TTCT – Trong bài viết của tác giả Kim Duy, chị gọi thế hệ 9X là “thế hệ gối ôm”, một thế hệ thừa mứa về vật chất nhưng không biết chăm sóc bản thân, thiếu kỹ năng cư xử, chia sẻ.
Thế hệ… gối ôm Sau nỗi lòng của hai người cha “thế hệ gối ôm”, TTCT xin phép tạm khép lại loạt bài vẫn còn được bạn đọc phản hồi này bằng bài viết của hai bà mẹ, những người cương quyết không tạo ra những “đứa trẻ gối ôm”, theo cách của mình. || Thế hệ gối ôm || Gối ôm tròn nhưng cũng có hai mặt || Chỉ nên ăn học, đừng quan tâm việc khác? ||Hãy động viên, nhưng đừng làm thay chúng tôi || Hơn cả gối ôm, đó là “thế hệ gấu bông” || Tôi chưa trưởng thành về cảm xúc || Một kiểu chăm con kỳ lạ |
Hãy tạo không gian cho sự tự hoàn thiện
Minh họa: Vũ Đình Giang |
Chúng ta không thể quy kết lối sống ấy là lỗi của “thế hệ gối ôm”, bởi nguyên nhân gây ra căn bệnh này hoàn toàn xuất phát từ sự yêu thương và chăm sóc không đúng cách của các bậc cha mẹ. Họ chỉ yêu thương và chăm sóc con theo bản năng mà thiếu hẳn kỹ năng làm cha mẹ.
Con gái tôi học tại Trường trung học phổ thông GĐ, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Cháu kể rằng bọn con trai lớp con nhìn là “phát chán”, không biết phải con trai không nữa. Giờ chào cờ, các bạn trai cứ đứng nhìn, ngóng chờ cho các bạn nữ khiêng ghế ra sân. Các giờ thuyết trình của học sinh, cô giáo bảo kê bàn học thành hình chữ U, các bạn nam cũng “nhường” phần khiêng bàn ghế cho các bạn nữ luôn! (lớp của con gái tôi là lớp chuyên toán, số học sinh nam nhiều gấp bốn lần học sinh nữ).
Con gái tôi còn kể ngày 8-3 hay 20-10, các bạn nam lớp con cũng không mua hoa hay hát tặng cô giáo và các bạn nữ, còn chuyện mua hoa hay quà cho mẹ thì “quên đi”, không có chuyện đó đâu. Những lúc vào học hay ra về, các bạn nam không nhường đường cho nữ mà còn ra sức chen lấn khi lên xuống cầu thang.
Khi đã trang bị đủ cho con những kỹ năng cần thiết, chúng ta cần “buông tay” cho con đi trên đôi chân của chính mình để con không phải là những “đứa trẻ không bao giờ lớn”. |
Có hôm con gái còn kể học sinh trường con học thì giỏi nhưng thiếu ý thức lắm, các bạn ăn sáng ngay trong giờ chào cờ, cô hiệu trưởng nói gì cứ nói, các bạn vừa ăn vừa “tám”. Sau giờ chào cờ, các bạn còn bỏ ngay những hộp cơm tại chỗ ngồi, hộp cơm trắng cả sân trường.
Việc dạy con biết sống có trách nhiệm, biết chia sẻ và quan tâm tới người khác là một việc làm hết sức cần thiết cho các bậc cha mẹ. Mọi việc bắt đầu từ việc giúp con biết tự chăm sóc bản thân và chia sẻ việc nhà với mẹ ngay từ khi con còn ở độ tuổi mẫu giáo. Khi cháu vào cấp III, mỗi tuần cháu còn phải đi chợ và nấu một bữa ăn cho cả nhà với những món đơn giản.
Ngoài việc dạy cho con những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống riêng và chăm sóc một gia đình sau này, ngay từ khi con còn rất bé, tôi luôn tạo điều kiện cho con tham gia những buổi cắm trại hay du khảo để con biết đến cuộc sống tập thể. Giữa mẹ và con thường có những trò chơi tình huống mà con là người phải giải quyết vấn đề. Theo độ tuổi của con, những tình huống đặt ra ngày một phức tạp và khó khăn hơn. Và tôi luôn hướng dẫn con cư xử theo chiều hướng lạc quan, cởi mở và không vụ lợi.
