TTO – Sẽ cấp phép cho trò chơi trực tuyến nhập khẩu từ nước ngoài, còn trò chơi do doanh nghiệp trong nước xây dựng thì chỉ cần kiểm tra kịch bản và nội dung và sẽ quản lý Internet và trò chơi trực tuyến bằng các biện pháp kỹ thuật.
Không cần cấp phép đại lý Internet?
Đó là ý kiến của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà tại hội nghị góp ý nội dung dự thảo nghị định mới về quản lý Internet do Sở Thông tin – truyền thông TP.HCM tổ chức chiều 24-11.
Nghị định hiện hành cấp trẻ dưới 14 tuổi chơi game online ở dịch vụ nhưng thực tế hoàn toàn khác – Ảnh: T.T.D. |
Cần sự nhất quán trong quản lý
“Đại lý Internet đang bị mang tiếng xấu như ngành nhạy cảm – ông Lê Mạnh Hà nói -Chúng ta đang quản lý Internet như karaoke là không đúng vì Internet thật ra rất tốt”. Chính vì vậy, ông Hà cho rằng cần phải tuyên truyền nhiều hơn về các mặt tích cực của Internet và đề nghị không cần cấp phép cho đại lý Internet mà chỉ cần đăng ký kinh doanh. Riêng với game online thì vẫn phải cấp phép vì đây là ngành kinh doanh có điều kiện. |
Nhận xét về dự thảo nghị định mới về quản lý Internet, ông Lê Hồng Minh, chủ tịch Công ty cổ phần tập đoàn Vina (VNG), cho rằng 70% nội dung của nghị định tập trung vào vấn đề quản lý game online, mạng xã hội, trang tin điện tử, còn các nội dung khác như chính sách phát triển băng thông rộng, an toàn thông tin… gần như không đề cập.
Theo ông Minh, với chính sách quản lý hiện nay, doanh nghiệp trong nước cung cấp dịch vụ nội dung số gặp những khó khăn như phải được cấp phép, phải xóa tin và quản lý nội dung thông tin trên hệ thống mạng xã hội, trang tin do mình quản lý, điều này đã tạo ra sự thiệt thòi so với các doanh nghiệp nước ngoài đang cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.
Ông Lâm Vũ Đức, trưởng Phòng văn hóa thông tin quận Thủ Đức, cho biết nghị định hiện hành cấp trẻ dưới 14 tuổi chơi game online ở dịch vụ nhưng thực tế số lượng học sinh ở độ tuổi này bỏ học do game online còn khá đông. Ông Đức cho biết hằng tuần quận và phường có đi kiểm tra đại lý nhưng chỉ được 1 lần/tuần và tối đa năm địa điểm trong khi số lượng đại lý trên địa bàn rất lớn.
Theo ông Đức, một số đại lý vẫn làm ngơ cho khách chơi các trò đã bị sở cấm. Bên cạnh đó, còn một thực tế là TP.HCM cấm trò chơi Đột kích và Thần tốc vì nội dung bạo lực nhưng Bình Dương lại không cấm, mà Thủ Đức và Bình Dương lại giáp ranh nhau, hai đại lý game ở sát nhau nhưng một bên cấm còn bên kia lại không nên cơ quan chức năng cũng gặp khó khăn khi xử lý. Ông Đức cho rằng nghị định mới phải làm sao đảm bảo cho xã hội phát triển hài hòa và bền vững.
Cần trò chơi mang tính giáo dục
Đại diện Sở Giáo dục – đào tạo TP.HCM đề nghị phải cấm từ nguồn các trò chơi, truyện tranh, phim ảnh có nội dung bạo lực, tránh việc cấp phép ra rồi mới đi kiểm tra.
Đại biểu này đề nghị phải quy định chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc việc cấm trẻ em đến đại lý Internet sau 20g và ngưng trò chơi trực tuyến sau 23g để tránh ảnh hưởng sức khỏe trẻ em. Mặt khác, các đại lý cũng phải treo các poster tuyên truyền tác hại của các trò chơi không lành mạnh. Ngoài ra cũng phải có cơ chế chính sách nghiên cứu phát triển khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các trò chơi mang tính giáo dục.
Ông Trương Hà Quang, chuyên viên Phòng văn hóa thông tin quận Tân Bình, cảnh báo ngôn ngữ trong các trò chơi trực tuyến hiện nay rất thiếu văn hóa và đó cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến xô xát ngoài đời. Ông Quang thắc mắc không biết đơn vị quản lý game có xử lý, cắt tài khoản của người chơi nào vì thiếu văn hóa trong game hay chưa?
Ông Lê Mạnh Hà cho rằng quan điểm của Sở Thông tin – truyền thông TP.HCM rất rõ ràng: đó là bảo vệ trẻ em và khuyến khích các doanh nghiệp trong nước phát triển. TP.HCM đang đi đầu trong việc ngăn chặn cái xấu trên môi trường Internet, nhưng Bộ Thông tin và truyền thông phải thống nhất trên cả nước cách quản lý dịch vụ Internet, thông tin trên mạng và trò chơi trực tuyến, nếu không rất dễ dẫn đến tình trạng TP.HCM làm riêng theo cách của mình.
HỒNG NHUNG
Source: Báo Tuổi Trẻ