ra những cuộc cày game thâu đêm của tôi, cả nhà cấm tôi chơi game. Ba luôn nói như đinh đóng cột rằng quyết tâm là làm được hết nhưng ngựa vẫn quen đường cũ, không biết bao nhiêu lời hứa lần cuối của tôi đã cuốn trôi qua cuống họng. Năm mười hai là năm tôi bị đánh nhiều nhất, mỗi lần bắt được tôi từ quán game về, ba dùng roi tre quất tới tấp.

Tôi không khóc vì biết mình sẽ bị phạt nếu tái phạm, những giăm tre nát ra và cắm vào chân tôi, máu chảy giàn giụa. Sự trơ trơ của tôi dường như lung lay sự quyết tâm bắt tôi bỏ điện tử của ba. Bỗng ba đứng lặng người rồi khóc tức tưởi, lần đầu tiên tôi thấy ba khóc, nước mắt tôi cũng tự nhiên ứa theo. Một tháng nữa là kỳ thi đại học đến, tôi bị ba nhốt trong phòng riêng như một tù nhân chính trị thực sự. Chứng kiến cảnh mẹ khóc rất nhiều, tôi có thời gian suy ngẫm và nhìn lại mình, tôi hối lỗi và quyết tâm học.

Chính nhờ sự quyết tâm và những lời dạy của ba, khuyên ngăn của mẹ, tôi đã thi đỗ vào ĐH CNTT- ĐH Quốc gia TP HCM. Vào thành phố, tôi ngủ quên trên chiến thắng, tự do không ai quản lý. Sự vô tâm, ham chơi của tôi trỗi dậy, tôi học hành qua loa, lao vào nhậu nhẹt và cày game điên cuồng từ những đồng tiền chắt chiu của ba mẹ.

Ngày 20/11 năm ba đại học, lúc tôi lên nhận huy chương vàng trong giải đấu DOTA ở trường CNTT cũng là lúc tôi mới nhận thấy những cảnh trớ trêu. Người ta ai cũng lên nhận học bổng, bằng khen, không thì giải bóng đá, bóng chuyền, có mỗi nhóm tôi là lên nhận huy chương vì chơi game giỏi.

Trớ trêu hơn khi tôi nhận được tin mẹ bị khuôn đá đập vào đầu, bác sĩ nói bị chấn thương ở trán. Nhưng khám tổng quát thì phát hiện mẹ bị một khối u sau lưng, còn bị viêm khớp cổ tay nặng, nếu tiếp tục bán đá có thể mất khả năng lao động. Mẹ không muốn khám rõ khối u đó là ác hay lành tính, mẹ sợ.

Ở cái tuổi 63, tóc ba đã bạc phơ, những căn bệnh tuổi già và nghề nghiệp đã đeo bám ba. Gai cột sống khiến ba đau nhức dữ dội, nhiều lần nai lưng ra cho tôm ăn khiến ba bị đột quỵ vì đau lưng không thể đứng được nữa.

Thế nhưng, mẹ vẫn bán đá hàng ngày, công việc không thể dừng lại vì nếu không bán thì sẽ mất bạn hàng, lấy tiền đâu mà sống. Mẹ luôn nhắc nhở tôi phải ráng học để không phải khổ như ba mẹ, để thực hiện ước mơ của con. Sau này ba mẹ ngã xuống rồi thì không thể nuôi con mãi.

Nhưng tôi thì đang làm gì thế này? Được vinh danh vì chơi điện tử sao? Tôi hận bản thân mình sao vô tâm, tàn nhẫn đến thế. “Ba mẹ ơi, con biết mình có lỗi thật nhiều, nhưng con biết lỗi rồi ba mẹ à. Quay đầu là bờ phải không ba mẹ? Con chỉ ước một điều thôi: hãy cho con thời gian để sửa lỗi ba mẹ nhé. Ba mẹ hãy làm theo chỉ dẫn của bác sĩ, ba mẹ phải ráng sống”.

Tôi trách ông trời sao lại oán ăm với tôi đến thế, sao lại cho tôi là đứa út, để thời gian của tôi với ba mẹ thật ngắn ngủi, để tôi trở thành đứa bất hiếu. 21 tuổi, giờ tôi đã biết ước mơ thực sự. Tôi chỉ ước được chuộc lại lỗi lầm của mình, tôi phải bỏ điện tử, phải quyết tâm học hành, phải là một kỹ sư CNTT đích thực.

Tôi phải kiếm thật nhiều tiền, phải nên người. Tôi muốn ba mẹ được an dưỡng, vui khỏe như những người bình thường khác. Hãy đợi con, ba mẹ nhé. Tôi nhắm mắt lại để cho nước mắt chảy vào trong, tôi đang nghĩ về một viễn cảnh thật gần.

Phan Tiến Thịnh

Từ ngày 15/5 đến 15/8, các bạn trong độ tuổi 15-30 có thể tham gia cuộc thi viết “Ước mơ của tôi” do VnExpress.net, iOne.net và Trung tâm đào tạo mỹ thuật đa phương tiện FPT-Arena phối hợp tổ chức. Trong bài thi, bạn có thể kể về những ước mơ lớn lao như trở thành người nổi tiếng hoặc bình dị như đỗ đại học, có được nghề nghiệp đúng sở thích, được khám phá danh lam thắng cảnh… Bạn cũng có thể viết về hành trình để biến ước mơ thành hiện thực, quyết tâm thay đổi cuộc sống chính mình. Bài viết dài không quá 2.000 từ. Một người có thể gửi nhiều bài dự thi.
 



    •  
 

Source: Báo VNExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.