(Dân trí) – Nhà trường đã thông báo thời gian nghỉ Tết của học sinh, nhưng đối với nhiều phụ huynh, lịch nghỉ của các em lại khiến nỗi lo quản con thêm rối bời, bởi con em họ đang bị thế giới game khiến cho mê hoặc cả ngày, đêm.
Gia đình anh Hoàng ở Thanh Xuân Bắc, Hà Nội đã được cô giáo chủ nhiệm của cậu con trai đang học lớp 8 báo tin: Học sinh sẽ được nghỉ học 11 ngày, bắt đầu từ ngày 27 Tết.
Mừng vì con được nghỉ ngơi thì ít, anh Hoàng lại càng thêm lo lắng. Đã từ mấy tháng nay, kể khi được nhà trường thông báo: Quý tử của gia đình liên tục trốn học ra quán nét (cửa hàng kinh doanh Internet) “cày” game, cả nhà luôn trong tình trạng căng thẳng, mệt mỏi. Nhiều biện pháp quản con đã được anh Hoàng đặt ra như: cắt cử người nhà liên tục giám sát thời khóa biểu sinh hoạt, học tập của con quý tử, liên hệ chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm nhằm theo dõi thời gian lên lớp của cháu…Do bị quản thúc chặt chẽ, quý tử không còn nhiều cơ hội để trốn ra quán nét tụ tập nữa.
“ Những ngày bình thưởng còn có nhà trưởng quản lý giúp trong giờ làm việc của bố mẹ. Giờ bọn trẻ được tự do cả ngày, còn người lớn, tận 28 – 29 Tết mới được nghỉ Tết. Hơn thế, dịp nghỉ Tết là thời điểm để con trẻ xả hơi, vui chơi, làm sao có thể cấm quản chúng ở nhà. Nhưng khổ nỗi, hễ cứ được thả cửa, chắc chắn thằng bé lại lao ngay vào quán net để tụ tập từ sáng tới khuya. Mà những trò game bọn trẻ “mê” toàn bạo lực, bắn giết kinh người. Xung quanh lại nhiều bạn chơi hư. Con mình sẽ hỏng lúc nào không biết” – anh Hoàng than thở.
Dịp Tết là thời điểm “vàng” của các game thủ đang độ tuổi học sinh. (Ảnh: CTV)
Chung cảnh ngộ như anh Hoàng, gia đình chị Mai, ở Trương Định, Hà Nội cũng đau đầu với bài toán quản lý con trong dịp nghỉ Tết này. Cô con gái của chị học lớp 7 nhưng đã sớm mê đắm trong thế giới game.
“Trước đây, sức học của cháu ở mức khá, nhưng từ ngày mê mẩn các trò game sức học của cháu đã giảm hẳn. Gia đình ngăn cản bằng cách cắt mạng ở nhà thì cháu tìm ra quán net chơi. Thậm chí, có hôm còn dám bỏ học cả ngày để nhảy Audition, chơi Bom online…khiến gia đình rất khổ tâm. Lúc đầu, vợ chồng tôi định cắt hết tất cả các khoản chi tiêu của con, để cháu không có tiền chơi game, nhưng nó giận dỗi và tuyên bố sẽ bỏ nhà đi “dạt”. Đang lúc bí lại gặp dịp lại Tết sắp đến, khách đến nhà chơi thế nào cũng cho cháu tiền mừng tuổi. Đã vậy, cháu lại viện cớ đi chơi Tết nhà bạn bè, thì không còn cách nào giám sát”- chị Mai than thở.
Quản lý con cái trước sự cám dỗ của thế giới game thực sự đã là thách thức với nhiều gia đình trong vài năm trở lại đây. Kể từ khi thị trường game ngày càng trở lên phong phú, các tiệm internet len lỏi đến từng ngõ ngách, cận kề tận trường học thì tình trạng học sinh, sinh viên mải mải game quá đà dẫn đến sa ngã đã trở thành vấn nạn của xã hội.
