TTCT – Ngày thứ hai 8-8-2011 đáng nhớ do giá vàng không chỉ vượt qua ngưỡng 1.700 USD/ounce mà còn vượt đậm, lên đến 1.718 USD (giao hàng tháng 12 tới). Đâu rồi những hào hứng mà báo chí tuần trước gọi là “thỏa thuận nợ trần”?
Về đâu hỡi đồng đôla?!
Tỉ giá hối đoái niêm yết tại sân bay Haneda ở Tokyo ngày 1-8 sau khi USD vừa tăng giá so với đồng yen từ thỏa thuận mức trần nợ công của lưỡng đảng ở Mỹ – Ảnh: Reuters |
Bốn ngày sau thỏa thuận mức nợ trần lưỡng đảng Mỹ, nhà phân tích tài chính Jeb Handwerger hôm 5-8 đã nổi đóa chỉ trích không thương tiếc: “Ngày nay chúng ta đang chứng kiến một kiểu hành vi phi lý thách đố mọi lý trí. Các chính khách thượng tôn cùng các nhà kinh tế học ưu tú đang ôm nhau nhảy một điệu mùi mẫn trên sàn nhảy của con tàu quốc gia không thể chìm.
Làm sao (họ) có thể giải thích rằng đã giảm được nợ khi mà giỏi lắm mới chỉ bớt được một hai ngàn tỉ trong vòng 10 năm tới? Vậy mà cũng tán tụng rằng đó là những cải cách ý nghĩa! Bất quá chỉ là một miếng băng dán cho một ca xuất huyết động mạch vì nợ khiếp đảm và lạm chi ngày càng tăng!” (1).
Những “cay đắng” của Jeb Handwerger không có gì mới. Các “nguyên nhân của mọi nguyên nhân” mà tác giả nêu ra cũng chỉ là đừng vung tay quá trán để rồi nợ ngập đầu – những khuyến cáo “cổ điển” của tài chính công. Điểm mới trong “nguyền rủa” của tác giả là các lãnh đạo quốc gia và kinh tế vẫn cứ luôn tin rằng con tàu quốc gia sẽ không bao giờ chìm, và đáng sợ thay đó lại là một kiểu hành vi “đường đường chính chính”.
Không hiếm chính phủ vẫn lấy vay nợ làm “vốn lận lưng” khi thiết lập ngân sách và báo chí cũng cứ thế mà đồng ca “năm nay cam kết nợ kỷ lục!”.
Tại sao mất tín nhiệm?
Việc thiên hạ bán tống bán tháo tờ giấy bạc xanh cùng các trái phiếu dựa trên tờ giấy đó khiến giá vàng leo thang không thắng là hậu quả trực tiếp, ngắn hạn của việc Hãng S&P hạ độ tín nhiệm của Chính phủ Mỹ một bậc. Và điều này đã được dự đoán chính xác từ trước, khi Đảng Cộng hòa còn mải mê trò chơi “chính chị chính em” với Đảng Dân chủ trong các thương thuyết về mức nợ trần.
Tờ New York Times đã cảnh cáo trong một bài xã luận: “Một số dân biểu Đảng Cộng hòa trong hạ viện đang muốn “sắm” lấy một vụ vỡ nợ quốc gia, khi hi vọng rằng một cơn địa chấn kinh tế sẽ làm rúng động Washington cùng chính quyền Obama” (2). Tất nhiên, không chỉ tờ New York Times “la làng” trước những hậu quả của trò chơi này.
Vụ “vỡ nợ quốc gia” đó đã đến đúng như dự báo của mọi người. Tất nhiên chưa ngay lập tức song cũng đã bắt đầu bằng những phát súng cảnh cáo của S&P hôm 5-8, hạ độ tín nhiệm của trái phiếu do nhà nước Mỹ phát hành từ AAA xuống còn AA+ với viễn tượng được xem là tiêu cực do lo ngại về các bất trắc chính trị cùng gánh nặng nợ nần ngày càng tăng (3).
“Phán quyết” này của S&P đúng với lề thói hoạt động của hãng đánh giá tín nhiệm tài chính này hoặc của các hãng đánh giá xếp hạng khác. Các quốc gia, ngân hàng lớn mỗi quốc gia… đều được các hãng này đánh giá đều đặn về độ tín nhiệm của trái phiếu quốc gia đó.
Cơ bản độ tín nhiệm của một trái phiếu chính là khả năng trả lãi lẫn vốn của nước phát hành trái phiếu. Các hãng xếp hạng tính toán xem đến mức nào thì việc mua vô trái phiếu của một nước được xem là “đầu tư có lời”, ngược lại từ mức tín nhiệm nào trở xuống thì được xem là “xăm mình mua vô, may thì ăn cả…”.
Các đánh giá đó được công khai trên mạng, do lẽ công khai chính là điều kiện phải có của thị trường tài chính quốc tế vốn từ bao năm qua vẫn tin dùng đánh giá của các hãng này như là những nguồn tham khảo trước khi định mua vào trái phiếu các nước. Các quốc gia cũng chấp nhận các đánh giá đó, bất quá thì phân trần một chút như Chính phủ Mỹ mới đây đã làm, cho rằng S&P đã ghi sai số công nợ của Mỹ.
