Chủ đề ‘Đường bay thẳng’ của Tiến sĩ Trần Đình Bá nóng trở lại với hội thảo tổ chức chiều qua tại Hà Nội. Tuy nhiên, trừ tác giả, các bên liên quan tiếp tục cho rằng đề án không khả thi. > Thách cược 5 triệu USD cho ‘đường bay vàng’> 353 tỷ đồng xây Khu hàng không dân dụng Tuy Hòa
“Dự án Hạch toán Kinh doanh có lãi cho Hàng không quốc gia Việt Nam theo phương pháp Trần Đình Bá”, đã được ông Trần Đình Bá nhiều lần gửi đến các cơ quan của ngành Hàng không và Bộ Giao thông Vận tải. Được mệnh danh là “Tiến sĩ Hàng không”, ông cho rằng hàng không Việt Nam sẽ dễ dàng chuyển lỗ thành lãi, “một vốn bốn mươi lời” chỉ bằng phương pháp bay thẳng. Cụ thể, ông Bá cho rằng nếu Vietnam Airlines bay theo đường thẳng nối hai điểm trên tất cả các đường bay nội địa, chấp nhận đánh đổi 5% chi phí quá cảnh qua Lào và Campuchia, sẽ thu được 20% chi phí tiết kiệm năng lượng và thời gian bay, tức bỏ ra 3 triệu USD để thu về 120 triệu USD mỗi năm.
Sơ đồ đường bay thẳng của ông Mai Trọng Tuấn |
Tuy nhiên, trong cuộc họp, đề xuất trên đã gặp nhiều phản biện của đại diện các bên tham gia, từ Cục Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty hàng không Việt Nam, Quân chủng Phòng không – Không quân (Bộ Quốc Phòng) đến Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.
Ý kiến đầu tiên đến từ đại diện Cục Hàng không Việt Nam, cho rằng nhiều số liệu trong Dự án của ông Trần Đình Bá không chính xác, ví dụ ông Bá tính toán đường bay thực tế hiện nay từ Nội Bài đến Tân Sơn Nhất là 1.556 km, trong khi Cục Hàng không và Vietnam Airlines khẳng định con số đo được là 1.274 km. Ngoài ra, dự án của ông Trần Đình Bá chỉ tính khoảng cách bay thẳng bằng cách kẻ chỉ nối hai điểm chứ chưa tính đến phương thức bay. Do sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất nằm theo hướng Đông Tây, máy bay nối TP HCM và Hà Nội theo trục Bắc Nam không thể cất cánh, hạ cánh theo đường bay thẳng như đề xuất. Các giai đoạn dành cho tàu bay cất cánh, lấy độ cao, giảm độ cao, tiếp cận, hạ cánh, chưa được tính trong dự án của ông Bá.
Ngoài ra, Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó tư lệnh Quân chủng phòng không không quân, một trong những đơn vị tham gia thiết kế đường bay cho hàng không Việt Nam, cho rằng đề xuất đường bay thẳng sẽ làm phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến an ninh quốc phòng. Ông phát biểu: “Khi bay qua Lào và Campuchia, không chỉ đơn thuần chúng ta cứ trả tiền rồi bay qua, mà còn phải đảm bảo khả năng tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra”. Đường bay thẳng đề xuất cũng đi qua những vùng cấm bay như khu quân sự, chiến lược của đất nước. Khi tính toán một đường hàng không, bên cạnh bài toán kinh tế còn phải tính đến các yếu tố khác như an toàn hàng không, an ninh quốc phòng, Thiếu tướng Tuấn nói thêm.
Đề xuất bay thẳng gặp rất nhiều phản bác từ nhiều cơ quan chức năng. Ảnh minh họa: Kiên Cường |
Bên cạnh đó, các đường bay thẳng theo đề xuất của ông Bá sẽ còn tạo ra thêm nhiều điểm giao cắt ở trên không. Riêng nhóm đường bay đề xuất từ Nội Bài đi phía nam tạo ra ít nhất 12 điểm giao cắt với biên giới Việt Nam, 24 điểm giao cắt với các đường hàng không nội địa, 29 điểm giao cắt với các đường hàng không trong lãnh thổ Lào, Campuchia và Thái Lan. Yếu tố này có thể phá vỡ cấu trúc các đường hàng không nội địa và quốc tế hiện tại, gia tăng cường độ làm việc cho kiểm soát viên không lưu. “Với góc độ cơ quan quản lý đường bay, chúng tôi thấy rằng ý tưởng bay thẳng cần phải lưu ý lại về tính khả thi”, ông Nguyễn Đình Công, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty quản lý và điều hành bay phát biểu.
“Ai cũng biết rằng đường thẳng luôn là đường ngắn nhất. Tuy nhiên trong thực tế tất cả các ngành khác như đường bộ, đường sắt, đường thủy, không phải bao giờ đường thẳng cũng là đường tối ưu nhất”, ông Trần Ngọc Thành, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) nhấn mạnh.
Trước ông Trần Đình Bá, ý tưởng về đường bay thẳng thực ra đã có từ rất lâu. Như ông Lại Xuân Thanh, Cục Phó Cục Hàng không Việt Nam nhấn mạnh, bay thẳng theo “phương pháp Trần Đình Bá” thực ra đã lấy một phần nghiên cứu khoa học của ông Mai Trọng Tuấn, người đưa ra đề án “đường bay vàng” từ năm 2009. Sau nhiều lần hội thảo, đánh giá, vào cuối năm 2009, Thủ tướng đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Quốc phòng về việc ngừng xem xét “đường bay vàng” Nội Bài – Tân Sơn Nhất dọc kinh tuyến 106 độ Đông.
Còn lần này, tuy đánh giá cao tâm huyết của tác giả, nhưng ông Nguyễn Đình Công từ Tổng công ty quản lý và điều hành bay tiếp tục nhận định thời điểm hiện nay vẫn chưa thể áp dụng được phương pháp đường bay thẳng này, vào thời điểm thích hợp sẽ nghiên cứu lại.
Thanh Bình
Source: Báo VNExpress