TTO – Tại cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần 7 (2010 – 2011), 76 đề tài xuất sắc trong tổng số 415 đề tài tham dự đã được trao giải với 1 giải đặc biệt, 5 giải nhất, 10 giải nhì, 20 giải ba và 40 giải khuyến khích.
Những sáng tạo học trò
Các đề tài đoạt giải nhì trở lên sẽ được gửi đi tham dự cuộc thi triển lãm sáng tạo trẻ quốc tế tổ chức tại Bangkok, Thái Lan trong tháng 1-2012.
Phan Thanh Thanh (phải) và Nguyễn Văn Thế (lớp 12A1 Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành, TP Kon Tum) – Ảnh: Võ Hoàng Tuấn |
* Phan Thanh Thanh và Nguyễn Văn Thế (lớp 12A1 Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành, TP Kon Tum) – giải đặc biệt:
Khơi dậy lòng yêu sử của học sinh
Với mong muốn truyền cho các bạn học sinh niềm yêu thích lịch sử và thay đổi cái nhìn tiêu cực về game, Thanh Thanh và Văn Thế đã quyết định làm trò chơi điện tử “Vua cờ lau”. Nội dung của game xoay quanh nhân vật Đinh Tiên Hoàng, người có công dẹp loạn 12 sứ quân và sáng lập nên triều đại nhà Đinh.
“Khó khăn lớn nhất của tụi em chính là phần script (kịch bản). Phải viết sao cho ăn khớp và chuyển hóa được thành những đoạn code (mật mã) để tạo một hệ thống game hoàn chỉnh. Tụi em cũng phải chắt chọc các chi tiết lịch sử phù hợp để đưa vào game, vừa đảm bảo tính chuẩn xác về nội dung vừa tạo sự hấp dẫn cho game” – Thanh Thanh chia sẻ.
Những ngày đầu thực hiện phần mềm, Văn Thế và Thanh Thanh nhiều khi phải trốn ra quán Internet làm do bị gia đình phản đối vì tưởng hai bạn mải chơi game, ảnh hưởng đến việc học. Nhiều lúc, cả hai cũng không tránh khỏi những cuộc tranh luận nảy lửa do không thống nhất ý kiến chung nhưng sau khi bình tĩnh lại, hai bạn đã thắng thắn ngồi trao đổi nên mọi việc đã được giải quyết êm xuôi.
Tuy mới chạy thử nghiệm nhưng phần mềm rất được các bạn hàng xóm cũng như trong trường yêu thích. Thanh Thanh và Văn Thế đang ấp ủ dự định viết nhiều game nữa về các nhân vật lịch sử khác của VN để giúp các bạn trẻ thêm yêu và tự hào về truyền thống dân tộc.
* Đỗ Hoàng Giang (lớp 12A2 Trường THPT Ngô Quyền, Hà Nội) – giải nhất:
Robot cứu hộ thông minh
Đỗ Hoàng Giang (giữa – lớp 12A2 Trường THPT Ngô Quyền, Hà Nội) – Ảnh: Võ Hoàng Tuấn |
Hình ảnh trận động đất, sóng thần kinh hoàng xảy ra ở Nhật Bản tháng 3-2011 luôn ám ảnh, thôi thúc Hoàng Giang phải làm điều gì đó để hỗ trợ công tác cứu hộ sau hỏa hoạn, thiên tai. Sau nhiều ngày suy nghĩ, Hoàng Giang đã nảy ra ý tưởng sáng chế “Robot cứu hộ ATX” điều khiển bằng tay, thay thế con người làm công việc nguy hiểm.
Robot được chế tạo từ những nguyên vật liệu rẻ tiền, dễ kiếm như môtơ, ống nhôm, xích xe máy và tấm tôn. Điểm độc đáo của robot chính là động cơ điều khiển hệ thống bánh xích giúp robot di chuyển dễ dàng trên mọi địa hình, thực hiện động tác tiến, lùi, rẽ phải, rẽ trái hay nâng hạ khi leo cầu thang, vượt chướng ngại vật. Với cánh tay chuyển động linh hoạt, robot có thể kẹp, xoay, nhả ngón tay để gắp đồ vật ở nhiều góc độ khác nhau.
Được thầy chủ nhiệm động viên, hai người anh trai đang học về tự động hóa và chế tạo máy hỗ trợ, Hoàng Giang đã hoàn thành sản phẩm, vận hành thành công robot và đang nâng cấp bằng việc gắn thêm camera phía trước đầu robot để có thể dễ dàng điều khiển từ xa cũng như mở rộng phạm vi hoạt động cứu hộ.
* Lê Duy Thái và Đỗ Đức Huy (lớp 12 lý 1 Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, Hà Nội) – giải nhì:
Giải quyết bài toán nước thải sinh hoạt ở nông thôn
Lê Duy Thái ( phải) và Đỗ Đức Huy (lớp 12 lý 1 Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam, Hà Nội) – Ảnh: Võ Hoàng Tuấn |
Qua quan sát thấy người dân sống ở thôn quê rất vất vả trong việc tưới tiêu vườn tược, trong đó việc khan hiếm nguồn nước sạch cũng là đề tài khá thời sự, Duy Thái và Đức Huy đã có sáng kiến làm “Hệ thống tự động tưới cây nhằm tái sử dụng nước thải sinh hoạt ở nông thôn”.
Mô hình gồm hệ thống xử lý nước và hệ thống tưới nước tại vườn. Nước thải sinh hoạt từ vo gạo, rửa mặt, bồn tắm, giặt giũ… được đưa vào bể chứa để lọc cặn bã và xử lý mức ô nhiễm. Máy bơm nước có rơle hẹn giờ để kích hoạt việc bơm nước từ bể chứa đi tưới cây theo hệ thống ống dẫn được lắp đặt sẵn trong vườn. Trước máy bơm còn lắp các van phao có màn chụp nhằm phòng ngừa rác thải trôi theo dòng nước và giúp rơle tự ngắt khi hết nước.
Cả hai đã sáng tạo khi sử dụng chất liệu nhôm làm khung máy để giảm trọng lượng của máy và sử dụng bộ đếm thời gian tuần hoàn giúp hệ thống vận hành tự động, an toàn. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu thêm về công nghệ phun tưới nước và lọc nước nhằm hoàn chỉnh sản phẩm để có thể giới thiệu rộng rãi tới các vùng nông thôn, giúp người dân ứng dụng vào sản xuất.
VÕ HOÀNG TUẤN
Source: Báo Tuổi Trẻ