Cái giá của sự nuông chiều

Khi chúng tôi cưới nhau, tôi mới 19 tuổi; còn anh thì 25. Cưới nhau được 1 năm, mẹ chồng tôi giục: “Tụi bây coi thu xếp công chuyện làm ăn để đẻ cho má một thằng cháu nội hủ hỉ cho vui cửa vui nhà”.

Chồng tôi gạt đi: “Tụi con còn trẻ mà má. Với lại công chuyện làm ăn đang thuận lợi, bỏ uổng lắm”. Nhưng bà cụ vẫn khăng khăng: “Ai biểu tụi bây đóng cửa tiệm để đẻ đâu? Cứ mần ăn, buôn bán, chừng nào gần đẻ thì mướn người coi hàng”. Nghe mẹ nói, anh cũng xiêu lòng. Nhưng tôi kiên quyết: “Đẻ con thì lúc nào cũng đẻ được; còn làm ăn thì có lúc, có khi…”.

 

Tranh cãi mãi cũng chán, anh đành chiều theo ý vợ. Anh nói dối mẹ là tôi bị “trục trặc”, phải chữa trị một thời gian. Cứ thế, mẹ anh mòn mỏi chờ cháu nội, còn vợ chồng tôi, cứ vài tháng lại đi Sài Gòn, nói dối mẹ là lên Bệnh viện Từ Dũ trị bệnh. Thật ra, chúng tôi đang tính chuyện chuyển lên Sài Gòn sinh sống. Công việc làm ăn cứ cuốn đi như thế.

 

Đến lúc giật mình nhìn lại thì mái tóc tôi đã lấm tấm vài sợi bạc. Tôi chợt nhớ mình đã ngoài 35 tuổi. “Mấy tháng nay, em không uống thuốc ngừa thai, sao vẫn… chẳng thấy gì?” – một bữa, tôi bảo anh. “Bây giờ khoa học tiến bộ, nếu cần thì mình làm thụ tinh nhân tạo…”, chồng tôi trấn an.

 

Chờ thêm một thời gian nữa vẫn chẳng thấy gì, chúng tôi quyết định đưa nhau đến Bệnh viện Từ Dũ. Bắt đầu những ngày chữa trị tốn kém với đủ các thủ thuật, nhưng kết quả vẫn chỉ là một con số không! Khi thấy tuổi mình đã ngoài bốn mươi, tôi bảo anh: “Thôi, không có con cũng không sao anh à”.

 

Nói vậy chứ mỗi khi nhìn con người ta, hai vợ chồng lại thấy mủi lòng. Riêng anh lại mang nặng cảm giác có lỗi với mẹ. Lúc sắp mất, bà cụ kêu anh đến gần: “Không có con cũng là số kiếp. Nhưng đúng là má vô phúc nên không có cháu nội ẳm bồng… Nhưng không có con thì thôi, đừng xin con nuôi làm gì…”. Chỉ nói được vậy rồi bà ra đi.

 

Sau ngày bà cụ mất, chồng tôi lại tự dằn vặt: Giàu có mà làm gì? Tiền bạc mà làm gì? Con người ta sống trên đời, ăn chừng ấy; ngủ cũng chừng ấy; vui chơi nhiều quá cũng chán chê; lúc chết có mang tiền theo được đâu mà cực khổ làm gì?

 

Cứ nghĩ quẩn như thế rồi chúng tôi làm trái lời mẹ. Anh theo người quen vào bệnh viện, đem một bé gái bị bỏ rơi về. Anh đặt nó tên “Hiếu Thảo” với mong ước lớn lên nó sẽ ngoan hiền như cái tên ấy…

 

Không ngờ, từ khi có nó, anh đã hoàn toàn thay đổi. Nửa đêm nó giật mình, anh cũng thức giấc; trái gió trở trời, nó đau bệnh, anh cũng vật vờ… Rồi nó gọi “ba…ba…” khiến anh cười vui như một đứa trẻ… Tôi cũng thương con bé như con ruột của mình. Bất cứ điều gì nó muốn, nó đòi thì dù là trái khoáy, dù là khó khăn chúng tôi cũng làm cho bằng được.