Chúng ta ai cũng còn nhớ một câu chuyện trong “Món quà cuộc sống”: có một cô bé cắt chiếc kén của con ngài để ngài hóa bướm dễ hơn. Không ngờ con bướm đó cứ mãi là một con bướm tật nguyền, quẩn quanh bên chiếc kén, bởi nó chỉ có thể thành bướm khi tự chui ra khỏi chiếc kén chật chội mà thôi. Khi con trẻ tự chăm sóc bản thân, chia sẻ việc nhà với cha mẹ chính là lúc các con chúng ta tự khám phá giá trị bản thân và tự hoàn thiện mình.
Sâu xa hơn nữa, chúng ta đã cho con hiểu giá trị của công việc, sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội, và đó là một trong những nguyên lý đạo đức cơ bản nhất của việc làm người. Làm cha mẹ, chúng ta cũng cần dạy con ứng phó với những tình huống bất trắc khác nhau trong cuộc sống, chia sẻ và giúp đỡ bạn bè, người thân, người không thân những lúc khó khăn nguy khốn trong khả năng của mình.
Để con không vụng về trong cư xử và vô cảm với xung quanh, cha mẹ cần kiên nhẫn, cần tin vào con và cần tạo cho con một không gian nhất định để con trưởng thành. Khi đã trang bị đủ cho con những kỹ năng cần thiết, chúng ta cần “buông tay” cho con đi trên đôi chân của chính mình để con không phải là những “đứa trẻ không bao giờ lớn”.
BẢO NHI (tư vấn viên tâm lý học đường)
__________
“Xin cô đừng làm hộ cháu bất cứ điều gì”
Tôi nghĩ rằng tạo ra một “thế hệ gối ôm” là có lỗi rất lớn của bố mẹ: quá bảo bọc, nuông chiều và luôn “lót ổ” sẵn cho con. Chúng ta không thể trách con trẻ khi mà chúng ta không tạo điều kiện cho chúng tiếp xúc với lao động, với những nỗi vất vả để chúng hiểu được những giá trị sống.
“Cháu hãy còn quá bé để tôi tự tin cho rằng con mình sẽ không phải là một đứa bé thuộc “thế hệ gối ôm”. Nhưng tôi luôn cố gắng để hướng cháu đến một cuộc sống yêu lao động, yêu thương và tử tế với người khác”. |
1. Là một người mẹ thuộc thế hệ 7X, có con trai thuộc thế hệ 10X, cũng như những người mẹ khác, tôi cũng cưng con nhưng không mua cho nó gối ôm mà muốn cháu cùng tôi mua. Tôi và chồng thống nhất ở việc không chỉ cho cháu vật chất mà còn phải trang bị cho cháu những giá trị tinh thần từ tấm bé: sự tự lập, ý thức lao động và chia sẻ với người xung quanh.
Ngay từ khi cháu một tuổi rưỡi, tôi đã tập cho cháu ăn một mình bằng bộ chén đĩa của cháu. Cơm có rơi đổ thì cháu tự hốt lấy và sau đó tự lau bàn (dĩ nhiên sau đó tôi hoặc ông xã phải lau lại), khi ăn phải có khăn ăn và ăn xong phải xếp khăn ăn lại bỏ vào sọt giặt đồ. Đi du lịch cùng cả nhà, cháu có một balô nhỏ của mình để tự chọn đồ cháu muốn mặc (tôi đã hướng dẫn cháu đồ nào mặc đi học, đồ nào mặc ở nhà, đồ nào mặc đi chơi). Mỗi người lớn một túi xách thì cháu cũng có balô nhỏ của mình. Đồ ai nấy mang, không ai mang giùm ai.
Khi bố sửa xe máy, mẹ dọn dẹp nhà, bé cũng làm theo. Dù bé làm thì gây lộn xộn là chính nhưng tôi và chồng cũng cho cháu làm để cháu biết thế nào là lao động. Khi tôi lặt rau nấu cơm thì cháu cũng lặt, tôi chỉ cho cháu rau/trái này là rau/trái gì, lặt thế nào, có vitamin gì, ăn có ích lợi gì… Cháu chẳng lặt được đúng đâu nhưng tôi cứ mặc kệ, cháu rất tự hào và thích thú ăn những cọng rau/đậu đũa ngắn ngủn mà cháu đã “lặt” được so với cọng rau, cọng đậu đều đặn của mẹ.
