Sáng 24/10, Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị cho VnExpress.net biết, Hà Nội đang nghiên cứu, nghe thông tin phản biện về đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải về điều chỉnh giờ làm, giờ học chứ không vội vàng thực hiện.> Độc giả nhờ Bộ trưởng Giao thông giải bài toán ‘đón con’
– Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra đề xuất điều chỉnh giờ làm của cơ quan trung ương bắt đầu từ 9h và cơ quan của Hà Nội là 8h30. Xin ông cho biết quan điểm về đề xuất này?
– Hà Nội đang cùng Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu ý kiến này, cần phải nghe thêm thông tin phản biện của xã hội. Và thậm chí là phải có những điều tra xã hội học để xem việc điều chỉnh như vậy được gì, chưa được gì, phần nào lợi hơn, nảy sinh vấn đề gì mới… Và ngay cả nếu điều chỉnh thì ở khu vực nào, lĩnh vực nào chứ cứ nói điều chỉnh thì chưa chắc đã giải quyết một cách có hiệu quả vấn đề.
Nói tóm lại, giải pháp đưa ra phải ước lượng những vấn đề mới phát sinh là gì. Nếu biện pháp đó mang lại lợi ích nhiều hơn thì khó cũng phải quyết tâm thực hiện. Nhưng phần phát sinh đó không cải thiện tình hình thì phải thận trọng. Tôi chỉ có thể nói đấy là đề xuất đang được tiếp tục cân nhắc. Tôi không nói là không nên hay là làm ngay mà tiếp tục nghiên cứu thêm.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị. Ảnh: Tiến Dũng. |
– Theo kế hoạch ngày 25/10, Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo Chính phủ, vậy tiến độ được thực hiện thế nào?
– Nếu đủ căn cứ thì mới trình chứ nếu chưa đủ thì cũng không vội vì Chính phủ yêu cầu quý I/2012 mới trình đề án của Bộ Giao thông. Còn nếu trình được sớm thì càng tốt nhưng nếu thấy chưa vững chắc thì nên có nghiên cứu thêm. Hà Nội cũng chưa quyết định cụ thể mà đang nghiên cứu thêm.
– Như ông từng nói điều chỉnh giờ làm sẽ chỉ góp một phần giảm ùn tắc. Vậy đâu là nguyên nhân khiến giải pháp này chưa đạt hiệu quả như mong muốn?
– Nếu có thì giải pháp điều chỉnh giờ làm cũng góp được một phần nhất định chứ không giải quyết căn bản tình hình ùn tắc. Muốn giải quyết căn bản thì cần có giải pháp phải đồng bộ. Ai cũng hiểu rằng trong giải pháp đồng bộ, ưu tiên số 1 là phải cải thiện, nâng cao chất lượng, tăng cường thêm năng lực hạ tầng giao thông. Bây giờ xe nhiều, người nhiều mà đường ít thì tất cả biện pháp khác chỉ có tính chất tình thế và chỉ giúp giảm thiểu ở mức độ nhất định.
Tiếp đến là những biện pháp về điều tiết các loại hình phương tiện giao thông sao cho hợp lý giữa giao thông công cộng và giao thông cá nhân. Giao thông công cộng hiện có xe buýt nhưng phải tăng cường các phương tiện sắp có như đường sắt trên cao, metro… Điều này nằm trong yêu cầu thứ nhất là tăng cường hạ tầng giao thông.
Thứ nữa, dù chúng ta đã làm rất nhiều, báo chí đóng góp rất nhiều nhưng hiệu quả vẫn chưa tương xứng như mong muốn, đó là ý thức người tham gia giao thông. Thực ra mật độ người và mật độ phương tiện giao thông của Hà Nội so với một số thành phố lớn khác của Thái Lan, Singapore, Hong Kong thì chưa nhiều bằng. Nhưng chúng ta đi lại lộn xộn do ý thức người tham gia giao thông không tốt, do chen lấn, vượt đèn đỏ, leo vỉa hè, chạy không đúng tốc độ… Phải tiếp tục tăng cường biện pháp giáo dục để mọi người thực hiện tốt hơn Luật giao thông. Nếu ai cũng thực hiện tốt luật thì chúng ta có thể đi với tốc độ chậm đều chứ không tắc nghẽn.
Và để hỗ trợ biện pháp này, cần có chế tài đủ mạnh để cưỡng chế, buộc mọi người phải chấp hành, tức là phải nâng mức phạt tương xứng với hậu quả do người vi phạm gây ra. Tắc đường khiến nhiều người chậm một giờ, nhiều giờ mà người vi phạm lại chỉ bị phạt vài chục nghìn thì không tương xứng với hậu quả họ gây ra. Thế nên phải có mức phạt đủ nghiêm. Tất cả phải là những biện pháp đồng bộ và cùng với đó phải tính tới biện pháp điều chỉnh giờ, còn điều chỉnh ở đâu, khu vực nào… phải nghiên cứu kỹ.
Hạ tầng giao thông kém đang khiến nhiều giải pháp giảm ùn tắc giao thông của Hà Nội chỉ mang tính tình thế. Ảnh: Tiến Dũng. |
– Bộ Giao thông đang vận động công chức trong ngành đi xe buýt, Hà Nội có kế hoạch gì để vận động các cán bộ sở ngành sử dụng phương tiện công cộng?
– Hà Nội hiện chưa có chủ trương như vậy. Đưa ra chủ trương gì thì cũng phải xem khả năng thực hiện nó ra sao. Thí dụ, bây giờ tăng số lượng người đi xe buýt là rất tốt và cần thiết nhưng số lượng đầu xe vẫn như hiện nay mà ai cũng tập trung sử dụng thì chưa chắc xe buýt đảm bảo được.
– Hiện nay quan điểm hạn chế phương tiện cá nhân được nhiều người đồng thuận nhưng nhiều ý kiến cho rằng trước tiên nên hạn chế ôtô, sau đó mới hạn chế xe máy. Vậy, quan điểm của ông trong vấn đề này là gì?
– Theo tôi, nói đến hạn chế phương tiện cá nhân thì cả hai cần tiến hành đồng thời. Nhưng đối tượng nên quan tâm nhiều hơn là ôtô cá nhân.
Tại phiên thảo luận tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, ông Phạm Quang Nghị cho biết, trong 9 tháng đầu năm, Hà Nội có thêm 4.000 ôtô cá nhân được đăng ký mới, tức là mỗi tháng thủ đô có thêm gần 500 ôtô. Hà Nội hiện có 440.000 ôtô và 4,5 triệu xe máy, trong khi diện tích dành cho giao thông ở thủ đô chỉ chiếm 8% (mức thông thường là 15%) |
Tiến Dũng
Source: Báo VNExpress