 

Tôi đâu ngờ, chính sự yêu thương, nuông chìu ấy đã đẩy con bé vào những thói hư tật xấu. Mới 8 tuổi, nó đã biết đòi sắm “xe xịn”: “Ba không mua xe đẹp, con không đi chơi với ba”. Vậy là mua xe. Năm 9 tuổi, nói đòi tổ chức sinh nhật ở nhà hàng lớn để mời hết bạn bè. Mười tuổi, nó trốn học đi chơi trò chơi điện tử… Nhiều vị phụ huynh bắt gặp đã nói lại nhưng anh bảo tôi: “Tại họ ghen ăn, tức ở… Biết đâu con họ rủ rê, bày đặt cho con mình?”.

 

Tôi cũng nghĩ vậy. Chúng tôi cho rằng, Hiếu Thảo còn nhỏ, từ từ rồi sẽ dạy. Đôi khi anh cũng muốn rầy con, nhưng mỗi lần như vậy, nó lại nhào tới ôm cổ anh, hôn chùn chụt lên má. Thế là, chẳng có một lời la mắng nào được thốt ra…
 
 

Hậu quả của sự yêu chiều ấy là năm 14 tuổi, con bé trốn nhà theo cậu bạn học cùng trường ra tận Vũng Tàu. Rất giận con nhưng khi đem được nó về, chúng tôi chẳng dám rầy la vì sợ nó lại bỏ đi. Chính điều này đã khiến con bé ngày càng ngỗ ngược. Nó muốn đi đâu, làm gì không hề xin phép; hỏi tới thì nó nạt nộ. Có lần tôi thấy con ra khỏi nhà với bộ quần áo quá hở hang, vừa nhắc con thì nó đã nạt: “Im đi, nói hoài nghe mệt quá!”.

 

Tôi thật sự quá mỏi mệt và nhiều lúc đã ân hận vì việc xin con nuôi của mình. Cho đến một bữa nọ, nó không chịu đi học: “Con không học nữa”. Anh dỗ dành con: “Ráng học đi rồi muốn gì ba mẹ cũng cho”. Nhưng nó nhất quyết nghỉ học. Không kềm chế được, tôi rút cây chổi lông gà, quất tới tấp vào người con bé và hét lên: “Mày đi đâu thì đi cho khuất mắt, đừng có bén mảng về đây”.

 

Con bé lầm lì nhìn mẹ. Nửa năm sau, trước ngày sinh nhật thứ 16, nó bỏ nhà đi thật. Nó còn lấy đi toàn bộ nữ trang mà tôi đã sắm sửa bao nhiêu năm nay. Tôi tức điên người: “Đã bảo đừng có xin con nuôi mà không nghe. Đồ tanh máu, lạt lòng…”. Anh cũng rất giận nhưng vẫn thương con nên nhờ người đi tìm. Mãi đến 5 tháng sau, mới tìm được nó về.

 

Nỗi mừng chưa được bao lâu thì một ngày nọ, chị giúp việc bỗng nhỏ to: “Cô à, tôi thấy con Thảo lạ lắm. Hình như… hình như là… nó… có… có…”. Thấy chị ta ngập ngừng, tôi nạt: “Chị nói mau lên coi”. “Tôi thấy hình như nó… có chửa… ”. Hai tai lùng bùng, tôi chạy lên phòng con, nó vẫn còn ngủ mê mệt…

 

Chưa tin và 2 cái vạch đỏ trên que thử thai, tôi dẫn con vào bệnh viện khám. Đúng là nó có thai đã 20 tuần. Tôi đổ gục trong nỗi nhục nhã ê chề. Con tôi hư rồi…

 

Nhưng càng nghĩ, tôi càng thấm thía vì sao người đời định kiến con nuôi là những đứa trẻ “phá gia chi tử”. Vị bác sĩ phụ sản bảo tôi: “Phần đông, người ta hiếm muộn nên mới xin con nuôi. Đã không có con nên khi mang đứa trẻ về, người ta xem nó như một báu vật, chỉ “nuôi” mà không “dạy” chứ các cháu chẳng có lỗi…”.

 

Chúng tôi cũng đã nhận ra điều đó trong chính cách cư xử của mình. Nhưng trước mắt, phải giải quyết cái thai thế nào đây? Con bé chưa đầy 17 tuổi, làm sao nó có thể làm mẹ trong khi có người đã gần 60 tuổi đời mà vẫn không biết làm mẹ như tôi?

  

Theo Bích Liên

NLĐ

Source: Báo Dân Trí

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.