Sau giờ học ở trung tâm, tôi đứng trước gương hàng giờ để luyện âm và buộc mình phải ghi nhớ các từ ngữ phổ thông để sử dụng cho thành thục. Khi giao tiếp với các bạn, kể cả các bạn cùng quê, tôi cũng cố gắng để sử dụng giọng nói chuẩn như mới được học trong trường. >Thi viết ‘Tôi lập trình tương lai’ trên VnExpress và iOne
Tôi sinh ra và lớn lên trên quê hương Hà Tĩnh, mảnh đất đầy nắng và gió. Con người nơi đây vô cùng hồn hậu, đáng yêu. Nghe những khúc hát dân ca xứ Nghệ như: “Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh”, “Khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”… thì không ai không thấy nao lòng, nhất là những người con đã sinh ra và lớn lên trên dải đất miền Trung nắng cháy này.
Từ nhỏ, tôi đã ao ước được trở thành một người phát thanh viên hay một MC truyền hình. Nhìn hình ảnh các cô, các chị tươi tắn trong tà áo dài, giọng nói lưu loát trên chương trình thời sự hay các game show tôi bắt đầu dệt cho mình một ước mơ. Để thực hiện ước mơ ấy, tôi biết mình cần phải học thật giỏi, phải thành thạo nhiều ngoại ngữ và đặc biệt mình còn phải rất xinh đẹp nữa.
Về ngoại hình, tôi may mắn thừa hưởng chiều cao lý tưởng của cha cùng với vóc dáng nhỏ nhắn, làn da trắng hồng của mẹ, cộng với sự siêng năng tập luyện thể dục thể thao để cho cơ thể khỏe mạnh cân đối, tôi cũng thấy khá yên tâm. Gia đình tôi là một gia đình cơ bản, bố tôi có doanh nghiệp riêng, còn mẹ là hiệu trưởng của một trường cấp hai. Nhà lại chỉ có hai chị em nên tôi được bố mẹ quan tâm hết mực.
Tôi được mẹ cho theo học các khóa học ngoại ngữ từ hồi còn rất nhỏ ở các trung tâm năng khiếu của tỉnh, chính vì vậy học hết cấp 2, tiếng Anh của tôi đã rất ổn rồi. Lên cấp 3, tôi đăng ký vào lớp chuyên Nga trong trường chuyên của tỉnh để mở rộng thêm kiến thức ngoại ngữ của mình. Dường như học ngoại ngữ là năng khiếu của tôi nên tôi tiếp thu rất nhanh. Năm lớp 12, tôi tham dự kỳ thi học sinh giỏi môn tiếng Nga toàn thị xã và giành được giải ba. Tôi rất tự hào về điều này.
Lực học của tôi tương đối ổn, hơn nữa lại được bố mẹ quan tâm, tạo điều kiện nên việc vượt qua kỳ thi đại học không quá khó đối với tôi. Tôi đậu vào trường đại học với số điểm tương đối cao, môi trường ở đây càng khiến tôi thêm tự tin, năng động. Ngoài môn tiếng Anh bắt buộc ở trường, tôi vẫn tiếp tục học tiếng Nga và đăng ký thêm tiếng Nhật. Tôi khá yên tâm với ngoại hình, sự tự tin và khả năng ngoại ngữ của mình.
Nhưng thử thách chỉ thực sự bắt đầu khi tôi thử đăng ký ứng tuyển vào vị trí MC cho một game show truyền hình. Đến lúc này, tôi mới biết một MC, phát thanh viên truyền hình chuyên nghiệp thì ngoài ngoại hình, khả năng ngoại ngữ, trình độ chuyên môn, sự tự tin ra, còn phải không nói ngọng, không nói lắp và không sử dụng tiếng địa phương, tức là phải có giọng nói chuẩn nữa, mà điều này thì tôi không có.
Tôi bị loại ngay từ vòng sơ tuyển, khi chị giám khảo thông báo kết quả và cho biết lý do, tôi thực sự ngỡ ngàng. Tôi phải làm gì đây, không lẽ tôi phải từ bỏ ước mơ mà mình ấp ủ mười mấy năm chỉ vì lý do ấy. Tại sao từ trước tới giờ tôi không nghĩ ra điều này nhỉ? Tôi không muốn đánh mất giọng nói của mình. Nó là bản sắc quê hương của tôi đã ngấm sâu vào máu thịt người dân quê tôi tự ngàn đời.
