TT – Chiều 11-2, khoảng 15.000 học sinh, phụ huynh đã đến tham gia “Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2012” do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT TP.HCM và Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) tổ chức tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.
Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2012:
Dìu dắt học sinh vào không gian thực
>> Ngày hội tuyển sinh tại TP.HCM: sôi nổi và bổ ích
Háo hức chuẩn bị tham quan các khoa phòng của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM – Ảnh: Thuận Thắng |
Khu vực trò chơi của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM – Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Phát biểu khai mạc ngày hội, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói: “Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ và Bộ GD-ĐT tổ chức đã thật sự dìu dắt các em học sinh vào không gian thực của môi trường ĐH, CĐ. Tại đây, các em có thể trao đổi thông tin thoải mái với các nhà tư vấn, có thể xem triển lãm, trưng bày hình ảnh hoạt động và trực tiếp tiếp cận với người thật, việc thật ở môi trường ĐH. Chính các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp kịp thời đã góp phần tạo ra tâm lý yên tâm đối với thí sinh và phụ huynh, ổn định tâm lý thi cử chung của toàn xã hội”.
Ông Ga đề nghị các ĐH, học viện, trường ĐH, CĐ, TCCN và các sở GD-ĐT hợp tác chặt chẽ, tích cực tham gia các hoạt động tư vấn hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ tổ chức để giúp các em học sinh có thể lựa chọn đúng ngành nghề phù hợp, đảm bảo hài hòa cơ cấu nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày hội thông tin
“Học sinh lớp 9 đến ngày hội không phải để đi thi ĐH. Ngày hội gieo ấn tượng ngành nghề cho các em HS lớp 9, góp phần định hướng các em tiếp cận sớm với nghề nghiệp tương lai” Ông Phạm Ngọc Thanh (phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) nhận định |
Vừa đến nơi, Đặng Thị Nga (lớp 12A1 Trường THPT Lộc Thành, Bảo Lâm, Lâm Đồng) đã đến ngay gian tư vấn của Trường ĐH Luật tìm hiểu về ngành luật hình sự. “Em thích ngành học này nhưng thông tin trên mạng chưa rõ ràng chương trình đào tạo như thế nào, ra trường làm ở đâu, những yêu cầu của ngành… nên phải đến đây để được tư vấn trực tiếp. Giờ thì rõ rồi, em đã tự tin để đăng ký thi ngành này” – Nga bộc bạch. Nga không phải là học sinh “tỉnh” duy nhất lên tham gia ngày hội, còn có rất nhiều học sinh đến từ các tỉnh khác như Tiền Giang, Kiên Giang, Bình Phước, Đồng Nai…
Với số lượng học sinh quá đông, nhiều gian tư vấn đã bị quá tải. Trường ĐH Tài chính – marketing bố trí 10 cán bộ tư vấn trao đổi trực tiếp nhưng vẫn không thể đáp ứng nhu cầu. Một số cán bộ phải ra ngoài gian tư vấn để nhiều học sinh có thể được tư vấn cùng lúc. Tương tự, cán bộ tư vấn của các trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Công nghiệp TP.HCM, Sài Gòn… phải làm việc trong sự bao vây của học sinh. Riêng khu vực của ĐHQG TP.HCM khá rộng rãi nhưng học sinh luôn phải chờ để được tư vấn trực tiếp với cán bộ tư vấn của các trường thành viên.
Ngày hội thu hút đông đảo học sinh không chỉ nội dung đa dạng, phong phú mà còn vì quy mô 130 gian tư vấn với sự tham gia của hầu hết các trường ĐH lớn tại TP.HCM, sự sinh động và hấp dẫn do các trường mang đến. Đến với ngày hội, các trường đều trưng ra tại gian tư vấn của mình những sản phẩm độc đáo và đặc sắc nhất từ thành quả nghiên cứu của mình và đã thu hút sự quan tâm của học sinh. Không chỉ làm gian tư vấn thêm thực tế và sinh động, việc trình diễn những sản phẩm này đã giúp nhiều học sinh định hướng trong việc chọn ngành. Một học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (TP.HCM) cho biết thích khám phá và chế tạo robot, máy móc nhưng không biết học ngành nào. Sau khi xem Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ trình diễn xe tự động nhận diện đường đi, xe chạy bằng năng lượng mặt trời và được tư vấn, học sinh này quyết định sẽ dự thi vào ngành cơ điện tử.