Khi thị trường trừng phạt
Thật ra bao năm nay S&P cũng chưa định hạ độ tín nhiệm của trái phiếu Mỹ. Với tổng nợ 14.000 tỉ USD, nếu muốn đã hạ từ lâu rồi. Trong đợt đánh giá tháng 4 trước đó, S&P đã cảnh cáo khi nhận xét “viễn tượng tiêu cực” tuy vẫn xếp hạng AAA.
Sở dĩ nay S&P phải hạ bậc xuống còn AA+ là do những “bất trắc chính trị” (nguyên văn: on political risks) có thể ngay từ tiêu đề của báo cáo đánh giá hôm 5-8 như là “phản hồi” cho thỏa thuận mức nợ trần của Quốc hội Mỹ. “Sự đánh giá xuống hạng này phản ánh quan điểm của chúng tôi cho rằng tính hiệu quả, tính ổn định, tính khả đoán của việc hoạch định chính sách cũng như của các định chế chính trị ở Mỹ đã suy yếu…”.
S&P đã thay mặt thị trường mà trừng phạt bộ máy chính trị Mỹ. Những tiền hậu bất nhất hay giằng co chính sách, coi thường việc mang công nợ mới chính là nguyên nhân bị hạ tín nhiệm chứ không phải tổng nợ lớn bao nhiêu. Các cơ quan nhà nước Mỹ chớ giở trò “chính chị chính em” nữa, thay vào đó đồng tâm hiệp lực sao cho bên ngoài chủ nợ nhìn vào còn thấy việc trả nợ được nhất trí trong nội bộ như thế nào.
Thật ra trò chơi này có khi còn mang tính tham vọng cá nhân. Việc đàm phán mức trần nợ công do một tiểu ban gồm sáu nghị sĩ (thượng viện) và dân biểu (hạ viện) mỗi đảng nhóm họp với nhau. Trừng phạt này dành cho Mỹ cũng là một bài học cho mọi chính phủ mang công nợ.
Nợ bằng chính đồng tiên của mình
“S&P đã tính sai về số nợ của nước Mỹ” – Bộ Tài chính Mỹ phân trần. Tin giải thích này của Chính phủ Mỹ hay tin cáo buộc của S&P, tùy mỗi nhà đầu tư tự đánh giá cho mình. Một đại tư bản người Mỹ của thập niên 1950-1960, John Paul Getty, đã để đời phát biểu tuyệt vời sau: “Nếu quý vị nợ nhà băng 100 đồng thì đó là vấn đề của quý vị. Còn nếu quý vị nợ đến 100 triệu thì đó là vấn đề của nhà băng”.
Mượn ý J.P. Getty có thể thấy việc các nước chủ nợ của Mỹ ôm cả ngàn, cả trăm tỉ USD bây giờ rên xiết vì tờ giấy bạc xanh cứ như tờ giấy lộn so với các thứ, nhất là giá vàng, chính là “chuyện của các chủ nợ”. Trong bao năm qua, họ đã cứ “ham lời”mua vô trái phiếu của Mỹ, ôm đồng USD, không chẻ nhỏ qua các đồng tiền khác như khẩu hiệu cơ bản của tài chính học: “Chớ bỏ hết các quả trứng trong cùng một rổ!”.
Andre Gunder Frank giải thích như sau về “con nợ Mỹ” (4): “Nước Mỹ là nước duy nhất có nợ nước ngoài bằng chính đồng tiền của mình. Trong khi đó nước Mỹ là nước duy nhất trên thế giới có đặc quyền lớn nhất là có độc quyền in trữ tệ cho toàn thế giới, thỏa thích in bao nhiêu cũng được và chẳng tốn kém gì ngoại trừ giấy và mực in. Qua đó Chú Sam xuất khẩu lạm phát qua việc phổ biến tứ phương số đôla được in dôi ra như vậy nhiều hơn ở trong nước Mỹ gấp ba lần.
Trung Quốc đã đem “biếu không” cho Mỹ mấy trăm tỉ USD hàng hóa thực sản xuất ở Trung Quốc và tiêu thụ ở Mỹ, để được Mỹ trả bằng tờ giấy bạc chẳng có giá trị thật sự gì ngoài tiền giấy và mực in. Rồi Trung Quốc đem số giấy lộn đó đi đổi lấy một mớ giấy lộn khác gọi là trái phiếu Mỹ, lại càng chẳng có giá trị gì hơn ngoại trừ một phần tiền lời. Chẳng bao giờ lấy lại vốn được hoặc nếu có cũng chỉ một phần… do đã mất giá lâu rồi”.
Đồng đôla sẽ đi về đâu? Biểu đồ vàng từ mấy năm nay, nhất là từ đầu năm tới giờ, cho thấy hướng đi của đồng đôla. Từ tháng 5, nhà phân tích tài chính Pháp đã bán chạy như tôm tươi quyển “ta thán” mang tựa đề Khi đồng đôla giết chúng ta (Quand le dollar nous tue).
HỮU NGHỊ
__________
(1) Debt Limit Ceiling: Bandaids, Blather and Bullion, By Jeb Handwerger, Aug 5 2011, goldstocktrades.com
(2) To Escape Chaos, a Terrible Deal, July 31, 2011, New York Times EDITORIAL
(3) Research Update: United States of America Long-Term Rating Lowered To ‘AA+’ On Political Risks And Rising Debt Burden; Outlook Negative
(4) Why the Emperor has no Clothes, http://www.globalresearch.ca/articles/FRA501A.html
Source: Báo Tuổi Trẻ