AT – Đọc các bài báo tuyên dương những thủ khoa đại học năm 2011, có thể bắt gặp một điểm chung ở các bạn trẻ này là: lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; là tình yêu thương, gắn bó với gia đình.
Vun đắp lòng nhân ái
Nguyễn Trường Thịnh, người con hiếu thảo ở Cao Lãnh, thủ khoa của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) |
Có những người cha, người mẹ nông dân, lam lũ quanh năm cùng ruộng vườn nhưng mỗi tối vẫn dành thời gian trò chuyện, làm toán, đọc sách cùng con… Chẳng hạn, bác Lê Kỳ – ba của bạn Lê Minh Khiết, thủ khoa ĐH Ngoại thương cơ sở 2 và ĐH Y dược TP.HCM – thường “ngồi kể cho con nghe chuyện danh nhân lịch sử, các tấm gương hiếu học. Và cuối tuần, ông có thói quen chở con ra thị trấn đến các nhà sách, thư viện”… (báo Dân Trí 8-8-2011). Gia đình chính là động lực mạnh mẽ thúc đẩy các bạn phải phấn đấu trong mọi mặt, là niềm tự hào của gia đình, dòng họ.
Nhắc lại những điều kể trên nhằm khẳng định thêm vai trò tích cực của gia đình đã góp phần xây dựng nhân cách tốt đẹp cho thế hệ trẻ. Đồng thời cũng minh chứng rằng nếu nền tảng gia đình lỏng lẻo, cha mẹ ít quan tâm đến con cái thì cũng dẫn đến nhiều hệ quả đáng tiếc. Vụ án giết người kinh hoàng ở tiệm vàng Bắc Giang gần đây là một điển hình. Kẻ thủ ác Lê Văn Luyện sống và lớn lên ở môi trường xem trọng việc buôn bán kiếm tiền, bản thân học hành dở dang, đi làm phụ hồ, rồi nghiện game online dẫn đến nợ nần chồng chất…
Tuy nhiên, ngay cả trường hợp Nguyễn Đức Nghĩa (kẻ gây án mạng xác chết không đầu cách đây hơn một năm) dù là một thanh niên có học thức cao, tốt nghiệp trường đại học thuộc loại danh giá ở Hà Nội, vẫn ra tay một cách tàn độc. Nghĩa không những mê game mà còn là một “cao thủ” game online, cũng nợ nần tứ phía và sau khi sát hại bạn gái, còn đem đồ đạc cầm cố để trả nợ. Suy cho cùng, dù có trình độ học vấn nhưng với bản chất thích hưởng thụ, sống ích kỷ, thiếu lòng nhân, không gắn bó, yêu thương gia đình… nên hậu quả mà Nghĩa tạo ra là chuyện không có gì khó hiểu.
Sẽ không thừa khi nhắc lại nhận định về tình trạng xã hội hiện nay của ông Nguyễn Khoa Điềm, nguyên trưởng Ban Tư tưởng – văn hóa trung ương: “Cái gì làm ra tiền thì đổ xô vào, cái gì không làm ra tiền thì bỏ, ngó lơ… là đang phổ biến”. (báo Lao Động 5-6-2011).
Nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cũng từng nhấn mạnh: “Giáo dục của ta đừng chạy theo thi cử nhiều quá mà quên mất vấn đề cốt lõi: giáo dục nhân cách con người” (báo Giáo Dục Việt Nam). Vì vậy, ươm mầm hướng thiện, lòng nhân ái cho lớp trẻ đang là một đòi hỏi bức thiết, cần sự chung sức chung lòng của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
DUY PHÚC
Áo Trắng số 17 Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Source: Báo Tuổi Trẻ