Trong khi đó, học sinh thích thú khám phá các trò chơi liên quan đến các thiết bị điện tử, các thí nghiệm hóa học do nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa tổ chức. Ngoài ra, nhóm sinh viên này còn tổ chức học sinh thành đoàn đưa đi tham quan cơ sở đào tạo của trường, các phòng thực hành, thí nghiệm của các ngành đào tạo. Học sinh được “mắt thấy tay sờ” nên rất thích thú.
Tại gian tư vấn của Trường CĐ Công thương, học sinh được xem các giáo viên thực hành in ấn, chế biến các sản phẩm và trực tiếp tham gia các thí nghiệm vui về hóa học.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga (giữa) trò chuyện với học sinh tại ngày hội – Ảnh: Như Hùng |
Lần đầu tiên lứa tuổi quàng khăn đỏ có mặt tại ngày hội – Ảnh: Thuận Thắng |
Định hướng từ lớp 9
Với mong muốn định hướng nghề nghiệp sớm cho học sinh, lần đầu tiên ngày hội mở rộng đối tượng tham gia cho học sinh lớp 9. Rất nhiều trường tại TP.HCM đã đưa học sinh tham gia ngày hội. Dẫu còn bỡ ngỡ so với các anh chị THPT nhưng nhiều học sinh lớp 9 tỏ ra rất hứng khởi. Nguyễn Văn Lộc, lớp 92 Trường THCS Nguyễn Huệ (Q.11, TP.HCM), cho biết thích làm kỹ sư xây dựng cầu đường. Lộc cùng nhóm bạn đã đạp xe đến với ngày hội. Tuy còn rụt rè chưa dám hỏi nhưng Lộc đã thu hoạch một số tài liệu về ngành đào tạo này từ các trường ĐH để tham khảo.
Lần đầu tiên có mặt học sinh các trường THCS, ý nghĩa hướng nghiệp của Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp được nhân rộng và lan tỏa hơn. Trang, học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Hiền (Q.12, TP.HCM), bày tỏ: “Em rất vui vì lần đầu tiên được tiếp cận nhiều trường ĐH, CĐ, trường nghề. Em thấy thú vị với nghề in lụa, hiểu thêm về các nghề liên quan tới du lịch, được thấy mô hình máy gieo hạt, xe năng lượng mặt trời. Cũng tới bây giờ em mới hiểu có một trường ĐH phòng cháy chữa cháy thuộc ngành công an… Em cũng chưa quyết định mình sẽ chọn ngành nghề gì sau này nhưng hôm nay em sẽ có nhiều thông tin hơn để lựa chọn”.
Còn chị Ngọc Hương, có con học Trường THCS Nguyễn Minh Hoàng (Q.11, TP.HCM), bày tỏ: “Mẹ con tôi đến không phải để tìm hiểu thông tin thi ĐH. Con tôi muốn đi để biết thêm các ngành nghề, tôi cũng vậy. Mình cũng phải có hiểu biết để cùng con chọn ngành nghề. Còn ba năm nữa cháu mới thi nhưng làm cha mẹ, tìm hiểu bây giờ cũng không phải sớm”.
Hôm nay, ngày hội tiếp tục diễn ra từ 8g-11g30. Toàn bộ nội dung tư vấn sẽ được tường thuật trực tuyến trên Tuổi Trẻ Online ở địa chỉ http://tuoitre.vn.
