Sau khi cơ quan chức năng triệt phá đường dây buôn bán thận người sang Trung Quốc, việc mua bán thận ở Việt Nam có vẻ trầm xuống. Nhưng thời gian gần, thị trường mua bán thận”ngầm” lại trỗi dậy.
Rao bán công khai trên mạng và… cổng bệnh viện
Trong vai người có nhu cầu mua thận, phóng viên đã liên lạc với Đào Văn Linh (sinh ngày 1/3/1986) theo số điện thoại 0944xxx824 – một người rao bán thận trên trang muabanraovat.com: “Cần bán thận, nhóm máu O, bán 5.000 USD, giá cả thương lượng”. Vóc dáng gầy gò, Linh bắt đầu trình bày, muốn đi bán thận vì kinh tế gia đình khó khăn.
Bố mẹ và em gái sống ở Cà Mau, Linh ra Hà Nội lập nghiệp, hiện đang làm kỹ sư địa chất ở thủy điện Sơn La. Do chơi cá độ bóng đá bị thua, hiện Linh đang nợ 40 triệu đồng đã đến kỳ trả nợ nên phải đi bán thận. Để chứng thực lời mình nói, Linh còn cho số điện thoại của mẹ để chúng tôi xác minh thông tin. Người mẹ của Linh đã khóc nấc khi nghe tin con mình bán thận.
Trường hợp rao bán thận như Linh không hiếm ở trên mạng. Chỉ cần một cái kích chuột vào Google với thuật ngữ “bán thận gấp” sẽ cho 5.240.000 kết quả.
Thông tin quảng cáo trên mạng, |
Trên trang Yume.vn, một người để tên Hà Vinh Thắng, sinh ngày 24/6/1992, quê Nam Định, hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mất sớm, mê chơi game, nợ 50 triệu đồng nên rao bán quả thận của mình. Tin rao này cập nhật ngày 14/9/2011, có gần 500 người truy cập và comment (trả lời).
Thế mới thấy, thị trường mua bán nội tạng đang sôi động với những người rao bán thận công khai trên Internet hoặc ngay trước cổng bệnh viện. Những lời quảng cáo trên mạng nêu rõ độ tuổi, chiều cao, cân nặng, nhóm máu, tình trạng sức khỏe, giá cả, điện thoại, e-mail liên lạc với vô vàn lý do như cần tiền trả nợ, trang trải học hành, chữa bệnh cho người thân… Thậm chí, người bán thận còn công bố cả kết quả xét nghiệm, cam kết đã tìm hiểu và chấp nhận rủi ro, có giấy tờ đầy đủ và hợp lệ.
Tiếp tục tìm hiểu về hành trình mua bán thận ở bệnh viện Hà Nội, phóng viên tới gặp anh Nguyễn Văn Vinh (Hoàn Kiếm, Hà Nội), vừa mua và thay thận thành công. Trước đây, anh Vinh đã tìm kiếm vài mối bán thận trên mạng nhưng không được vì có mối đòi giá trên… trời:; có kẻ chỉ chơi đùa nói là rao bán gan chứ không phải… thận (?).
Anh kể: “Đầu năm 2011, tôi được người quen – một bác sĩ tại khoa tôi đang chạy thận giới thiệu mối mua thận với giá 200 triệu đồng của một thanh niên người Bắc Giang, khỏe mạnh, cao 1m72, không bệnh tật”. Hầu hết người muốn bán thận đều không trực tiếp rao bán mà phải thông qua môi giới. Họ thường là người đã từng bán thận nay lại trở về quê tìm kiếm nguồn thận cung cấp cho người có nhu cầu mua.
Nhiều kẽ hở
Bác sĩ Nguyễn Cao Luận cho biết, dù luật pháp không cho phép mua bán tạng người nhưng nếu có nhu cầu thật sự người bị suy thận có tiền cũng sẽ tìm mọi cách liên lạc với người có nhu cầu bán thận. Và khi cung đã cầu thì họ sẽ thỏa thuận với nhau để qua mặt các bác sĩ, kiểu như nhận nhau là anh em, bố mẹ nuôi… tình nguyện xin hiến thận, bệnh viện không thể từ chối ghép được.
Ðể lách luật, người mua và người bán thống nhất khai báo để tạo hồ sơ với những mối quan hệ thân nhân giả, hợp pháp hóa các thủ tục hành chính… Việc xác minh hồ sơ cơ bản vẫn chỉ thực hiện về mặt thủ tục hành chính. Anh Nguyễn Văn Vinh cho biết, nếu muốn mua được thận thì phải làm thủ tục chuyển từ mua sang hiến nhưng cũng khá đơn giản.
Đại diện người bán thận (có thể là bố mẹ, vợ con hoặc là người môi giới) ký giấy xác nhận tại bệnh viện là đồng ý cho người thân hiến thận cho người khác. Sau đó, chính quyền địa phương xác nhận… thế là xong. Tiền mua bán trao đổi là thỏa thuận giữa hai bên, sau khi ca mổ thành công.
Trước đây, giao dịch mua bán thận trái phép chỉ cần người bán cùng nhóm máu với người mua. Nhưng hiện nay kỹ thuật ghép thận không cùng nhóm máu cũng đã được thực hiện thành công. Thị trường mua bán thận vì thế lại giảm được những yêu cầu khắt khe vốn từng phụ thuộc rất nhiều vào y học.
Chế tài xử phạt vẫn còn bỏ ngỏ
Cho đến nay, chưa ai bị xử lý hình sự về những hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Mặt khác, rất khó phân biệt hiến thận nhân đạo với mua bán thận giữa những người không cùng huyết thống, bởi người cho và người nhận có thể thỏa thuận ngầm. Bộ luật Hình sự hiện hành không quy định xử lý về hành vi mua bán nội tạng nên chỉ có thể khởi tố các đối tượng đưa người ra nước ngoài bán thận về tội danh “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”.
Ðể khắc phục những bất cập trên, BS Luận đưa ra ý kiến: “Nên chăng chúng ta có chính sách cụ thể, luật hóa về việc cho phép lấy, ghép tạng trong khả năng có thể quản lý, kiểm soát được?”. Còn vấn đề quan trọng hơn cả lúc này là phải tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về ý nghĩa nhân văn của hành động hiến tạng sau khi qua đời (do chết não). Tuyệt đối không vì vật chất mà “chui lủi” tìm cách bán đi một phần nội tạng cơ thể mình, rất nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
Hiện ở Việt Nam có nhiều bệnh viện đã thực hiện tốt kỹ thuật ghép thận. Chi phí cho một ca ghép thận tại bệnh viện trung bình khoảng 250-300 triệu đồng. Sau ghép thận người bệnh phải điều trị bằng thuốc chống thải ghép liên tục, ước tính tốn khoảng 5-7 triệu đồng mỗi tháng. Do đó chỉ có khoảng 15% người suy thận, bệnh thận mạn tính có nhu cầu và điều kiện ghép thận.
TS.BS cao cấp Nguyễn Cao Luận, Trưởng khoa Thận nhân tạo – Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thừa nhận: “Tại khoa, hầu như ngày nào cũng có 3, 4 thanh niên đến đặt vấn đề xin bán thận. Đa phần người đến xin bán thận là người nghèo và lứa tuổi ngày càng trẻ”
Theo Phụ nữ thủ đô
Source: Zing