Những chiêu độc “câu” nhân tài của doanh nghiệp Việt

Để thu hút và tuyển dụng được nhân tài, nhiều doanh nghiệp đã có những chiêu rất độc đáo.

Nhiều doanh nghiệp sử dụng chiêu “độc” để tìm kiếm nhân tài. (Ảnh minh họa)
 
Một thương hiệu bia nổi tiếng đang được ưa chuộng tại Việt Nam trong lần hợp tác với một đơn vị đào tạo, tuyển dụng nhân sự tại TP HCM để tuyển PG (promotion girl) bán bia, sau vòng nộp ảnh và hồ sơ, các ứng viên được lựa chọn để gọi đi phỏng vấn. Tất cả hơn 20 ứng viên được nhân viên mời vào một phòng và ngồi đợi ban tuyển dụng gọi từng người vào phỏng vấn.

 

Đợi hơn hai giờ đồng hồ mà vẫn không thấy người nào được gọi đi, ứng viên thì có người ngồi buồn thiu, có người mang điện thoại ra nhắn tin, chơi game, có những nhóm lại trò chuyện rôm rả… Một lúc lâu sau, bỗng có một nhân viên thông báo, mọi người có thể về được rồi, công ty sẽ gọi điện cho những ai đạt yêu cầu để đi làm. Mọi người mắt tròn mắt dẹt nhìn nhau không hiểu tại sao.

 

Thành viên happysmile của diễn đàn Học hỏi cộng đồng – thành công sự nghiệp Motibee cũng là một trong những ứng viên tại buổi tuyển dụng đó. Lúc đó, chị còn là sinh viên, khi công ty kia thông báo đến dự phỏng vấn mà không phỏng vấn gì, cũng không giải thích lý do tại sao thì chị cũng như nhiều ứng viên khác rất bực mình. Sau đó, chị không nhận được điện thoại thông báo trúng tuyển của công ty, nhưng cô bạn đi cùng chị lại trúng tuyển.

 

“Sau này mình mới biết, đó cũng là 1 cách phỏng vấn để lựa chọn những ứng viên thực sự có kỹ năng giao tiếp tốt, có tính chủ động cao để có thể bán bia được. Thực ra, trong đám PG hơn 20 người, họ có cài vào đó 1 người đóng vai người tìm việc, làm nhiệm vụ quan sát những ứng viên khác xem ai là người tự tin, chủ động trò chuyện, ai là người rụt rè, thụ động. Và đó là lý do mình không được tuyển, vì hôm ấy mình đạp xe gần 1 tiếng đồng hồ đến công ty nên mệt quá, chỉ ngồi một góc, không nói chuyện với ai”, thành viên này chia sẻ.

 

Lật lại các trang “sử ký” của FPT, vẫn còn đọng lại những câu chuyện hết sức thú vị về phỏng vấn tuyển dụng, thể hiện cách nhìn người vô cùng độc đáo và không máy móc của lãnh đạo công ty này.

 

Nguyễn Phi Cường đến xin việc tại FSoft, anh được hẹn gặp với Giám đốc Nguyễn Thành Nam vào 8h30 phút.

 

– Em ăn sáng chưa?

 

– Dạ em ăn sáng rồi (Phỏng vấn xin việc thì có liên quan gì đến ăn sáng? Cường tự hỏi).

 

– Anh đã ăn sáng quái đâu, thôi xuống đây ăn thêm một cái gì nữa nhé.

 

Vừa nhá bánh ga tô, vị giám đốc vừa hỏi:

 

– Em đã viết phần mềm gì chưa? Bằng văn phòng à? Cái đó ở đây không xài. Thế em có biết Java không? Mới học à? Chỗ bọn anh đang rất cần người giỏi về VC++. Thôi tóm lại thế này nhé, bây giờ em về học thêm tiếng Anh và VC++, khi nào thấy khá thì gọi cho anh.

 

Vừa nói anh vừa móc túi đưa cho Cường chiếc name card. Gần Tết, công việc bận túi bụi, nhưng Cường cũng cố dành thời gian để học Java với VC++. Ra Giêng, Cường nhớ đến Giám đốc Nam và viết cho anh vài dòng báo cáo về tình hình học tập cái Java và VC++ “chết tiệt” kia. Ngay lập tức, Cường nhận được hồi âm của anh và có mặt tại HITC để gặp.

 

– Xin chào, chú khoẻ chứ? “Ngon” rồi hả? Đầu tháng sau tới làm việc nhé!

 

Thế là Cường được nhận vào làm việc tại FPT, tất nhiên ai cũng biết không phải chỉ nhờ mấy câu trả lời trên, mà có lẽ vị giám đốc đã nhìn ra được tố chất của ứng viên khi ăn sáng, trò chuyện thân mật cùng với họ. Và câu chuyện phỏng vấn xin việc tại đây luôn là một kỷ niệm thú vị mà có lẽ Cường sẽ nhớ mãi.

