Mấy ngày nay, cư dân mạng sục sôi “ném đá” clip bà mẹ cô bé 15 tuổi phản ứng ban giám khảo cuộc thi Vietnam’s Got Talent 2012 vì cô bé không được đi tiếp vào vòng trong.> Ngộ nhận thần đồng
Theo thống kê trên Youtube, clip này có hơn 6.000 lượt truy cập. Trong đó, 152 người thích, 6.310 người không thích… Xét một cách công bằng, giọng ca cô bé không đến nỗi là thảm họa âm nhạc, nhưng clip vẫn bị ném đá vì thái độ ứng xử của bà mẹ cùng một vài thành viên khác trong gia đình, mà nói theo một số bạn trẻ là “chém gió gia truyền”. Đặc biệt là câu nói: “Tôi thấy có nhiều em hát còn dở hơn…”.
Thái độ “con hát mẹ khen hay” của bà mẹ, là người đứng đầu của một trường mang danh “quốc tế” ở TPHCM khiến có bạn phải bình luận rằng: “Bà mẹ dạy con kiểu này mà lại đang kinh doanh ngành giáo dục thì thật là tai họa. Tôi sẽ cho con tôi sang trường khác”.
Đây là trường hợp đầu tiên thể hiện trước số đông chuyện “con tôi là sao”, nhưng không phải là trường hợp duy nhất.
Còn với Hoàng Anh, học sinh lớp 10 một trường PTTH ở quận 3 thì việc bố mẹ kỳ vọng đào tạo em thành “siêu sao” quả là một cực hình đối với em. Khi học tiểu học, Hoàng Anh học cũng giỏi, cũng tham dự vài kỳ thi học sinh giỏi này nọ và cũng được vài giải không đến nỗi tệ. Thêm vào đó, với đặc điểm gia đình có bố và mẹ là giảng viên đại học nên Hoàng Anh được bố mẹ kỳ vọng khá nhiều.
Bắt đầu lên cấp 2, Hoàng Anh bị buộc phải đi học thêm tối mắt tối mũi toán chuyên để dự thi học sinh giỏi toán, học thêm tin học để tham dự các kỳ thi tin học không chuyên… và bị bố mẹ ép thi vào trường Trung học phổ thông năng khiếu (ĐH KHTN) dù bạn biết rằng mình chỉ yêu và học tốt các môn xã hội.
Kết quả là trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua, cậu rớt cả 2 trường đỉnh là PT năng khiếu ĐH KHTN và Chuyên Lê Hồng Phong, chỉ đủ điểm vào một trường “thường thường bậc trung”. Thế là: “Con làm nhục cả bố lẫn mẹ”, theo lời bố cậu
Nói về thực trạng này, tiến sỹ tâm lý Hoàng Thái Dương (Trung tâm tư vấn Nhịp cầu hanh phúc), cho biết: Việc trong mắt bố mẹ, con mình là “siêu nhân” là chuyện bình thường, vì ai cũng mong muốn con mình thành đạt, đặc biệt là đối với những em có bố mẹ có vị trí trong xã hội (về học thức, về kinh tế hoặc về địa vị…).
Tuy nhiên, bố mẹ cũng cần phải tỉnh táo để biết con mình là ai. Khi bố mẹ quá kỳ vọng và bằng mọi cách thực hiện cho được sự kỳ vọng ấy thì sẽ đẩy con mình vào hai thái cực sau:
– Tạo ra nơi các em sự ngộ nhận về bản thân, sự háo thắng. Cộng thêm vào đó những hào quang ảo do gia đình tạo ra bằng nhiều cách sẽ làm cho các em bị sốc thật sự khi gặp phải thất bại trong thực tế, và có những em không thể đối diện được với thất bại đã dẫn đến những hành động thiếu suy nghĩ và gây ra những hậu quả đau lòng.
– Tạo ra nơi các em sự thiếu tự tin vào năng lực bản thân (do các em không đạt đến mức mà bố mẹ khoe), tâm lý ngại nói chuyện cùng bố mẹ, né tránh các cuộc gặp gỡ để khỏi mắc cỡ vì bố mẹ quá nổ…, dần dần các em đâm ra tự ti, thậm chí còn trầm cảm và không dám sống thật với bản thân của mình.
Theo tiến sỹ Dương, cách tốt nhất bố mẹ hãy tập cho con biết đánh giá đúng về bản thân mình, không quá tự tin mà cũng không quá tự ti, giúp cho các em biểt chấp nhận thất bại và đứng lên sau thất bại, Và điều quan trọng nhất mà bố mẹ cần truyền đạt cho con cái của mình là: “Dù con chỉ là người bình thường nhưng với bố mẹ, con vẫn là tài sản quý giá nhất mà bố mẹ có được”. Có như thế, chúng ta sẽ giúp cho các em trưởng thành một cách toàn diện, vững vàng trong cuộc sống và biết tôn trọng chính bản thân mình.
Phú Thi
Source: Báo VNExpress