Chia đôi… con

TT – Đứa trẻ trả lời tòa rằng em muốn ở với cả cha lẫn mẹ. Hỏi lần thứ hai, em vẫn nói thế trong nước mắt và cho dù có hỏi thật nhiều lần, chắc em vẫn sẽ không có câu trả lời nào khác.

Chia đôi… con

Thế nhưng mong muốn rất tự nhiên của em, và nhiều trẻ em khác, đã bị người lớn tước đoạt.

Phiên sơ thẩm tại TAND Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ vào một ngày cuối tháng 6. Người chồng ngồi dãy ghế bên phải, người vợ ngồi băng ghế đầu bên trái, phía dưới cách đó vài hàng ghế là đứa con của họ ngồi với bà ngoại.

Họ đồng ý ly hôn nhưng chuyện nuôi con và tài sản chung thì bất đồng ý kiến. Cả hai đều có nguyện vọng trực tiếp nuôi dưỡng con trai gần 4 tuổi.

Người chồng trình bày: “Mỗi tháng tôi kiếm khoảng 10 triệu đồng từ quán cà phê. Mong tòa giao cho tôi nuôi. Vả lại tại cô ấy quấy trước khi cả năm nay tự ý bỏ về nhà mẹ ruột ở”.

Vợ cũng dứt khoát: “Thu nhập của tôi từ tiệm cơm cũng được 5 triệu đồng, đủ cho hai mẹ con sống. Tôi buôn bán chỉ có buổi sáng nên đủ thời gian chăm sóc, dạy dỗ thằng bé. Vả lại sau khi ly hôn, ảnh sẽ tái hôn, tôi không muốn con mình sống với mẹ kế. Khác máu sẽ lạnh lòng”.

Con đã quên cha

Đối với căn nhà, chồng cho rằng tiền mình bỏ ra nhiều hơn nên phải hưởng 4/5 trị giá căn nhà. Vợ nói do chỉ buôn bán một buổi, một buổi ở nhà lo chuyện bếp núc nên số tiền chị góp vào ít hơn là tất nhiên. Tuy nhiên, theo chị, chuyện nội trợ, chăm con cực không thua gì kiếm tiền, vì vậy chị yêu cầu được chia đôi căn nhà.

Rồi bất ngờ người phụ nữ bật khóc rằng thật ra chồng muốn dùng con để đổi chác. Cả năm nay chồng không đến thăm con, giờ thằng bé cũng quên mặt cha. Giọng người phụ nữ run run: “Ảnh bảo tôi nếu giao toàn bộ căn nhà cho ảnh thì ảnh sẽ giao con cho tôi nuôi. Còn nếu không bằng mọi giá giành quyền nuôi con. Tôi không chịu bởi không muốn đem con ra trao đổi lấy tài sản”.

Tòa không hỏi thêm và người chồng cũng không nói gì thêm.

Giờ nghị án. Người mẹ đến chỗ bà ngoại ngồi. Chị ôm hôn con, nước mắt vòng quanh ướt mặt con. Thằng bé ngồi được một chút, tụt xuống ghế chạy loanh quanh vô tình gần đến chỗ cha. Người đàn ông định nắm lấy tay con nhưng đứa trẻ rụt tay lại.

Nhìn thoáng qua cũng thấy đứa trẻ mang đầy nét của cha. Từ làn môi dày đến sống mũi cao, lông mày rậm, trừ đôi mắt: không nhỏ, một mí giống cha mà to, hai mí như mắt mẹ. Cả hai nhìn nhau. Người cha nhìn con cười khiến đôi mắt một mí nhỏ lại.

Đứa con tròn xoe mắt nhìn cha khiến đôi mắt càng to thêm rồi chu miệng: “Chú là người xấu, hồi nãy chú cãi lộn với mẹ cháu”. Nói xong, đứa bé chạy đến chỗ mẹ và bà. Con đã quên cha, đúng như lời người mẹ trình bày với tòa.

