TTO – “Thử tưởng tượng ngày nào đó bạn không thể nghe thấy. Điều đó thật đáng sợ…”, Kim Ngân (SV ĐHKHXH&NV TP.HCM) cho biết đó là lý do khiến bạn và nhiều bạn trẻ khác tìm đến các lớp học ngôn ngữ ký hiệu để rút ngắn khoảng cách với người khiếm thính.
Người trẻ học ngôn ngữ không lời
Cô Dương Phương Hạnh (bìa phải, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục người khiếm thính) hướng dẫn các học viên trong lớp học ngôn ngữ ký hiệu chiều chủ nhật hằng tuần – Ảnh: Thiên Hương |
Tại một lớp học ngôn ngữ ký hiệu ở Trung tâm Nghiên cứu giáo dục người khiếm thính (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) vào mỗi chiều chủ nhật, 12 học viên vốn là những người hoàn toàn bình thường không ngừng múa tay, biểu lộ nét mặt để giao tiếp với nhau.
“Múa dấu” cũng lắm công phu
Trong bài học về phương tiện vận chuyển, cô Dương Phương Hạnh (giám đốc trung tâm), người trực tiếp đứng lớp, không ngừng đưa ra những câu hỏi gợi mở: “Các em thường đi xe đạp như thế nào?”, “Các em lái xe hơi ra sao?”, “Động tác chạy sẽ trông như thế nào?”…
Nếu lần đầu tham dự lớp học, bạn sẽ ngỡ ngàng khi biết ngôn ngữ ký hiệu không hề xa lạ mà rất gần gũi vì nó mô phỏng chính những động tác trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Từ “máy bay” được diễn tả bằng ngón cái, ngón trỏ và ngón út ví như đầu và hai cánh máy bay. Động tác “đi bộ” được mô phỏng bằng hai ngón tay di chuyển tới lui trong không khí…
Dù khá dễ hiểu nhưng nếu không luyện tập thường xuyên, người học ngôn ngữ ký hiệu sẽ rất dễ quên từ. Cô Dương Phương Hạnh chia sẻ: “Để học tốt ngôn ngữ ký hiệu, trước hết bạn phải hiểu rõ ý của từ để dùng đúng trường hợp, phải tự luyện tập thường xuyên và giao tiếp nhiều với người khiếm thính”.
Một bạn trẻ chăm chú thực hiện động tác trong ngôn ngữ ký hiệu – Ảnh: Thiên Hương |
Lê Gia Khánh Linh, sinh viên năm 4 ĐH Y dược, chia sẻ: “Tôi rất thích và muốn học ngôn ngữ ký hiệu từ sau khi xem clip Tớ xin lỗi của cô sinh viên Đặng Hoàng Nhu gây sốt trên mạng hồi tháng 6-2011. Ngôn ngữ ký hiệu rất dễ thương, gần gũi, nếu kết hợp ngôn ngữ ký hiệu khi nói chuyện thì sẽ có thể biểu đạt nội dung phong phú hơn”.
Ngôn ngữ yêu thương không lời
Ngôn ngữ ký hiệu vẫn còn khá mới mẻ nhưng có sức hút kỳ lạ. Nguyễn Mạnh Châu (23 tuổi, nhân viên trang trí nội thất, Q.Gò Vấp, TP.HCM) dù chưa từng tiếp xúc người khiếm thính nhưng quyết tâm đi học ngôn ngữ ký hiệu sau khi xem đoạn phóng sự về những người kém may mắn. Mạnh Châu chia sẻ: “Mình muốn tìm hiểu thế giới của người khiếm thính và mong muốn họ hiểu được thế giới của mình”.
Với mong muốn học ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với người khiếm thính trong những chuyến tình nguyện, Nguyễn Ngọc Thùy Trang (SV năm 4 khoa công tác xã hội, ĐH KHXH&NV TP.HCM) gần như không bỏ sót buổi học nào tại trung tâm. Còn chị Trần Thị Bé Mười (22 tuổi, nhân viên kinh doanh, Q.7, TP.HCM) học ngôn ngữ ký hiệu để thực hiện lời hứa đặc biệt với một người bạn khiếm thính mà chị tình cờ quen.
Chị kể: “Mình từng ở trọ gần khu tập thể của người khiếm thính ở quận 6. Một lần đi ăn hủ tiếu, gặp một bạn khiếm thính rất cởi mở. Bạn ấy chia sẻ với mình bằng cách múa dấu nhưng lúc đó mình đã không hiểu. Thông qua người bạn đi cùng, mình mới biết bạn ấy mồ côi từ nhỏ, không nhà cửa. Điều đó khiến mình rất xúc động và hứa sẽ học ngôn ngữ ký hiệu để có thể chia sẻ với bạn ấy. Dù đã chuyển chỗ trọ nhưng mình quyết tâm sẽ thực hiện lời hứa ấy”.
Nguyễn Ngọc Thùy Trang (giữa, SV ĐH KHXH&NV TP.HCM) và các bạn hào hứng giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ ký hiệu – Ảnh: Thiên Hương |
Ngoài Trung tâm Nghiên cứu giáo dục người khiếm thính và CLB tình nguyện Hoa Hướng Dương, các bạn có thể học ngôn ngữ ký hiệu cùng CLB Khiếm thính TP.HCM và CLB Ngôn ngữ ký hiệu vào sáng chủ nhật hằng tuần tại công viên Tao Đàn (TP.HCM). Tại đây, bạn sẽ được học những câu giao tiếp quen thuộc và chơi trò chơi để thực hành những gì đã học được. |
Không chỉ người học mà cả những người mở lớp cũng muốn mang ngôn ngữ ký hiệu đến với nhiều người, giúp người khiếm thính thuận lợi hơn trong giao tiếp. Trịnh Bình Minh, thành viên CLB tình nguyện Hoa Hướng Dương, bắt đầu học ngôn ngữ này với mong muốn giao tiếp, chia sẻ với người khiếm thính. Minh rất chịu khó tìm gặp các bạn khiếm thính, tham gia lớp học dành cho người khiếm thính của Quỹ Nippon (Nhật Bản). Sau đó, Minh mở lớp truyền đạt lại ngôn ngữ này cho những người quan tâm.
Cô Dương Phương Hạnh, người thành lập Trung tâm Nghiên cứu giáo dục người khiếm thính, bị mất thính giác vào năm 6 tuổi sau một trận sốt cao. Hiểu được những thiệt thòi của người khiếm thính, cô Hạnh luôn tạo điều kiện cho những người đồng cảnh ngộ làm việc tại trung tâm. Cô luôn quan niệm việc gì người khiếm thính có thể làm được thì hãy cho họ cơ hội để họ thấy mình vẫn còn sợi dây liên kết với bên ngoài.
Những khi đứng lớp, cô Hạnh thường nhắc nhở học trò: “Người khiếm thính rất ngại giao tiếp. Họ không được học hành nhiều, sống trong một thế giới thu hẹp, hoàn toàn yên ắng. Vì thế, muốn giao tiếp với người khiếm thính thì ngoài học ngôn ngữ ký hiệu, các bạn còn phải tìm hiểu tâm lý, văn hóa để hiểu được những suy nghĩ, cảm nhận của họ”.
THIÊN HƯƠNG
Source: Báo Tuổi Trẻ