TTCT – Vừa chân ướt chân ráo về đến nhà sau ba tháng đi Nga, bạn bè đã điện thoại hỏi thăm tới tấp: Nước Nga có lộn xộn không? Có thấy mittinh không? Mittinh thì có chứ lộn xộn thì không!
Nước Nga trước tháng 3-2012
Biểu tình chống “Cách mạng màu cam” ở Matxcơva ngày 4-2 – Ảnh: ria.ru |
Có vẻ như cuộc bầu cử tổng thống ở Nga, lần đầu tiên có nhiệm kỳ sáu năm, vào ngày 4-3 tới được quan tâm ở khía cạnh những sự kiện giật gân thì phải. Nhưng cho đến khi tôi rời khỏi Matxcơva thì nước Nga vẫn bình thản quay cuồng trong cái guồng sống muôn màu hối hả gấp gáp của một nước công nghiệp. Cặp vợ chồng trẻ ở chung nhà và mấy người quen hay rủ uống trà vẫn bình thản trong nhịp sống bận rộn, không có vẻ quan ngại về thời thế một cách thái quá.
Những cuộc biểu tình
Phải công nhận rằng những cuộc mittinh ngày 24-12-2011 và nhất là cuộc mittinh ngày 4-2-2012 có số lượng người tham gia rất lớn, có thể sánh ngang với những cuộc mittinh do nhà nước Xô viết tổ chức khi xưa nhân những dịp lễ lớn.
Cuộc mittinh tháng 12-2011 ở Matxcơva hình như thể hiện sự bất bình của dân chúng trong nước Nga do kết quả bầu cử Duma Nga, mà bị cho là có sự dối trá qua những video clip quay cảnh người ta dúi thêm phiếu bầu vào thùng phiếu, tung lên mạng ngay sau khi bầu cử Duma vừa kết thúc.
Và thể hiện sự bất bình của nước ngoài, đại diện là Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, phát biểu ngay sau khi cuộc bầu cử vừa kết thúc, rằng hết sức lo ngại vì cuộc bầu cử “không tự do, không minh bạch”, dù không đưa ra bằng chứng. Tuy sau này Ủy ban điều tra của Nga làm rõ những video clip ấy được “cắt dán” từ bên ngoài Nga, nhưng đã quá muộn.
Trên hầu hết mạng xã hội của Nga và nước ngoài dấy lên cuộc phản đối rầm rộ, lan truyền với tốc độ rất nhanh dẫn đến cuộc mittinh ngày 24-12-2011 tại Matxcơva và Saint Petersburg. Theo báo chí, đại bộ phận số người tham dự cuộc mittinh đó là tầng lớp trung lưu, có tiền, có học, trẻ (20-30 tuổi chiếm đại đa số), với khẩu hiệu “Vì cuộc bầu cử minh bạch”.
Ngày ấy, tại Saint Petersburg, ngồi trên xe buýt đi ngang qua trung tâm thương mại Gostinyi Dvor, tôi thấy khoảng vài ba trăm người mittinh trong không khí bình bình, có cảnh sát đứng xung quanh không cho tràn xuống đường sợ gây cản trở giao thông. Khác hẳn với không khí sôi động, ầm ĩ và vui vẻ, như đọc thấy trên mạng, ở Matxcơva.
Còn ở những cuộc mittinh ngày 4-2-2012 tại Matxcơva thì theo Ria Novosti, có số lượng người tham dự khổng lồ. Trong cái giá rét khủng khiếp âm 220C mà có tới 160.000 người tham dự những cuộc mittinh của các bên, thì có thể thấy các mâu thuẫn của nội bộ nước Nga khá gay gắt. Khác với hồi tháng 12-2011, lần này tại thủ đô Matxcơva có tới vài cuộc mittinh khác nhau với những khẩu hiệu khác nhau.