Giờ đây, hàng xóm nhà anh Hòa, ở phố Tân Mai đã không còn bất ngờ với tiếng la hét, đổ vỡ phát ra từ nhà anh nữa, bởi ai cũng biết lại là “trận chiến” giữa phụ huynh với cậu con học cấp 3 đã nghiện game.
Anh Hòa buồn bã cho hay, thời gian đầu thấy con trai ngồi bên máy tính suốt nửa ngày thì lấy làm mừng, bởi nghĩ rằng con bận học hành, tra cứu tài liệu trên internet. Sau đó, cường độ ngồi máy tính của con tăng bất thường, có khi quên cả ăn uống và giờ đi học…Khi đó, anh, chị mới biết con mình đang bị nghiện game. Bị cắt đường truyền tại nhà, con anh Hòa phản ứng lại bằng việc bỏ nhà đi “bụi” cả tuần. “Bây giờ, mỗi lần xin tiền mà không được đáp ứng, nó đập phá đồ đạc, xô ngã ông, bà , có khi còn đánh lại mẹ”- anh Hòa buồn nói.
Trên thực tế, những nghiên cứu gần đây cho thấy, lứa tuổi nghiện game bạo lực đang có xu hướng trẻ hóa. Với tâm lý tò mò, hiếu kỳ, thích cảm giác mới lạ, những trò chơi mang tính bạo lực đang tạo ra sức hút lớn đối với một bộ phận giới trẻ, nhất là tầng lớp học sinh, sinh viên. Theo chuyên gia tâm lý ở lứa tuổi này, việc khám phá và được hành động một cách tự do để tự khẳng định mình trong mắt mọi người xung quanh trở thành mong muốn và nhu cầu của nhiều người. Điều này giải thích vì sao nhiều game thủ trẻ tuổi thích hóa thân thành các “anh hùng” hay “siêu nhân” trong các trò chơi mang tính bạo lực. Nếu các em được tiếp cận những game có tính định hướng lành mạnh, tạo thành sân chơi bổ ích thì việc kết hợp vui chơi giải trí với quá trình trau dồi kiến thức sẽ có lợi cho các em. Trong khi đó, khi “bập” vào game “đen” trong khi kỹ năng sống còn non nớt rồi chìm đắm trọng một thế giới ảo đầy bạo lực, các em rất dễ bị rối nhiễu tâm lý. Thậm chí, không ít game thủ trẻ tuổi đã áp dụng chính những kỹ năng đã “luyện” được từ các trò chơi bạo lực vào thực tế.
Theo PGS, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học, Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia đang phát triển mạnh mẽ internet, thị trường game online phát triển đồng hành là điều tất yếu. Do đó, cùng với trách nhiệm quản lý nội dung game phát hành trên thị trường từ phía cơ quan quan chức năng, quá trình định hướng, chăm sóc con em từ mỗi gia đình cực kỳ quan trọng và cần thiết. Theo ông Bình, một trong những nguyên nhân khiến trẻ dễ rơi vào tình trạng nghiện game là cách giáo dục, chăm sóc của người lớn. Trên thực tế, do áp lực cuộc sống, nhiều bậc phụ huynh đã quá mải mê làm kinh tế, để trẻ cô đơn, lạc lõng hoặc thương con quá nên cưng chiều khiến trẻ trở nên thụ động, chán nản.
“Chơi game cũng là nhu cầu chính đáng như những môn thể thao khác. Cha mẹ không nên vì cấm cản con chơi game mà dùng mãi phương pháp quản chế kiểu tù nhân. Thay vào đó cần định hướng để các em tiếp cận với những game có nội dung lành mạnh, trong thời lượng vừa phải”- ông Bình đưa ra ý kiến.
Tuy nhiên, thực tế đang diễn ra là trên thị trường game online tại Việt Nam đang thiếu loại hẳn game “ngoan” đủ sức hấp dẫn, lôi các em thoát khỏi những game chém giết đang ám ảnh từng bữa ăn, giấc ngủ.
Thanh Trầm
Source: Báo Dân Trí