Tòa tuyên mẹ được quyền nuôi con, cha có nghĩa vụ cấp dưỡng. Còn căn nhà trị giá 400 triệu đồng thì chia đôi. Phiên tòa kết thúc. Đứa con theo mẹ và bà ra về. Người cha từ phía sau vượt lên. Những bước chân vội vã, nện xuống nền ximăng của người đàn ông giẫm mạnh lên bóng con mình. Rồi bóng người cha dần mất hút khỏi tầm nhìn của con…

Tay mẹ, tay cha

Phiên tòa sơ thẩm một ngày đầu tháng 10 tại TAND Q.Ninh Kiều. Họ chia nhau tài sản và cả đứa con trai duy nhất. Cả hai đều muốn con ở với mình nên ai cũng cố đưa ra lý lẽ thuyết phục hội đồng xét xử. Chồng cho rằng kinh tế mình rất vững, cộng thêm con trai là cháu đích tôn nên bên nội quan tâm, bà nội sống chung sẵn sàng chăm sóc, nuôi dưỡng cháu. Vợ trình bày mình cũng thu nhập ổn định lại làm giờ hành chính nên rất thuận lợi trong việc dạy dỗ con.

Rồi dần dần cuộc tranh luận nặng nề hơn. Giọng người vợ bức xúc: “Thưa tòa, gần đây ảnh thường cho tiền xúi con đi chơi game hoặc con muốn gì chiều nấy. Mỗi lần như vậy, ảnh dạy con là khi ra tòa có ai hỏi con sống với ai thì con nói ở với cha”. Chồng liền cự lại: “Cô có tốt lành gì, cứ nhét vào đầu con những ý nghĩ xấu về tôi…”.

Chủ tọa cắt ngang: “Cháu rất đau buồn về cuộc ly hôn này và không biết tương lai mình về đâu. Vì vậy mong anh chị hãy nghĩ đến cảm giác của con mình. Đừng nghĩ rằng con sẽ được lợi nhiều nhất khi ở với mình chứ không phải ở với người kia mà có những hành động, lời lẽ xúc phạm nhau, đồng thời gây hại đến con”.

Rồi chủ tọa ôn tồn hỏi đứa con: “Cháu muốn sống với cha hay mẹ?”. Đứa trẻ trả lời giọng yếu ớt run run theo nhịp thở: “Dạ… cháu… muốn sống với… mẹ và cha”. Chủ tọa nhỏ nhẹ: “Nếu chỉ chọn một trong hai người thì cháu theo mẹ hay theo cha?”. Đứa trẻ im lặng. Cái im lặng đè trĩu không khí. Chủ tọa nhắc lại lần nữa. Bé quay nhìn mẹ rồi quay sang nhìn cha.

Một khoảng lặng nghẹt thở lan khắp phòng xử. Nước mắt tràn trên gò má, cậu con trai sụt sịt: “Con muốn sống… với mẹ và cha…”. Nói đến đây, dường như quá sức chịu đựng, đứa trẻ òa lên nức nở, nước mắt ào ạt tuôn khiến cha mẹ luống cuống…

Tòa tạm dừng để hai đương sự hội ý. Cha và mẹ ngồi hai bên. Đứa bé ngồi giữa, một bàn tay nắm chặt bàn tay cha, một bàn tay nắm chặt bàn tay mẹ. Có lẽ cái nắm tay khiến em cảm thấy được ủ ấm che chở nên dần ngưng khóc. Và có lẽ chính thái độ của đứa trẻ khiến cha mẹ chịu ngồi lại với nhau…

Tòa tuyên theo sự thỏa thuận của cha mẹ, đứa trẻ sẽ có hai tổ ấm đi về. Học kỳ một sẽ ở với cha, học kỳ hai ở với mẹ. Họ ký tên vào văn bản, mỗi người nhận nửa tuổi thơ của con mình. Khi ra bãi xe, đứa trẻ lại phải tiếp tục lựa chọn: lên xe mẹ hoặc xe cha. Ngần ngừ một chút, em lên xe mẹ. Giữa xe mẹ và xe cha là khoảng cách. Và khoảng cách ngày càng giãn dài giữa dòng xe cộ dày đặc…

Tự thỏa thuận quyền nuôi con

Về nguyên tắc khi ly hôn, vợ chồng tự thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con. Nếu không thể thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con.

Theo đó ai có điều kiện tốt nhất để trẻ phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần, đạo đức và trí tuệ sẽ được trực tiếp nuôi con.

Trường hợp con từ đủ 9 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con, tuy nhiên trên thực tế việc hỏi ý kiến trẻ là cơ sở tham khảo chứ không phải lấy đó làm quyết định cuối cùng. Con dưới 3 tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu không có thỏa thuận khác. Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.

Phần tài sản chung, về nguyên tắc thường được chia đôi nhưng có xem xét công sức đóng góp của mỗi bên. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi là lao động có thu nhập…

Bà Nguyễn Thị Cẩm Hồng (phó chánh án TAND Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ)

MINH TÂM

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.