Phía đối lập ngoài khẩu hiệu cũ là “Vì cuộc bầu cử minh bạch”, còn đưa ra thêm khẩu hiệu mới là “Không bầu Putin”, và “Hãy đăng ký làm quan sát viên”, đạt kỷ lục về số người tham gia, khoảng 35.000-36.000 người (so với số đăng ký 50.000). Nhưng không ăn thua gì với con số 128.000 người (so với số đăng ký là 15.000, nên bị Bộ Nội vụ Nga dọa phạt tiền) dự mittinh phản đối “nguy cơ màu cam” với khẩu hiệu “Chúng ta lấy lại những gì đã mất”, “Putin hơn tất cả”…
Và còn có vài cuộc mittinh riêng lẻ khác cỡ vài trăm người nữa. Phải chăng vào ngày 4-2, những người trước đây vẫn im lặng vì “bận lắm, ai làm gì thì làm, nước Nga chả vì mittinh mà chết được” như Vadik Tsaryevyi, kỹ sư xây dựng ở Saint Petersburg nói với tôi, thì “nay đã thể hiện chính kiến của mình”? Ở một số thành phố khác cũng có những cuộc mittinh tương tự, nhưng quy mô khoảng chỉ vài ngàn người.
Có chi tiết này đáng lưu ý: sau cuộc biểu tình ngày 24-12-2011, trên báo Novaiya Gazeta, công tố viên trưởng Liên bang Nga, ông Yury Chaika, trước đó là bộ trưởng Bộ Tư pháp Nga, khẳng định những người dự mittinh “Vì cuộc bầu cử minh bạch” đã được trả tiền từ “những nguồn nằm ngoài phạm vi Liên bang Nga” (1).
Tuy bản tin không cho biết “ngoài phạm vi Liên bang Nga” là từ đâu, nhưng rõ ràng phương Tây không ưa gì ứng viên V. Putin, căn cứ vào bài phát biểu của nhà chính trị Mỹ gốc Ba Lan Zbignev Brezinski (trong bài diễn văn khi nhận giải thưởng Tocqueville ở Pháp năm 2011 – http://csis.org/publication/zbigniew-brzezinskis-de-tocqueville-prize-speech):
“Hiện nay, số phận của nước Nga không còn là kiểm soát một nửa thế giới, mà là phải sống sót trong sự trì trệ nội tại và giảm nhân khẩu giữa một phương Đông đang lên và một phương Tây giàu có hơn. Đó là lý do tại sao chính sách phương Tây thúc giục các quan hệ chặt chẽ hơn của Ukraine với EU là một tiền đề quan trọng để thôi thúc Nga cuối cùng cũng phải gắn bó chặt chẽ hơn với phương Tây. Điều đó không thể xảy ra dưới thời tổng thống V. Putin…”.
Một người biểu tình trong trang phục “xe tăng” đòi bầu cử trung thực ở Matxcơva ngày 4-2 – Ảnh: Reuters |
Những điều trông thấy
Những cuộc biểu tình này là bề nổi của một xã hội Nga ra sao? Hỏi Kostia Mironyshev, 39 tuổi, nhân viên công ty quảng cáo đồ gỗ nội thất ở Saint Petersburg, anh khẳng định ngay: “Người Nga trung bình bây giờ có mức sống cao hơn thời Xô viết”.
Như để minh chứng, anh huyên thuyên: “Cứ xem nhà tôi đây, không kể thiết bị gia dụng chung như máy giặt, tủ lạnh, thiết bị nhà bếp hiện đại; không kể tivi, video, camera và một ôtô chung, vợ chồng và con trai mỗi người có notebook, máy nghe nhạc và máy ảnh riêng, con trai còn có nhiều đồ chơi điện tử khác. Chưa kể năm nào cũng đi nghỉ ở biển. Năm nào nhiều tiền thì đi xa: Thái Lan, Indonesia; năm nào ít tiền thì đi gần: Biển Đen, Hi Lạp…
Hè vừa rồi gia đình tôi mới đi nghỉ ở Hungary. Thời Xô viết cứ kêu ca là không được ra nước ngoài, nhưng nếu cho đi thì mấy ai có tiền nhiều mà đi được. Còn bây giờ hả, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan… đang giàu lên vì du khách Nga đấy. Nếu không nhờ ông ta (V. Putin) thì ai vào đây?”.