 

Trong quá trình tuyển dụng nhân tài, vòng phỏng vấn được nhiều công ty, tập đoàn lớn coi trọng. Đây thường là vòng quyết định xem ai sẽ là người giỏi nhất, phù hợp nhất với vị trí cần tuyển. Vì vậy mà các công ty đầu tư rất nhiều chất xám để đưa ra những câu hỏi độc, bất ngờ để thử sự tư duy, trí thông minh, kỹ năng ứng xử tình huống của các ứng viên. Thậm chí có đơn vị còn mời cả chuyên gia phân tích về nhân sự dự cuộc phỏng vấn và “đối chất” với ứng viên. Những câu hỏi ấy nhiều khi hết sức “độc chiêu”, biến “kẻ thông minh một đời thành hồ đồ một phút”.

 

Anh Long, hiện làm trưởng phòng marketing cho một công ty về sản xuất và kinh doanh hàng tiêu dùng nhanh tại Hà Nội kể, khi đi phỏng vấn tại đây, lúc vừa bước vào phòng giám đốc, anh rất ngạc nhiên khi thấy vị lãnh đạo lịch lãm lại tiếp ứng viên với 1 đĩa bánh mỳ và 1 lát bơ trên bàn. Không lẽ ông đang tranh thủ ăn sáng, anh Long tự hỏi.

 

Anh vừa ngồi xuống ghế, vị giám đốc liền lấy con dao phết vào bơ rồi lên tiếng hỏi: “Theo anh, nếu tôi phi con dao này xuống đất thì mặt nào sẽ tiếp xúc với đất, mặt dính bơ hay không dính bơ?”. Quá bất ngờ với câu hỏi có vẻ ngoài lề này, nhưng anh Long vẫn phản ứng kịp thời: “Thưa anh, mặt không có bơ”. “Vì sao?”. “Vì mặt không có bơ mà tiếp xúc với đất thì khi cầm con dao lên, trông nó sẽ sạch hơn là cho mặt có bơ tiếp xúc với đất, vì bơ là chất dính nên nếu tiếp xúc đất sẽ rất bẩn. Do vậy, tôi sẽ phi dao thế nào để mặt không có bơ tiếp đất”.

 

Và sau một loạt câu hỏi gây bất ngờ tương tự khác, anh Long đã được vị giám đốc này nhận vào vị trí trưởng phòng marketing. Anh Long nghiệm ra rằng, với những kiểu câu hỏi này, không có đáp án đúng sai, quan trọng là mình đưa ra được ý kiến của mình và có những lý lẽ hay bảo vệ cho ý kiến ấy. Những câu hỏi trên cũng gợi lên được sự sáng tạo, phản ứng nhanh nhạy, tư duy kết nối, logic…, những yếu tố rất cần thiết của một người làm marketing, quảng cáo.

 

Có lẽ nhiều người còn nhớ mẫu đăng thông tin quảng cáo tuyển dụng nhân sự gây sốc của nhà tuyển dụng LawSoft (Thư viện Pháp luật) hồi cuối năm ngoái, trên trang vietnamwork và nhiều website khác. Mẫu tin này đưa ra 12 tiêu chí cho vị trí trợ lý phụ trách nhân sự và đối nội hỗ trợ cho Giám đốc. Các tiêu chí này được liệt kê ra như một bài thơ ngũ tuyệt: Có trí nhớ hơn người; Nghe nói qua là hiểu; Diễn đạt ngắn dễ hiểu; Viết ít từ, rõ nghĩa; Kiến thức xã hội rộng; Không vị tình, vụ lợi; Không mị dưới, dối trên; Không quên công, quên phạt; Lòng luôn đắc nhân tâm; Sẵn sàng thiệt phần mình. Đặc biệt phải kể đến 2 tiêu chí cuối cùng: Không được là phật sống và uống tệ cũng 7 chai.

 

Mẫu tin đăng còn giải thích cho tiêu chí lạ đời này: “Đạt từ yếu tố 1 – 5 là nhân tài; Từ 6 – 10 là hiền nhân. Nếu đạt tất cả, có thể nói là Thánh Sống. Còn yếu tố 11 thì phủ định lại. Nghĩa là có thể ăn thịt uống bia được. Thấy có lý nên mình thêm vào nội dung này để làm rõ là công ty không tuyển Phật Sống hay Thánh Sống”.

 

Nhiều người đùa vui rằng, đúng là một mẫu tin rất dí dỏm nhưng lại có thể chọn được hiền tài. Ai mà tự thấy mình đáp ứng được đủ các tiêu chí trên thì có lẽ công ty không cần phải tốn thời gian phỏng vấn nữa.

 

Tuyển dụng nhân sự là một trong những công tác rất quan trọng của doanh nghiệp. Vì nguồn lực con người là nguồn lực quyết định đến sự thành công, nên doanh nghiệp thường tuyển dụng khắt khe để có được những ứng viên tốt nhất. Tuy nhiên, chiêu mộ nhân tài chỉ có thể khi người tuyển dụng cũng là một nhân tài trong cách nhìn người trên tổng thể các phương diện.

 

Theo Đông Nhiên
Báo Đất Việt

Source: Báo Dân Trí

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.