(Dân trí) – “Học sinh bây giờ manh động lắm. Chỉ khúc mắc một chút xíu thôi là các em đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn” – một thầy giáo phụ trách công tác an ninh trường học đưa ra nhận xét trước tình trạng bạo lực học đường ở Nghệ An tăng nhanh thời gian qua. >> Bạo lực học đường: Đâu là giải pháp? >> Cần nhiều lực lượng góp sức ngăn chặn bạo lực học đường
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Nghệ An, tính từ tháng 9/2009 đến 31/5/2011, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra 93 vụ xích mích, gây gổ, đánh nhau. Trong đó có nhiều vụ việc gây “chấn động” dư luận, thậm chí có những vụ việc gây nên hậu quả nghiêm trọng, trong đó đã có 2 HS tử vong.
Ông Nguyễn Huy Hoàn – Phó Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết: “Tình trạng bạo lực học đường trên địa bàn Nghệ An hiện nay đang ở mức báo động, có nguy cơ tăng về số lượng vụ việc nghiêm trọng. Hiện tượng HS đánh nhau ở một số nơi trong thời gian gần đây đã bộc lộ tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng. Và nguy hiểm hơn là các em tìm cách tự trả thù theo kiểu “xã hội đen”.
Nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn thường không lớn, thậm chí nhiều vụ việc bắt nguồn từ những việc hết sức nhỏ nhặt nhưng để lại những hậu quả hết sức đau lòng.
Năm học 2010-2011, dư luận Nghệ An “phát sốt” bởi 2 vụ bạo lực học đường. Trưa ngày 8/9/2010, em Nguyễn Thị Hà Như (lớp 12A6, Trường THPT Hà Huy Tập, TP Vinh) bị Nguyễn Thị Hương Trà (SN 1993), Nguyễn Thị Ngọc Huyền (SN 1991), Lê Thị Vân Anh (SN 1991) kéo vào đường Tản Đà để hành hung. Sự việc bị một HS Trường THPT Nguyễn Trường Tộ quay clip và tung lên mạng Internet. Nguyên nhân dẫn đến vụ việc trên là do Hà Như có xích mích đánh nhau với bạn của Trà từ năm 2009. Tình cờ gặp lại nhau, Trà đã gọi người kéo đến trường tìm Hà Như để đánh hội đồng “dằn mặt”.
Khi vụ việc chưa kịp lắng xuống thì ngày 11/2/2011, Hoàng Nam Long (lớp 9B, Trường THCS Lê Mao, TP Vinh) đã đuổi đánh em Lê Minh Trí (lớp 7E, Trường THCS Lê Mao) ngay trước cổng trường. Trong lúc đánh nhau Trí bị ngã đập đầu xuống nền đường và bị chấn thương sọ não. Do chấn thương nặng nên em Trí đã tử vong sau một thời gian cấp cứu.
Trước đó, ngày 11/3/2008, Võ Văn Phương (lớp 9B, Trường THCS Đông Sơn, huyện Đô Lương) đã dùng tay đấm vào đầu và bóp cổ khiến em Nguyễn Văn Đông (học cùng lớp) ngất xỉu và tử vong trên đường đi cấp cứu. Nguyên nhân của vụ án mạng này hết sức “lãng xẹt”: chỉ vì Đông không chịu ra sân chơi theo lời rủ của Phương.
Mới đây nhất là vụ 2 nhóm nữ sinh Trường THPT Thái Lão (huyện Hưng Nguyên) đánh nhau vào ngày 27/9. Hai nhóm nữ sinh này đã hẹn nhau giải quyết mâu thuẫn ở cổng trường. Kết quả là 2 nữ sinh bị đình chỉ học 1 năm, 3 HS khác bị đình chỉ học tập 1 tuần và phải thực hiện các buổi lao động công ích trong nhà trường
Một thầy giáo phụ trách công tác an ninh trường học tại một trường cấp 3 ở huyện Hưng Nguyên ngán ngẩm: “HS bây giờ manh động lắm. Chỉ khúc mắc một chút xíu thôi là các em đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn. Có lần hai nhóm học sinh nữ đánh nhau, các đòn đánh cũng chuyên nghiệp như tuyển thủ karatedo, vừa đánh vừa chửi bậy thầy nghe mà cũng nóng cả mặt. Tôi thổi còi cảnh báo, 2 nhóm nữ sinh kia vẫn không chịu dừng, đến khi phải nhảy vào tách mấy em ra mới được. Ấy thế nhưng nếu không giải quyết khéo các em lại hẹn nhau ra… nói chuyện tiếp”.
