Hoang sơ Phú Quý

TTCT – Những dải san hô cùng những cụm đá đen, đá gành nhiều màu sắc nhấp nhô trên mặt nước biển màu ngọc bích là minh chứng về sự hoang sơ của đảo Phú Quý.

Hoang sơ Phú Quý

Một góc đảo Phú Quý – Ảnh: Panoramio

Huyện đảo thuộc tỉnh Bình Thuận này rộng 32km2, gồm mười hòn đảo lớn nhỏ, cách đất liền 56 hải lý.

Khởi hành lúc 13g từ cảng Phan Thiết, con tàu Quê Hương đưa 150 hành khách và nhiều hàng hóa cồng kềnh ra đảo trong thời gian hơn sáu giờ. Như nhiều người khác, tôi không khỏi bị chếnh choáng khi con tàu bồng bềnh trên ngàn lớp sóng vỗ. Càng ra xa bờ sóng càng mạnh, bắn những vòi nước biển lên mạn tàu – quả là một trò chơi ú tim với người lần đầu đi biển.

Nhưng về chiều sóng vỗ nhịp nhàng hơn. Đã có thể thoải mái đứng trên boong tàu buổi hoàng hôn khi mặt trời đỏ hồng trên biển, nghe những thanh âm rì rào của sóng và hứng những làn gió biển mát lạnh. Dù gặp vài trục trặc về kỹ thuật, tàu cập bến lúc 19g30, khi ấy chúng tôi nhận biết cuộc sống ở đảo qua ánh sáng của ngọn hải đăng cao vút và một vệt sáng dài quanh bờ biển do đèn câu mực của hàng trăm chiếc thuyền câu đêm kết lại…

Điện gió trên đảo – Ảnh: Dennis Schwartz

Anh Phan Văn Minh, kỹ sư điện gió 58 tuổi, đã 20 lần đi lại công tác trên đảo. Công việc khiến anh bén duyên với hòn đảo này từ lúc Phú Quý chưa có đường đi, chưa có nhà máy nhiệt điện. Với chúng tôi, anh còn là hướng dẫn viên du lịch tự nguyện, nhiệt tình chỉ dẫn từng địa điểm tham quan “không thể bỏ qua” trên đảo.

Đó là gành Hang với hàng ngàn gành đá đen nhánh, lung linh màu sắc vào mỗi bình minh; là vịnh Triều Dương với bãi cát lấp lánh ánh vàng trải dài cùng màu xanh ngọc bích của nước biển vào mỗi hoàng hôn…

Theo chân anh, chúng tôi lần lượt tham quan bảy ngôi chùa đồ sộ trên đảo như Linh Quang, Linh Bửu, Linh Sơn, Liên Hoa… Điều lạ là tất cả chùa trên đảo không có sư trụ trì, đều do phật tử trên đảo tự đóng góp xây dựng và quản lý.

Chiều về trên vịnh Triều Dương – Ảnh: Tiến Thành

Vạn An Thạnh (xã Tam Thanh) là một kiến trúc tôn giáo thờ thần Nam Hải, biểu trưng cho khát vọng trời yên bể lặng của ngư dân, nơi lưu giữ bộ xương cá voi lâu đời (người dân gọi tôn kính là “ngọc cốt của ông”) và một số sắc phong của các vua triều Nguyễn. Phía sau vạn An Thạnh có bãi đá với nhiều hình dạng lạ mắt, theo anh Minh, có thể được hình thành từ hàng trăm triệu năm của quá trình phong hóa, bởi Phú Quý nguyên là một núi lửa đã ngưng hoạt động từ lâu. Người dân trên đảo đã tạc vào bãi đá những hồ nuôi cá thu trong vắt.

Đối diện Vạn An Thạnh là chùa Linh Sơn trên đỉnh Cao Cát, một trong hai ngọn núi cao nhất đảo với tượng Phật Bà Quan Âm được đặt trên một bệ đá khổng lồ trên đỉnh núi. Từ đỉnh Cao Cát có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn biển cả, những rừng thông bạt ngàn, làng mạc trên đảo…

Cũng ở đây vào những buổi chiều muộn, thật tuyệt vời khi ngắm ánh tà dương đổ xuống những cánh buồm trắng đang căng mình đón gió cùng những thuyền đánh cá đang thả neo im lìm bên kè đá… Nhìn ra xa còn thấy những hòn Tranh, hòn Trứng, hòn Trào, hòn Đen… đượm màu nắng giữa trời và biển, quả là một bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ và thơ mộng.

Hồ nuôi cá thu bằng đá san hô chỉ có ở Phú Quý  – ẢNh: Tiến Thành

Trước khi rời Phú Quý, chúng tôi đến tham quan chợ cá từ khi trời chưa hửng sáng. Ở đó, những phụ nữ tảo tần đã tụ tập đông đảo bên bến cảng, chờ những chuyến tàu đánh cá trở về rồi tỉ mẩn chọn từng loại cá… Một ngày mới bắt đầu trên đảo với những rổ cá biển ánh xanh, những chú cua huỳnh đế hay những con mực nhỏ xíu do lũ trẻ câu được…

Trở về đất liền trên con tàu Bình Thuận 18, tôi dõi mắt nhìn về phía những thuyền cá ăm ắp, những xe máy, xe đạp đang nối đuôi nhau chở những chuyến hàng… Cảnh sinh hoạt bình dị ấy làm tôi nhớ đến mấy câu thơ của nhà thơ mặc áo lính Khai Trinh: “Nắng chiều trải xuống bãi Gành/ Nhìn về Phan Thiết, biển xanh xa vời/ Ngư dân vui cảnh ngàn khơi/ Lênh đênh trên nước, cuộc đời thong dong…”.

Chợ cá buổi sớm – Ảnh: Tiến Thành

Từ Phan Thiết, muốn ra đảo Phú Quý phải đón tàu ở cảng xuất phát lúc 7g30 (tàu ra đảo ngày chẵn, về lại Phan Thiết ngày lẻ). Trên đảo có thể thuê nhà nghỉ với giá 150.000 đồng/phòng thường, 200.000 đồng/phòng máy lạnh (có thể ở bốn người/phòng). Đi lại trên đảo có thể thuê xe giá 100.000 đồng/ngày.

Ăn uống ở đảo khá ngon, giá cả dễ chịu: một lẩu hải sản bốn người ăn giá khoảng 200.000 đồng, cơm phần 20.000-25.000 đồng. Có thể thuê thuyền đi chơi, câu cá ở hòn Tranh phong cảnh rất đẹp.

TIẾN THÀNH

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.