Nhưng yêu cầu của đài truyền hình là đúng. Tôi không thể đem giọng nói của một địa phương để đại diện cho một quốc gia, một dân tộc được. Sẽ phải làm gì đây? Câu hỏi cứ xoay quanh tâm trí tôi mà chưa thể tìm ra lời giải. Từ đài truyền hình về, ngồi trên xe buýt, lòng tôi rối bời bởi chưa tìm ra giải pháp nào cho mình. Mơ hồ, tôi vô tình bị cuốn vào một cuộc nói chuyện của hai người hành khách đi cùng.
Tôi quay lại nhìn cô bé ấy lòng thán phục vô cùng. Tại sao cô ấy có thể thay đổi giọng nói như vậy nhỉ? Cô ấy học điều đó mất bao lâu. Tôi đã biết mình phải làm gì rồi. Sau khi bác lớn tuổi xuống xe, tôi chuyển xuống ngồi cạnh cô bé và bắt chuyện làm quen. Thú thực, nếu như không biết trước cô ấy là người Nghệ An thì tôi không thể nào đoán được. Con gái, ngồi đâu cũng buôn bán được nên tôi và cô ấy trở nên thân thiết từ lúc nào. Tôi xin cô ấy số điện thoại và địa chỉ liên lạc để còn đến để “tầm sư học đạo”.
Về nhà, tôi nhanh chóng đề ra cho mình một kế hoạch rõ ràng cho việc luyện giọng chuẩn. Tôi tiếp xúc với các bạn Hà Nội nhiều hơn, lắng nghe các bạn nói để nhận biết từng âm điệu. Tôi không ngần ngại chia sẻ với các bạn khó khăn hiện tại của mình. Biết được ước mơ của mình, các bạn ủng hộ nhiệt tình và ra sức giúp tôi luyện thanh những khi rảnh rỗi.
Tôi bắt đầu đăng ký, theo học một khóa đào tạo MC chuyên nghiệp để được học về các kỹ năng cơ bản của một người MC, như kỹ năng tự tin trước ống kính, kỹ năng xử lý tình huống. Ở đây, tôi được trực tiếp tiếp xúc với các phát thanh viên, các MC có tên tuổi trên truyền hình. Tôi cố gắng nắm kiến thức một cách nhanh nhất có thể trên lớp để về nhà tôi có nhiều thời gian rèn luyện, thực hành.
Qua một người bạn, tôi được biết có một lớp luyện giọng nói Hà Nội chuẩn mở trong trường Sân khấu điện ảnh và đăng ký nhập học. Những người tham gia khóa học đại đa phần là các bạn miền Trung, miền Nam đang học tập tại các trường Nghệ thuật quanh đó và một số sinh viên trường Báo chí. Khóa học kéo dài 3 tháng, một tuần học 3 buổi tối.
Ở đây, các thầy cô đào tạo chúng tôi từng kỹ năng phát âm, chủ yếu các thầy cô cho chúng tôi luyện thực hành. Tôi gần như xếp cuối lớp về kỹ năng phát âm. Giọng nói của tôi sau gần 3 năm sống ở Hà Nội vẫn giữ nguyên là người con Hà Tĩnh không trộn vào đâu được. Bên cạnh việc luyện thanh, luyện từ, tôi còn phải luyện cả ngữ điệu, khi nào vút cao, khi nào hạ thấp.
Những ngày đầu, chúng tôi chỉ được học các kỹ năng trao đổi, giao tiếp thường ngày. Sau khi đã có những kỹ năng cơ bản, chúng tôi được học các kỹ năng thuyết trình, kỹ năng dẫn chương trình như những MC. Giáo viên là các diễn viên, phát thanh viên chuyên nghiệp và rất nổi tiếng. Kết thúc khóa học sẽ có một kỳ thi sát hạch rất gắt gao.
Tôi học tập miệt mài như những ngày đầu tiên tôi làm quen với môn ngoại ngữ vậy. Giọng nói của tôi có nhiều khuyết điểm như các thầy cô nhận xét, nó sai về âm điệu, hơn nữa, tôi sử dụng quá nhiều từ địa phương khi giao tiếp, dẫn đến mọi người không thể hiểu được mình đang nói gì.
Sau giờ học ở trung tâm, tôi đứng trước gương hàng giờ để luyện âm và buộc mình phải ghi nhớ các từ ngữ phổ thông để sử dụng cho thành thục. Khi giao tiếp với các bạn, kể cả các bạn cùng quê, tôi cũng cố gắng để sử dụng giọng nói chuẩn như mới được học trong trường, mặc cho có bạn phì cười vì những câu nói ngượng nghịu của tôi. Mặc cho có bạn không bằng lòng, cho tôi là người mất gốc.
