Nhắc đến môn thể thao chơi golf ở Việt Nam nhiều người không khỏi bất ngờ khi hiện nay nhiều bậc phụ huynh sẵn sàng bỏ khoản tiền không nhỏ cho con em theo học. Họ lý giải cho thú tiêu tiền “khủng” này là để giúp cho con em họ rèn luyện sự bền bỉ và tính kiên nhẫn.
Chi tiền khủng để “tầm sư học đạo”
Một đứa trẻ muốn đi học chơi golf các bậc phụ huynh phải chi không dưới vài chục triệu đồng. Bởi golf không những là môn thể thao kén người chơi mà nó còn có đòi hỏi khắt khe về dụng cụ cho người chơi. Bất cứ một ai muốn cho con được vào sân golf và được thử sức với môn thể thao quý tộc này chắc chắn không phải là những bậc phụ huynh thu nhập dưới vài chục triệu đồng một tháng.
Tham khảo giá bán của cửa hàng Tuyết Nhung ở phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội thì các bộ dụng cụ để chơi golf bao gồm khá nhiều vật dụng. Một cây gậy đánh golf của hãng Taylormade có giá mềm nhất cũng hơn 7 triệu đồng. Tính trung bình tổng chi phí cho gậy, túi đựng gậy, găng tay, kính, mũ để có thể ra sân không dưới chục triệu đồng.
Chủ một cửa hàng bán các dụng cụ thể thao trên phố Trịnh Hoài Đức, Hà Nội cho biết, golf có những đòi hỏi riêng đối với các vật dụng phục vụ thú chơi này, từ gậy chơi, bóng golf đến trang phục ra sân như giày, mũ, kính. Bộ đồ nghề đơn giản gồm một bộ gậy golf (6 cây), túi golf, găng tay, banh… giá thấp nhất cũng khoảng 10 triệu đồng. Còn nếu sắm đủ một bộ gậy golf (13 cây) thì số tiền chắc chắn là không dưới chục triệu đồng. Khoản tiền đầu tư cho dụng cụ này ít hay nhiều còn tùy vào các thương hiệu sản xuất.
Trẻ em học chơi golf – (ảnh minh họa) |
Các bậc phụ huynh khi mua gậy chơi golf cho trẻ thường phải lưu tâm về độ dài, trọng lượng, độ mềm và kích cỡ của gậy. Anh này cũng bật mí rằng, không phải cha mẹ nào đi mua gậy golf cho con cũng có hiểu biết về chúng. Vì có phụ huynh chưa từng được sờ đến gậy đánh golf và cũng chưa một lần được bước vào sân chơi. Nhưng họ lại rất chịu đầu tư cho con mình.
Số tiền khoảng chục triệu mới chỉ là bước đầu trong việc “tầm sư học đạo” của các tay golf nhí. Các bậc phụ huynh mua được bộ dụng cụ phục vụ cho việc chơi golf đã khó, để được ra sân, bố mẹ và các golfer (người chơi golf) nhí còn muôn vàn chi phí và thời gian cho niềm vui kiểu quý tộc này.
Theo khảo sát của PV, hiện nay tại Hà Nội mới có một địa chỉ đào tạo chơi golf trên sân cỏ của Công ty cổ phần dịch vụ và Thương mại Đảo Sen, Long Biên, Hà Nội. Học phí của các lớp huấn luyện này được tính bằng tiền “đô”. Với các hội viên của sân golf giá cho 4 buổi /tháng là 120 USD, với những ai là khách lẻ thì giá cao hơn một chút (135 USD). Ngoài những chi phí cứng ra, tiền bo cho người phục vụ, tiền ăn uống, đi lại, thời gian đưa đón các tay golf nhí cũng không phải là chuyện đơn giản.
Chơi golf để rèn luyện sự kiên nhẫn!?