Bà Tachiana Nalimova, 58 tuổi, giáo viên tiếng Nga cho sinh viên nước ngoài ở Saint Petersburg, cho biết gia đình bà có năm người gồm vợ chồng bà, vợ chồng con gái lớn là bác sĩ và con trai làm xây dựng, trước sống trong căn hộ hai buồng ngủ, khá chật. May mà cách đây bốn năm mua được một buồng sát bên của hàng xóm, sửa sang lại toàn bộ nên bây giờ mới có vẻ khang trang sáng sủa thế này đấy.
Khoảng từ những năm đầu thập niên 2000, người dân Nga bắt đầu có tiền, đua nhau sửa nhà kiểu “evroremont” (kiểu châu Âu) nên nhà ai cũng sáng sủa đẹp đẽ ra. Các căn hộ mới xây sau này càng rộng rãi, càng sang trọng, cứ như khách sạn 4-5 sao, thế mà người ta vẫn xếp hàng để mua vì không đủ bán. Bà Tachiana còn kể vợ chồng một người bạn là giảng viên đại học mới mua một căn như vậy.
Tôi hỏi: “Giảng viên đại học mà nhiều tiền thế à?”, “Là họ bán căn hộ cũ và thêm tiền tiết kiệm vào, cũng có vay ngân hàng một ít nữa, trả trong ba năm. Nhưng thời xưa giáo viên như chúng tôi ai dám mơ sẽ có ngày ở trong căn hộ rộng rãi, đẹp đẽ đến vậy”.
Người già ở Nga được quan tâm chăm sóc. Theo luật liên bang, từ năm 2009, nếu người về hưu có lương hưu thấp hơn mức sống tối thiểu, dựa vào Luật về mức sống tối thiểu ở Nga, hoặc có người phụ thuộc dưới 23 tuổi mà đang đi học thì được nhận thêm trợ cấp.
Kể từ ngày 1-1-2010 lương hưu đã tăng 10% so với năm 2002, ngoài ra còn được tính tăng thêm 1% cho mỗi năm làm việc trước năm 1991, tức là trước khi Liên Xô tan rã. Và kể từ ngày 1-4-2011, trị giá các dịch vụ xã hội cộng thêm hằng tháng cho người về hưu như thuốc men, nghỉ an dưỡng, đi lại bằng đường sắt ra ngoại tỉnh… được tính bằng 750,83 rup (khoảng 25 USD).
Đi nhà hát hay bảo tàng bao giờ cũng thấy những quy định ưu tiên rạch ròi: giảm giá vé cho trẻ em dưới 12 tuổi và người về hưu. Đi trên các phương tiện giao thông công cộng thấy người về hưu và thương binh có giá vé ưu đãi nhất. Lương hưu bình quân từ năm 2010 là khoảng 300 USD. Những cựu binh lĩnh khoảng 500 USD.
Tỉ lệ phần trăm GDP của Nga sau năm 1990, qua các đời tổng thống (Nguồn: Tổng cục Thống kê Liên bang Nga) |
Bà Polina Mikhailova – mẹ của Tanhia bạn tôi, 80 tuổi, có hai con, ba cháu đã lớn, đều có gia đình riêng và ở xa cả. Vài ba tháng mới có con hay cháu nào đó ghé thăm. Hôm mới qua, tôi đến chào bà và biếu hộp trà linh chi, bà cảm động lắm. Bà kể đang bị suyễn, vài ngày nữa sẽ đi bệnh viện cho họ “thông khí” và thở oxy.
