Gối ôm tròn nhưng cũng có hai mặt

TTCT – Lệ thường cứ sau một biến động xã hội lớn tất sẽ có các hệ quả đi kèm. Sau Thế chiến thứ hai và chiến tranh lạnh, thanh gươm nguyên tử Damocles (1) lơ lửng, con người cần yêu cuồng sống vội. Triết thì có chủ nghĩa hiện sinh, xã hội thì có babyboom (2).

Thế hệ… gối ôm

LTS: Sau lời trần tình của tác giả Kim Duy, một bà mẹ của “thế hệ gối ôm”, TTCT đã nhận được nhiều phản hồi từ những bậc cha mẹ và bạn trẻ khác. Xin trích giới thiệu.

Gối ôm tròn nhưng cũng có hai mặt

Đặc biệt, nước Nhật đã có một thế hệ các trẻ em “không xương sống” mà năm sinh khoảng 1940 trở về sau. Các cô cậu này hưởng tình mẫu tử từ đa số các bà mẹ mất chồng trong chiến tranh nên dồn hết tình thương vào con cái. Hệ quả là họ vừa thừa hưởng thành quả kinh tế của các tráng niên thoát chết sau năm 1945 (dốc sức tái tạo nền kinh tế), vừa thừa hưởng tình mẹ sâu nặng và thiếu sự nghiêm khắc của những người cha.

Về sau lớp người này là nòng cốt của mất phương hướng, karoshi (đột tử do chỉ biết làm việc) hoặc lệch lạc tâm sinh lý.

Xã hội hiện đại của Việt Nam chúng ta hiện nay phản ánh tình trạng và tâm trạng khá tương đồng, mặc dù điều kiện sống chỉ cao ở một bộ phận dân chúng. Và oái oăm thay, xã hội lại cũng vô tình tiếp tay đưa thêm gối ôm cho các trẻ. Hãy nhìn các quảng cáo bột giặt kia, một đứa trẻ mặc áo trắng muốt và lao ra sân sình lầy, sau đó không hề tỏ ra biết lỗi như lứa chúng tôi 1960!

Với cách thức quảng cáo ích kỷ ấy, không trách các em ấy không thể chia sẻ một gam nào cái vất vả của cây cầu dây cáp bắc ngang sông chảy xiết của các bạn đồng trang lứa ở đâu đó không xa Sài Gòn. Chẳng trách những bạn thủ khoa thường là dân tỉnh luôn được bình đẳng với các em gối ôm thị thành nhờ có trang bị “vũ khí khắc khổ”.

Ngày xưa khi chúng tôi đọc đến “An Di con ơi… Từ ngôi trường cùng tột lấp trong ánh tuyết nước Nga cho tới nóc trường hẻo lánh lẩn trong khóm gồi xứ Ả Rập, có tới hàng triệu triệu đứa trẻ cùng học một điều bằng những thể thức khác nhau” (3). Chúng tôi chia sẻ cảm xúc nhân loại, còn ngày nay chắc có lẽ cách chia sẻ khác đi đôi chút?

Về điều kiện sinh hoạt, việc bất chợt cúp điện, cúp nước là một dịp để gia đình thử sống trong một ít thiếu thốn và rèn kiên nhẫn cho các bạn trẻ sống thiếu game, thiếu tivi, máy tính và có thể là điện thoại một thời gian. Những bạn này có khi rất ít khi về một vùng quê thăm những anh em của mình và tự tước của mình một loạt kỹ năng sống, chưa nói đến các thú vui đồng ruộng và tình cảm với thiên nhiên. Cha mẹ săn sóc các bạn 9X bằng gối ôm cũng như cha mẹ ngàn xưa, song sẽ quân bình hơn nếu chỉ ra cho các em những gương vượt chướng ngại vốn cũng không khó tìm ở đâu xa.

Học kỳ chiến sĩ là cần thiết và có thể đạt được bằng một khoảng thời gian, sức lực và tiền bạc, nhưng tinh thần chiến đấu cho các bạn 9X thì cần sự quan tâm có ý thức không chỉ từ các bạn 9X mà còn từ phụ huynh, nhà trường hay những nhà xã hội học đơn lẻ – những người ngày xưa cũng từng vượt gian nan không khác các bạn 9X hôm nay vượt qua cái gối ôm vậy…

Có lẽ ít bậc cha mẹ nào muốn tranh gian khổ kiểu “hồi bằng tuổi con mẹ cấy hai, ba công ruộng mỗi ngày”, vì hôm nay các em có thể chế tạo được những máy cấy năng suất gấp nhiều lần ngày xưa.

Chúng ta trân quý tình cảm của cái gối ôm, nhưng cũng phải đủ tinh thần và sự bao dung để vượt qua những dễ chịu vật chất đó. Cùng nhau xin hãy quý trọng sự cứng rắn của mình và cha mẹ khi rút bỏ các gối ôm – tiện nghi dễ chịu để bước vào đời sống đang chờ đón các 9X học tập, làm việc, tranh biện mạnh mẽ vì đất nước nhé!

TRẦN GIA TÔN

__________

(1): Từ truyền thuyết Hi Lạp, ám chỉ nỗi lo âu luôn thường trực trong cuộc sống của những người nhiều quyền lực.
(2): Ám chỉ thế hệ được sinh ra sau Thế chiến thứ hai, từ năm 1946-1964 ở châu Âu và Bắc Mỹ.
(3):
http://book.ipvnn.com/truyen-dai/tam-hon-cao-thuong/8–hoc-duongthu-sau-ngay-28/.

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.