Chơi game cần nhận thức sâu sắc hơn về lợi ích và nguy cơ

(Dân trí) – Với ý tưởng ban đầu là một hình thức tiêu khiển, giải trí và giảm stress, game online (GO) đã trở thành một sản phẩm có tác động toàn cầu. Gần đây GO lại trở thành đề tài tranh cãi gay gắt về lợi, hại khi “dính líu” tới thủ phạm một số vụ án. >> Game online – con dao hai lưỡi >> Game online: Nguyên nhân khách quan gây ra tội ác (!?)

(ảnh minh họa, nguồn: VOV)

 

Chỉ trích theo… cảm tính?

 

Gần đây chúng ta thường nghe tới cụm từ “bạo lực vì chơi GO” trên các phương tiện truyền thông như TV hay sách báo…Dư luận đã nói khá nhiều về tác hại ghê gớm từ những hình ảnh đổ máu hay chém giết trong GO. Nhiều người cho rằng đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ tự sát hay giết người cướp của. Nhưng liệu sự thật có phải như vậy hay không, khi vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào dám khẳng định chắc chắn điều đó?

 

Hầu hết các phương tiện thông tin đại chúng, những chuyên gia và thậm chí là một số phụ huynh đều than phiền về vấn đề bạo lực trong GO có thể khiến con người trở nên dễ bị kích động hơn. Trong một số trường hợp còn là nguyên nhân của các vụ giết người.

 

Tuy nhiên, theo tôi, dường như đó chỉ là một lý do được nhắc đi nhắc lại hết lần này đến lần khác nhằm biện hộ cho những lần thay đổi quy định, cũng như tăng cường kiểm soát nội dung của GO.

 

Chúng ta có thể nhận thấy điều đó khi nhìn vào cách mà các phương tiện truyền thông kết luận các vụ giết người như là một hệ quả của việc chơi GO, ngay cả khi tội phạm hầu như chỉ chơi…xếp hình.

 

Khi có một vụ án nào đó mà kẻ thủ ác liên quan đến việc chơi GO, là hầu như ngay lập tức những người chỉ trích lên án sự hung ác, tính tàn bạo của trò chơi điện tử và cho rằng kẻ phạm tội đã bắt chước theo một số hành động trong GO.

 

Tuy vậy, theo tôi biết, đa số những người đứng ra chỉ trích này lại chưa hề chơi GO hay làm quen với khái niệm căn bản của GO. Kết quả là những điều họ nói ra dường như rất vội vàng và mang nặng cảm tính chủ quan.

 

Thậm chí một số người còn viết thư gửi tới các nhà sản xuất nhằm cảnh báo rằng sẽ có những cuộc công kích mạnh mẽ vào các sản phẩm của họ, nếu các hãng này còn tiếp tục phát hành các GO bạo lực. Rằng những người phản đối đã có bằng chứng để chỉ ra rằng các game thủ tuổi vị thành niên khi quá nghiện GO sẽ gặp phải những khó khăn trong việc phân biệt đâu là thật và đâu là tưởng tượng…

 

Tại Mỹ, giới truyền thông còn tạo ra cụm từ “Xbox Killings” để chỉ những kẻ giết người vì muốn chiếm đoạt chiếc máy Xbox của nạn nhân.

 

Tuy nhiên, tôi nghĩ, báo chí đã “đánh lận con đen” trạng thái tâm lý của một người gặp vấn đề về tâm thần. Tại sao đó không phải là một vụ giết người cướp của đơn thuần, mà cứ phải là giết người vì muốn cướp máy chơi GO? Đó là điều hoàn toàn không hề liên quan đến nhau, ít nhất là cho đến lúc này khoa học chưa hề chứng minh có sự liên quan nào giữa chúng.

 

Hai mặt của GO

 

Một công trình nghiên cứu mang tên  “Video game và ảnh hưởng tới giới trẻ” mới đây tại Mỹ cho rằng: “Những tác động của GO là có thể dự báo được. Các GO bạo lực truyền tải những hành động “nguy hiểm” đến người chơi như việc bắt nạt bạn bè hay phá phách.

Tất nhiên, chúng có thể dẫn đến các cuộc cãi vã, xô xát…nhưng chưa dẫn đến các hành vi phạm tội nếu đứa trẻ này được giáo dục một cách đầy đủ”. Nghiên cứu này đồng thời cũng lưu ý: “Hiện nay vẫn chưa có một công trình nào chỉ ra sự liên quan của các GO bạo lực với tội ác ở thế giới thực”.

 

Nếu một người không có ý thức đạo đức, cho dù chơi GO bạo lực hay không, họ vẫn sẽ phạm tội. Còn một con người có đạo đức và văn hóa, dù có chơi GO bạo lực, họ vẫn sẽ không phạm tội.

 

Bởi vậy, không thể quy kết trách nhiệm cho trò chơi điện tử khi các hành động bạo lực xảy ra. Trong khi đó, chơi GO được chứng minh là có một số ảnh hưởng tích cực đến người chơi.

 

Theo Reuters thì mới đây, nhà sản xuất trò chơi điện tử hàng đầu của Pháp – Ubisoft đã cho ra đời một tựa GO có thể giúp những người nghiện thuốc lá từ bỏ thói quen xấu này.

 

Không chỉ vậy, chơi game giúp con người giải tỏa những căng thẳng trong học tập và làm việc. Nếu chơi GO thường xuyên và hợp lý, các game thủ sẽ học được một số kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, ví như tập trung cao độ. Một số game còn có khả năng kích thích trí tưởng tượng và từ đó rèn luyện khả năng sáng tạo hơn rất nhiều.

 

Tóm lại, chúng ta chưa có căn cứ rõ ràng để khẳng định trò chơi điện tử có những ảnh hưởng xấu tới con người và xã hội. Người chơi cần có nhận thức sâu sắc hơn về các nguy hiểm tiềm tàng và các lợi ích từ việc chơi GO.

 

Bất kỳ điều gì cũng có 2 mặt và nếu các game thủ biết sử dụng trò chơi điện tử một cách hợp lý thì chắc chắn sẽ thu được nhiều yếu tố tích cực. Sự điều độ là rất quan trọng. Chỉ khi người chơi không làm chủ được thời gian, gây ra sự mất cân bằng về tâm sinh lý, mới dễ gây ra các hành vi bạo lực.

 

NickNetCafe 

email:  easycafe26@yahoo.com

Source: Báo Dân Trí

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.