TTCT – Thời sinh viên, lần đầu tiên về đồng bằng sông Cửu Long cũng là lần đầu tiên nghe câu nói “Muốn người ta [mà] người ta không muốn/ Xách cái dù đi xuống đi lên”.
Phiếm đàm
Muốn hay không muốn
Câu này do mẹ của người bạn buột miệng nói ra, góp vào câu chuyện về một ông đứng tuổi nào đó đang cà rà tán tỉnh một cô gái mà không được đáp ứng. Ông này hình như cũng làm cán bộ nho nhỏ ở địa phương nên mọi người mới đem ra “tám” (thời đó chưa có chữ “tám” với nghĩa bàn tán cà kê nhiều chuyện).
Câu chuyện bình thường nhưng hình ảnh trong câu thành ngữ kia thì thật tức cười, nhất là khi hình dung cái kiểu lúng túng “đi xuống đi lên” của người đàn ông đơn phương không biết làm sao cho người con gái yêu mình.
Minh họa: Vũ Đình Giang |
Mà không cứ gì chuyện tế nhị là yêu, tất tần tật các chuyện khác trong hoạt động xã hội đều chịu sự chi phối của niềm ham muốn trong lòng mỗi con người. Nghệ thuật tổ chức cộng đồng từ những tập thể nhỏ đến cả xã hội phức tạp đều không thể bỏ qua điểm nút ấy. Dù các cụ ngày xưa có nói theo kiểu đao to búa lớn là “nhân tâm”, “nhân hòa”, “thu phục lòng người”… thì cốt yếu vẫn là bằng cách nào đấy làm chủ được nghệ thuật khơi dậy niềm ham muốn trong lòng con người: ham muốn làm việc, ham muốn hướng thiện, ham muốn cống hiến, ham muốn dấn thân…
Tổ chức thế nào để sự ham muốn được hướng thượng, dành tâm lực con người cho những giá trị cao đẹp mới là việc khó.
Hôm trước, nhân làng xuất bản Việt Nam xảy ra mấy chuyện lùm xùm về các ấn phẩm ra đời bị cho là đọc duyệt không kỹ, một giám đốc nhà xuất bản khi nghe chuyện đã buột miệng than: Nói thật là mình đâu có muốn làm giám đốc nhà xuất bản, cũng vì các anh “ở trên” thuyết phục mình giữ vị trí ở đây chứ làm xuất bản bây giờ lợi ích không bao nhiêu mà rủi ro lắm.
Khi một giám đốc thừa nhận tôi không muốn làm giám đốc, cớ sự ấy chứa đựng những thông điệp gì? Câu trả lời có thể là nhiều nội dung, nhưng chắc chắn vị giám đốc đó không toàn tâm toàn ý dốc hết khả năng bản thân cho công việc mà ông đang đảm nhận. Khi đó cái cớ “lợi ích không bao nhiêu mà rủi ro lắm” e chỉ là một trong số những nguyên do “cần và đủ” để hình thành trong vị giám đốc này một “trạng thái không muốn” như ông bày tỏ.
Nhìn rộng ra, khi học sinh không muốn đến trường, quan chức không muốn từ chối hối lộ, nghiên cứu sinh không muốn tự thực hiện đề tài, người đi đường không muốn dừng khi đèn đỏ… thì đó là sự thể gì? Một nhà quản trị xã hội giỏi sẽ luôn phải nhìn thấy trong dân chúng cái tình trạng “muốn hay không muốn, đó là vấn đề”. Cho nên học sinh có thể đổ thừa rằng game online thì quyến rũ hơn những giờ giảng trên lớp; nghiên cứu sinh cũng hoàn toàn bị thuyết phục bởi sự tiện dụng và hiệu quả của các chợ luận văn, luận án tràn lan; quan chức cũng có vô vàn lý do hoàn cảnh…
Nhưng nhà quản trị xã hội thì phải trả lời cho được tại sao những thành phần công dân ấy không muốn trở thành người tốt?
Có một cách đơn giản để tập trung niềm ham muốn của công chúng là giáo dục về lý tưởng. Nhưng lý tưởng là giá trị qua quá trình tự nhận thức chứ không đơn giản chỉ tiếp nhận giá trị từ những cơ sở nào đó. Và người ta cũng chỉ khởi động cái đầu để nhận thức khi họ… muốn nhận thức. Trong nhiều trường hợp, ở nhiều bối cảnh xã hội, người ta có xu hướng tặc lưỡi sống theo cách thủ lợi “đơn giản cho đời thanh thản” hơn là nhọc lòng suy nghĩ, nhận thức về lý tưởng này nọ.
Nên chi, chính việc khơi dậy những niềm ham muốn lành mạnh để chúng cộng hưởng với nhau sẽ hình thành và quyết định không khí sống của thời đại. Quản trị xã hội là giữ phần trách nhiệm khơi ngọn lửa ham muốn ấy cùng với việc không ngừng gia tăng xúc tác để sự ham muốn luôn hướng thượng, tiến bộ.
Không khơi được ngọn lửa ấy thì dù có cầm tay đặt vào ngai vàng như vua Nghiêu đối với Hứa Do thuở xưa, hay câu chuyện ông giám đốc xuất bản trên đây cũng là hai sự thất bại giống nhau.
Còn khi lẽ ra phải khơi ngọn lửa ấy mà không biết cách khơi, tình trạng cũng giống như ông cán bộ “xách cái dù đi xuống đi lên” trong cơn yêu đương lúng túng kia vậy.
LAM ĐIỀN
Source: Báo Tuổi Trẻ