Tôi cần phải rèn luyện cho thật tốt vì mục tiêu lâu dài là mơ ước trở thành phát thanh viên chuyên nghiệp và vì mục tiêu trước mắt là vượt qua kỳ sát hạch sắp tới. Tăng cường thực hành giao tiếp, đêm về, tôi còn bật tivi ngồi nghe các chương trình của đài truyền hình và tập nói theo. Các bạn đánh giá tôi đã có nhiều tiến bộ, nhưng tôi vẫn chưa thực sự hài lòng về giọng nói của mình.
Ở lớp đại học, tôi tự đăng ký trở thành MC cho tất cả mọi chương trình mà lớp, đoàn, hội tổ chức. Tôi tham gia tất cả câu lạc bộ văn thể của đoàn trường. Trong bất cứ chương trình nào, tôi cũng luôn tạo cho mình những cơ hội để mình được nói nhiều nhất có thể. Tôi trở thành MC, thành hoạt náo viên của một số trò chơi. Thực hành trước đám đông là cách nhanh nhất để mình khắc phục dần những khuyết điểm và “chuẩn hóa” giọng nói của mình hơn.
Và kỳ thi sát hạch đã đến, mỗi người phải tham gia thi ở hai phần. Đọc diễn cảm một bài viết hay một phóng sự và ứng xử với các tình huống do các giám khảo đặt ra. Phần thi đọc diễn cảm, tôi làm rất tốt. Đến phần thi ứng xử, trước những câu hỏi nhanh, bất ngờ, xoáy sâu của các vị giám khảo, lúc đầu, tôi hơi luống cuống. Nhưng tôi dần lấy lại bình tĩnh để trả lời một cách lưu loát bằng giọng nói truyền cảm, dễ nghe.
Ban giám khảo đánh giá tôi rất cao ở điểm này. Và tôi đã tốt nghiệp khóa học với một số điểm xuất sắc. Không có bằng tốt nghiệp, không có giấy chứng nhận, nhưng sự hài lòng, nụ cười động viên, tin tưởng của các thầy cô đã là tấm bằng giá trị nhất mà tôi có được.
Giờ đây tôi nghĩ mình đã hội tụ đầy đủ những yêu cầu mà đài truyền hình đặt ra. Tôi tiếp tục nộp hồ sơ thi tuyển vào vị trí MC của một game show. Sau buổi sơ tuyển, Ban giám khảo khá ngạc nhiên, bởi mọi người vẫn còn nhớ tôi, cô bé nói đặc giọng Hà Tĩnh trong buổi thi lần trước. Lần này, tôi đã vượt qua hàng trăm thí sinh và được chọn làm MC cho một game show dành cho thiếu nhi. Đây mới chỉ là sự khởi đầu của tôi. Chặng đường phía trước còn rất dài, tôi sẽ phải cố gắng nhiều hơn nữa để trở thành một MC, một phát thanh viên được khán giả yêu mến.
Tôi thầm nghĩ, nếu như không có một sự hoạch định cụ thể và sự nỗ lực, cố gắng của bản thân thì với tôi, việc trở thành một MC mãi mãi chỉ là một giấc mơ. Điều tôi muốn nhắn gửi tới mọi người là hãy dệt một ước mơ thật đẹp cho tương lai và lên kế hoạch cụ thể để thực hiện ước mơ ấy. Thực hiện đúng theo từng bước đã vạch sẵn, việc bạn tới đích sẽ nhanh hơn rất nhiều so với việc bạn cứ đi tới đâu mới tính tới đó.
Hoàng Hà
Thể lệ cuộc thi viết “Tôi lập trình tương lai”
– Đối tượng tham gia: Là công dân đang sinh sống, học tập và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam có độ tuổi 16-30. – Bài viết dài không quá 2.000 từ. Không giới hạn số lượng bài dự thi của một người. – Người dự thi cam kết và hoàn toàn chịu trách nhiệm về bản quyền bài dự thi của mình. – Bài dự thi phải là tác phẩm chưa được đăng trên các ấn phẩm báo, tạp chí. Ban tổ chức được quyền biên tập các bài dự thi. – Người dự thi gửi kèm bài dự thi, thông tin cá nhân của mình bao gồm: tên; ngày sinh; số CMT; địa chỉ và điện thoại liên hệ. – Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi gửi kèm ảnh của mình theo bài viết. – Cuộc thi do VnExpress.net, iOne.net và chương trình Cử nhân Top-up (ĐH FPT) phối hợp tổ chức. – Từ ngày 25/11/2011 đến 25/02/2012, bạn có thể gửi bài viết về: xahoi@vnexpress.net và nhipsong@ione.net. |
|
Source: Báo VNExpress