Lý giải cho trào lưu ăn chơi kiểu quý tộc dành cho trẻ nhỏ này, nhiều bậc phụ huynh hồ hởi cho con đi học nói rằng, chơi golf là môn thể thao không có tính đối kháng, đối thủ của các tay golf chính là bản thân mình. Mỗi cuộc chơi là cuộc đấu với chính mình. Chơi golf không đòi hỏi phản xạ nhanh nhạy nhưng lại đòi hỏi sự điềm tĩnh, thông minh, đầu óc phán đoán và trí tưởng tượng tốt.
Theo họ, đây là môn thể thao cao thượng và cũng là môn thể thao duy nhất không có trọng tài. Các golf thủ tự chấm điểm cho nhau, chơi để khẳng định mình là chính nên không có sự gian lận, hay chơi xấu. Hơn thế, khi một tay golf chuẩn bị bắt đầu một cú đánh, tất cả mọi hoạt động xung quanh lập tức dừng lại.
Bé Lê Bảo Khánh, 10 tuổi, mới được bố mẹ cho tập chơi golf nói rằng cô bé thích đi chơi golf vì lần nào theo bố đi đánh golf vào ngày cuối tuần cũng là dịp cô được nhìn thấy và vui đùa trong khung cảnh thiên nhiên thoáng đãng. Nếu ở Hà Nội thì cả năm Khánh cũng chẳng bao giờ được nhìn thấy đồng cỏ, hồ sen, thoáng mát sạch đẹp. Nhưng để có “niềm vui nho nhỏ” như Khánh thì không phải gia đình nào cũng có khả năng. Mặc dù các bậc phụ huynh có kinh tế khá háo hức muốn con mình từ nhỏ đã là quý tộc nhưng không phải đứa trẻ nào cũng thấy hào hứng với sự đầu tư “khủng” của bố mẹ chúng.
Một cậu ấm đang “luyện kiên nhẫn” bằng … golf |
Anh Hoàng Mạnh Tuấn ở Nguyễn Văn Cừ, Gia Lâm, Hà Nội cho biết: “Chi cả chục triệu đồng để tầm sư học đạo đã khó. Nhưng để lôi được cậu con trai đến sân là cả một vấn đề. Vài buổi đầu đứa con trai 12 tuổi của tôi còn hào hứng với thầy nước ngoài dạy và sân tập. Nhưng đến buổi thứ 4, cu cậu một mực kêu chán không đi. Hai vợ chồng dỗ kiểu gì nó cũng nói chỉ muốn đi chơi với bọn trẻ cùng lứa. Nó còn bảo: “Không hiểu bố thích gì từ việc lẽo đẽo đi theo mấy quả bóng!?”.
Chị Nguyễn Phương Lan ở đường Giải Phóng, Hà Nội thì cho rằng: “Những thú chơi xa xỉ như vậy, tôi nghĩ chắc chắn chỉ dành cho số ít trong xã hội. Họ có điều kiện thì họ tiêu tiền như thế nào là quyền của họ. Nhưng trên rất nhiều tờ báo thời gian qua, những câu chuyện về không ít trẻ em đang phải chịu rét giữa mùa Đông ở các vùng núi, thậm chí, nhiều nơi như ở Mù Cang Chải, Yên Bái, học sinh chỉ mong bữa cơm có thịt cũng đã khó thì khi nghe đến thú tiêu tiền xa hoa này khiến nhiều người không khỏi suy nghĩ”.
Chưa chắc đã tốt cho trẻ… Theo một chuyên gia về tâm lý trẻ em thì không phải đứa trẻ nào cũng thích hợp với việc rèn luyện tính kiên nhẫn bằng chơi golf. Lứa tuổi của trẻ nhỏ là ưa hiếu động, việc lẽo đẽo trên sân cỏ vài giờ đồng hồ chưa chắc với tất cả trẻ con đã là tốt. Cũng theo vị này, trẻ trong độ tuổi từ 6 đến 15 tuổi có nhiều môn thể thao, trò chơi không những rèn luyện được sức khỏe mà là cả trí tuệ. Tiêu biểu như các trò chơi xếp hình, trò chơi với khối rubic… Những trò này không những vừa rẻ mà còn giúp trẻ có nhiều sự phát triển về óc sáng tạo. |
Theo Người đưa tin
Source: Zing