Khó xử lý
Tình trạng bạo lực học đường đang ở mức báo động thế nhưng các cơ quan có liên quan vẫn đang “loay hoay” tìm giải pháp. Bởi lẽ trong các vụ bạo lực học đường, các em HS đang ở lứa tuổi vị thành niên, do vậy truy tố các em trước pháp luật chỉ thực hiện khi hậu quả xảy ra hết sức nghiêm trọng. Trong các vụ bạo lực chúng tôi “điểm danh” ở trên thì có 2 trường hợp bị đình chỉ học 1 năm, một số em có liên quan bị đình chỉ học 1 tuần, Nguyễn Hoàng Long bị truy cứu trách nhiệm hình sự và Võ Văn Phương bị xử phạt 4 năm tù.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, hình thức kỷ luật cao nhất đối với HS tham gia đánh nhau là đình chỉ học tập 1 năm. Nhưng xem ra hình thức xử phạt này cũng không được các nhà giáo dục tán thành bởi lẽ “đuổi học các em chỉ là biện pháp cuối cùng, quan trọng nhất là làm thế nào để các em nhận thức được đúng đắn hành động của mình. Đuổi học một năm có khi mình sẽ mất luôn một học sinh bởi lẽ không phải HS nào cũng biết ăn năn hối cải. Và người ta bảo “nhàn cư vi bất thiện”, không đến trường, nếu thiếu sự giám sát dạy dỗ của bố mẹ có khi hậu quả càng đau lòng hơn”, ông Trần Văn Đông – hiệu trưởng Trường THPT Thái Lão cho biết.
Để hạn chế một phần và kiểm soát tình trạng bạo lực học đường, Trường THPT Thái Lão đã thuê hẳn một đội ngũ vệ sĩ luôn có mặt trong khuôn viên của trường để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các vụ ẩu đả giữa các em HS. Tuy nhiên biện pháp này cũng chưa thực sự phát huy hiệu quả. Và trên thực tế không phải trường học nào cũng có nguồn kinh phí để thuê vệ sỹ để bảo vệ HS. Mặt khác nếu các vụ đánh nhau xảy ra ngoài khuôn viên trường học đội ngũ này cũng khó can thiệp.
Cần sự chung tay
Các nhà giáo dục đã dày công nghiên cứu và đi đến kết luận bạo lực học đường xuất phát từ nhiều nguyên nhân: đặc điểm tâm, sinh lý; sự thiếu quan tâm, giáo dục của gia đình; áp lực học hành quá lớn, thiếu thời gian thư giãn, vui chơi cho học sinh; tác động xấu của các trò chơi bạo lực và ở một số trường hợp là do nhà trường chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác giáo dục đạo đức học sinh, nhất là học sinh cá biệt.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường gia tăng thế nhưng khi xảy ra vụ việc thì hầu như trách nhiệm đều quy về phía nhà trường.
Trong khi đó, quyền hạn cao nhất của nhà trường là đình chỉ học một năm, nhưng hình thức đó cũng chỉ là “cực chẳng đã” bởi chẳng có thầy cô nào lại muốn HS mình bị đuổi học. Và khi bàn giao các em cho chính quyền địa phương quản lý thì kết quả quản lý như thế nào cũng không thấy báo cáo cho nhà trường. Chỉ khi hết thời hạn đình chỉ, HS đến trường bằng một giấy xác nhận của chính quyền địa phương. Độ chính xác trong xác nhận của chính quyền địa phương đến đâu thì chỉ có người nhà HS và lãnh đạo địa phương biết, tất nhiên không ngoại trừ cơ chế xin – cho.
Rõ ràng, giáo dục học sinh, đặc biệt học sinh cá biệt không thể cứ khoán trắng cho nhà trường. Vai trò của gia đình, xã hội cần được xem xét một cách thấu đáo. Thế nhưng giáo dục, quản lý con em mình như thế nào cho hiệu quả thì các giải pháp đưa ra còn mang nặng tính hình thức và nặng tính sách vở. Khi còn chưa muộn, xin hãy nhìn nhận bạo lực học đường là một vấn đề xã hội cần phải giải quyết. Vai trò của “trục tam giác” gia đình – nhà trường – xã hội cần phải được phân định một cách rõ ràng cụ thể. Để tạo ra một con người tốt, điều kiện tiên quyết và căn bản nhất phải là một môi trường xã hội tốt, môi trường đó nhất thiết phải bắt đầu từ gia đình.
Quang Anh
Source: Báo Dân Trí