Tại gian tư vấn của Trường ĐH Tân Tạo (Long An), ngay từ đầu giờ chiều 11-2 đã có mặt của một chuyên gia tư vấn đặc biệt, GS.TS Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng nhà trường, tham gia tư vấn trực tiếp cho phụ huynh, học sinh. Tất cả thắc mắc của phụ huynh, học sinh đều được GS Xuân lần lượt giải đáp, tư vấn cặn kẽ. Đến gần 18g, ông hiệu trưởng vẫn nhiệt tình giải đáp, tư vấn cho phụ huynh, học sinh tại gian tư vấn này. TRẦN HUỲNH |
NHÓM PV GIÁO DỤC
Nên chọn nghề từ lòng say mê Kết thúc thời gian tư vấn chuyên sâu, hàng trăm học sinh và phụ huynh vẫn nán lại để trao đổi với các thành viên ban tư vấn. Các thầy cô tư vấn: Trước tiên, các bạn trẻ nên lắng nghe và hiểu ý muốn của cha mẹ, sau đó phải biết trình bày ước mơ và quan điểm chọn nghề của mình (vì sao chọn nghề đó, liệu mình có phù hợp ngành nghề đó không). TS Nguyễn Toàn đưa ra lời khuyên thẳng thắn dành cho các bậc phụ huynh: hãy tạo điều kiện để con em mình, những học sinh lớp 12 đã đến tuổi trưởng thành, được tự quyết định chọn nghề nghiệp cho cuộc đời mình. Ở góc độ tâm lý, TS Nguyễn Thị Bích Hồng khuyên những bạn băn khoăn, lo âu về việc đã luyện thi ĐH nhiều năm nhưng vẫn sợ … rớt: hãy cố gắng hết sức mình, đừng tự tạo áp lực cho bản thân. Mỗi người sẽ có một ngành nghề, một vị trí xã hội phù hợp nếu biết chọn đúng ngành nghề phù hợp, đúng trường vừa sức. Chọn nghề vào đời nên bắt đầu từ lòng say mê, quyết tâm mới theo ngành nghề đó, chứ không phải vì cái “mác” ĐH. Trong khi đó, ThS Nguyễn Phước Hải – trưởng phòng đào tạo Trường CĐ Kinh tế TP.HCM – khuyên: nếu thấy khả năng mình khó vào được ĐH thì nên mạnh dạn đăng ký NV1 vào bậc CĐ hay xét tuyển trung cấp. Cần xác định rõ năng lực của mình để chọn trường phù hợp. Năng lực có hạn, nếu thi ĐH không đậu, khi đó phải xét tuyển NV2, 3 vào bậc CĐ thì cơ hội trúng tuyển sẽ khó khăn hơn nhiều. Nhiều học sinh đến thời điểm này vẫn chưa biết mình phù hợp với ngành nào, căn cứ nào để chọn ngành thích hợp nhất với mình. Với vấn đề này, ThS Lâm Tường Thoại, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế – luật (ĐHQG TP.HCM), tư vấn: khi chọn ngành nghề, điểm đầu tiên phải xuất phát từ sở thích. Tuy nhiên, cần phải xác định đó là sở thích thật sự hay thích sự hào nhoáng của ngành nghề đó (từ một người làm nghề này). Thí sinh cần tham khảo ngay chính người thân của mình để có được lời khuyên, dựa vào bạn bè, thầy cô và có thể dựa vào các công cụ trắc nghiệm để xác định sở thích của mình. Khi hiểu rõ sở thích của mình, cần căn cứ vào khả năng của mình (học lực và tài chính) để chọn trường phù hợp. NHÓM PV GIÁO DỤC |
Bên lề: Mang máy trợ tim đi tư vấn Tham gia ngày hội, GS Võ Văn Tới, giảng viên Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM), đã mang đến một chiếc… máy trợ tim cùng những dụng cụ y khoa khác để giúp học sinh hiểu rõ về ngành kỹ thuật y sinh. HÀ BÌNH Nghỉ bồi dưỡng học sinh giỏi để đi nghe tư vấn Cô Huỳnh Thị Hồng Loan, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A12 Trường THCS Chánh Hưng (Q.8, TP.HCM), đưa nhóm học sinh của lớp mình đến với ngày hội cho biết: “Khi được biết tin ngày hội năm nay có tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh các trường THCS, nhiều học sinh rất nôn nao chờ ngày hội này. Hôm nay một số học sinh phải đi học bồi dưỡng học sinh giỏi cấp thành phố nhưng xin nghỉ để được đến ngày hội. Do nhà trường không có điều kiện tổ chức xe đưa đón các em nên giáo viên chủ nhiệm các lớp phụ trách đưa các em đến tham gia ngày hội bằng… xe đạp”. TRẦN HUỲNH Thi thiết kế xe từ…bẫy chuột Học sinh tham gia ngày hội rất thích thú với cuộc thi thiết kế kỹ thuật Bách khoa 2012 do khoa cơ khí Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) tổ chức. Với chiếc bẫy chuột, chín đội thi đã mang đến cuộc thi những mô hình xe độc đáo với nhiều ý tưởng, kiểu dáng, nguyên liệu sản xuất khác nhau. Hình thức thi là cuộc đua giữa các xe được làm dựa trên nguyên lý đòn bẩy cơ học của chiếc bẫy chuột có độ dài 30m. Theo dõi những chiếc xe được làm rất đơn giản chạy băng băng trên đường đua, nhiều học sinh tham gia ngày hội rất thích thú và đã mạnh dạn trò chuyện với những anh chị sinh viên tham gia cuộc thi. PHƯỚC TUẦN |
Source: Báo Tuổi Trẻ