Ở nhà, cháu có khát nước thì tự mở tủ lạnh lấy nước uống, người giúp việc không được cơm bưng nước rót cho cháu để cháu bị quen thói “cậu chủ”. Trẻ nhỏ thích được sai bảo nên tôi thường giả vờ nhờ cháu lấy cho mẹ ly nước khi mẹ đi làm về, lấy cho bố cái khăn lau mặt khi bố đi ra ngoài về… Cứ thế, dần dần cháu có thói quen chăm sóc hỏi han bố mẹ và tự mình đi lấy nước uống cho bố mẹ khi bố mẹ đi làm buổi tối về.
2. Cháu vào mẫu giáo, tôi đến trường xem xét cẩn thận chỗ ăn chỗ ngủ chỗ học xem có gì nguy hiểm không, có cạnh bàn nhọn không… sau đó dặn dò cô giáo: “Cô đừng đút cơm, đừng làm hộ cho cháu bất cứ điều gì, nếu cháu có làm sai xin cô hãy kiên nhẫn” và tôi luôn có những món quà để cảm ơn cô giáo vì sự kiên nhẫn đó.
Những ngày đầu cháu đi học, chữ viết xấu như gà bới, tôi cũng không viết giùm, cũng không xin điểm của cô giáo, tôi chỉ xin cô giáo dành thêm chút thời gian để hướng dẫn cho cháu viết đẹp hơn.
Như mọi đứa trẻ khác, cháu cũng thích siêu nhân, nhưng tôi chỉ tặng quà/đồ chơi cho cháu khi cháu ngoan cả tuần: ăn cơm đều, thay đồ nhớ bỏ vào giỏ đồ dơ, ăn cơm xong đem chén đến chỗ rửa, sáng nào cũng đánh răng… Ở trường cô có phiếu bé ngoan, ở nhà mẹ cũng có phiếu bé ngoan. Bé ngoan cả tuần mẹ thưởng quà. Không phải cái gì cháu xin cũng cho vô điều kiện, mặc dù lòng muốn lắm nhưng cũng kìm nén để cháu hiểu mọi thứ không có cái gì là dễ dàng…
3. Trẻ con hay học theo người lớn, và thói quen yêu lao động sẽ giúp các cháu lớn lên không ỷ lại, không lười biếng mà chẳng cần bố mẹ phải la rầy. Lòng nhân ái cũng vậy.
Hằng tháng, tôi đưa cháu đi thăm một trại trẻ mồ côi, chùa nuôi trẻ khuyết tật, trường câm điếc… Trước khi đi, tôi nói với cháu mình sẽ đi chỗ như thế như thế, các bạn như thế như thế… để cháu hiểu. Cuối tháng 11 vừa qua cháu tròn 5 tuổi nhưng cháu đã biết để dành đồ chơi, đồ không mặc vừa cho các em bé mồ côi. Ra đường thấy bạn cùng trang lứa bán vé số, cháu đã biết nói với mẹ mua vé số giúp các bạn và nói tội nghiệp các bạn vì các bạn không có bố mẹ như con.
Cháu hãy còn quá bé để tôi tự tin cho rằng con mình sẽ không phải là một đứa bé thuộc “thế hệ gối ôm”. Nhưng tôi luôn cố gắng để hướng cháu đến một cuộc sống yêu lao động, yêu thương và tử tế với người khác. Hai vợ chồng luôn chia nhau thời gian để uốn nắn cháu từng lời ăn tiếng nói, cử chỉ hành động.
Bạn bè tôi nói rằng tôi dạy con quá kỹ và quá khó tính vì rèn cháu theo kiểu kỷ luật quân đội từ bé, nhưng thú thật tôi sợ buông lơi một chút, con sẽ ích kỷ và không có nền nếp thì sau này sẽ rất khó dạy dỗ.
HỒNG HẠNH
Source: Báo Tuổi Trẻ