TT – Trong lúc nguy cơ nội chiến tại Syria đang leo thang thì một tàu chở vũ khí của Nga đã cập cảng Tartus của Syria sau khi gây chú ý tại đảo quốc Cộng hòa Cyprus.
Tàu Nga chở vũ khí đến Syria
Một tàu rời cảng Limassol ngày 11-1 – Ảnh: AFP |
RIA Novosti dẫn nguồn Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ trên tờ Hurriyet Daily News xác nhận tàu MV Chariot đã cập cảng Tartus của Syria ngày 12-1. “Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận chiếc tàu Nga đã cập cảng của Syria” – Selcuk Unal, một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết. Đài phát thanh Syria CyBC cũng đưa tin sự hiện diện của tàu Nga tại Syria.
Trước đó ngày 10-1, tàu MV Chariot đã bất ngờ ghé qua Cộng hòa Cyprus để tiếp nhiên liệu. Truyền thông Cyprus nghi ngờ con tàu chở theo “hàng chục tấn vũ khí”, trong khi chủ sở hữu tàu chỉ cho biết nó chở hàng hóa của một công ty buôn bán vũ khí quốc gia.
Trong thông báo ngày 11-1, Cộng hòa Cyprus liệt hàng hóa trên tàu MV Chariot vào loại “nguy hiểm” và xác nhận con tàu đã ghé cảng Limassol để tránh thời tiết xấu và tiếp nhiên liệu. Các nhân viên hải quan Cyprus không thể mở và kiểm tra số hàng nóng do một số “giới hạn”.
Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích Cyprus
Các quan chức Cyprus dẫn thông tin từ chủ tàu là Công ty Westberg, trụ sở tại St. Petersburg (Nga), cho biết thêm tàu MV Chariot dự kiến đến Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. “Con tàu hết nhiên liệu nên đã vào cảng (Limassol), chính quyền Cyprus không bắt giữ nó” – người phát ngôn Công ty Westberg nói. Cyprus, một thành viên Liên minh châu Âu, đã cho phép con tàu khởi hành sau khi tàu cam kết sẽ không đến Syria.
Truyền thông Cyprus ước tính con tàu chở từ 35-60 tấn đạn dược và chất nổ cho Bộ Quốc phòng Syria. Dù vậy RIA Novosti dẫn lời Bộ Ngoại giao Nga cho biết những “món hàng nguy hiểm” trên tàu không vi phạm lệnh cấm vũ khí của EU đối với Damascus. Người gửi hàng được xác nhận là Công ty kinh doanh vũ khí Rosoboronexport của Nga.
Tuy nhiên, ngày 12-1 Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định MV Chariot không hề ghé qua nước này mà trực chỉ đến thẳng cảng Tartus ở Syria. “Các quan chức Cyprus không chỉ sai khi kết luận Thổ Nhĩ Kỳ là đích đến của con tàu mà còn thất bại khi không kiểm tra xem liệu con tàu này có chở vũ khí như phỏng đoán không” – New York Times dẫn lời một quan chức ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích.
Do không thuộc EU, Thổ Nhĩ Kỳ đang được coi là tuyến đường vận chuyển vũ khí vào Syria mà không vi phạm lệnh cấm vận của châu Âu bất chấp nước này đã siết chặt kiểm soát biên giới. Ankara hôm 12-1 cho biết đang điều tra sau khi bắt được bốn xe tải nghi ngờ chở các thiết bị quân sự đăng ký ở Iran đang tìm cách vượt qua biên giới vào Syria. Cùng ngày, hải quan Thổ Nhĩ Kỳ cũng chặn một đoàn xe 20 chiếc chở theo 100 người Syria muốn vượt biên giới để phát hàng cứu trợ.
Nguy cơ nội chiến leo thang
Lãnh đạo Liên đoàn Ả Rập (AL) Nabil Elaraby ngày 13-1 nhận định nguy cơ bùng nổ nội chiến ở Syria sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nước lân cận sau khi nỗ lực của nhóm quan sát viên AL thất bại. “Các sự kiện hiện tại có thể dẫn đến một cuộc nội chiến” – ông Elaraby nhận định.
Reuters dẫn lời quan sát viên Anwar Malek của Nigeria, người đã rời nhóm tuần này, nói nhiều người đồng cấp với ông cũng đã hoặc sẽ rời Syria do bất lực trước tình trạng bạo lực vẫn tiếp diễn ở nước này. “Nhóm quan sát không phục vụ được người dân (Syria), nó chẳng phục vụ được cho cái gì cả” – một quan sát viên khác nhận định trước khi rời Syria ngày 13-1. Nội bộ AL cũng bất đồng về tình trạng bạo lực ở Syria và ông Elaraby cho biết các bộ trưởng của AL sẽ sớm quyết định tiếp tục hay chấm dứt sứ mệnh quan sát.
Nga tuyên bố phản đối những sửa đổi do các nước phương Tây đề nghị liên quan đến dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về Syria, mà theo Matxcơva, có “mục đích rõ ràng là loại bỏ chế độ cầm quyền của Tổng thống Bashar al-Assad”. Trước đó, Hội đồng An ninh Nga (RSC) cho biết đã nhận được thông tin là các nước NATO và các nước Ả Rập trong vịnh Persic đang “muốn biến sự can dự hiện thời của mình vào công việc nội bộ của Syria thành một sự can thiệp quân sự trực tiếp”. Lãnh đạo RSC Nikolai Patrushev nhận định “lực lượng tấn công chủ yếu lần này sẽ không phải do Pháp, Anh và Ý cung cấp, mà có thể là do nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đang là đối thủ của Iran và có nhiều tham vọng lớn”. Theo ông, “Washington và Ankara giờ đây đang thảo luận nhiều kế hoạch khác nhau về vùng cấm bay”.
Một đội tàu của Nga do tàu sân bay đô đốc Kuznetsov dẫn đầu đã cập cảng Tartus để “siết chặt quan hệ giữa hai nước” vào cuối tuần trước.
Iran muốn đàm phán với phương Tây Iran tuyên bố sẵn sàng “đàm phán nghiêm túc” với nhóm P5+1 (gồm năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Đức) nhằm xoa dịu căng thẳng. Trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani đã đồng ý với lời đề nghị đàm phán của Ankara, nước tình nguyện làm trung gian, miễn là các cuộc thương lượng “nghiêm túc và không phải là trò chơi”. Theo ông, đàm phán có thể diễn ra tại Istanbul, nơi cuộc đàm phán tương tự diễn ra một năm trước. Ngoài căng thẳng đang leo thang với Mỹ, Iran cũng đang bất đồng với Thổ Nhĩ Kỳ về tình trạng bạo lực ở Syria, một đồng minh thân cận của Tehran, và chỉ trích Ankara về vai trò của nước này trong lá chắn tên lửa của NATO tại khu vực. |
TRẦN PHƯƠNG
Source: Báo Tuổi Trẻ