Tôi hỏi có mất tiền không? – “Không mất tiền, tôi là người hưu trí, làm việc cho nhà nước bao nhiêu năm, bây giờ già cả ốm đau, nhà nước đâu thể lấy tiền được”. Thế lương hưu bà được bao nhiêu? “Chỉ gần 14.000 rup (khoảng 450 USD)”. Bà khoe vừa mới cắt tóc cho gọn trước khi đi bệnh viện, “mọi người thì cô ấy lấy 250 rup, người già hưu trí thì lấy 200 rup thôi. Làm cẩn thận và nhẹ tay lắm”.
Thế ai đưa bà đi bệnh viện? – “Bà chuẩn bị hết tất cả rồi, giấy tờ, tiền bạc đây, khăn áo đây, sách để đọc đây, bánh kẹo ăn thêm đây… Cứ thế lên xe buýt tự đi thôi”. Thế lỡ ai đó bệnh nặng quá không tự đi được thì sao? – “Thì gọi xe cấp cứu chứ sao nữa. Họ tới ngay thôi”, bà trả lời thản nhiên.
Theo GS.TS Vladimir Kolotov – trưởng bộ môn lịch sử các nước Viễn Đông Đại học Quốc gia Saint Petersburg, thì mặc ai nói ngược nói xuôi, chỉ cần xem xét những thông số tổng quát nhất, phản ánh nền kinh tế một cách trung thực nhất trong mười năm qua sẽ hiểu hơn sự ủng hộ dành cho ông Putin.
Mười năm qua là muốn nói tới giai đoạn ông Putin ở cương vị tổng thống và sau này làm thủ tướng Nga trong “cặp đôi hoàn hảo” với Tổng thống D. Medvedev. Trong đó cần lưu ý là các thông số thường được so với năm 1991, năm cuối cùng của chế độ Xô viết (xem bảng trang 25).
Ngày 31-1-2012 theo RIA Novosti, kết quả thăm dò ý dân của Trung tâm ý kiến xã hội toàn Nga nói hai phần ba người Nga cho rằng Thủ tướng Vladimir Putin, ứng cử viên Đảng Nước Nga thống nhất sẽ thắng cử ngay ở vòng thứ nhất. Tuy nhiên có 19% cho rằng sẽ cần đến vòng hai.
Slava Chemyshiov, doanh nhân, đang làm việc tại TP.HCM, nhăn mặt khi tôi hỏi anh sẽ bầu ai. Anh nói những ngày này câu hỏi sẽ bầu ai “bất lịch sự y như câu hỏi thu nhập bao nhiêu”. Theo anh thì nước Nga quá lớn và quá giàu có tài nguyên để không thể không thèm muốn. Và quá mạnh để có thể xâm chiếm.
Anh trầm ngâm: “Bởi thế nên nước ngoài phải luồn vào Nga qua những kẽ hở là những kẻ bị mua chuộc. Đồng thời đang tìm mọi cách khiêu khích và trả tiền cho những ai chống đối. Những người như thế ở đâu cũng có. Cho nên dẫu không hoàn toàn thích ông Putin, nhưng với tình hình này, vì sự an toàn, vì sự ổn định và phát triển của nước Nga, còn lựa chọn ai khác đáng tin cậy hơn ông Putin?”.
Rõ ràng, mức ủng hộ xấp xỉ 60% sau 12 năm đứng đầu đất nước đã nói lên rất nhiều, và hiện ông Putin không có đối thủ nào ngang tầm trong cuộc tranh cử tổng thống sắp tới. Có thể những người theo phái tự do đang tìm kiếm “sa hoàng” khác, nhưng người ấy chưa xuất hiện. Chính trị là một trò chơi thực tế sát sườn, nó không biết đến chữ “nếu như”.
NGUYỄN THỊ THANH THANH
__________
(1): http://www.dp.ru/a/2012/01/12/JUrij_CHajka_zajavil_chto_mi/
Kỳ tới: Chiến tranh thông tin trong bầu cử Nga 2012
Source: Báo Tuổi Trẻ